Cuộc họp kéo dài 2 ngày liên tục của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed đã kết thúc lúc 1 giờ sáng nay, 18/06/2016, theo giờ Việt Nam. Với quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức từ 0% đến 0,25%, mức lãi suất thấp gần bằng 0 đã được giữ suốt 7 năm qua, từ tháng 12/2008.

Fed đã hạ thấp mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Tốc độ tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ dự báo có thể chỉ đạt từ 1,8% đến 2,0% trong năm 2015, thấp hơn mức dự báo vào tháng 3/2015 của Fed ở mức từ 2,3% đến 2,7%.

Đây là lần thứ hai kể từ tháng 12/2014 Fed hạ mức dự báo tăng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Fed, thị trường lao động Mỹ tiếp tục được cải thiện khi nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm hơn 1 triệu việc làm mới trong 5 tháng đầu năm 2015. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm 2015 có thể vẫn ở mức 5,3% so với dự báo 5,1% trong kỳ họp trước.

Trong khi đó, thị trường nhà đất cũng khởi sắc khi số nhà mới khởi công trong tháng 4 và tháng 5 tăng cao nhất kể từ năm 2007.

Tỷ lệ lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu 2% của FED trong suốt 3 năm và chưa có dấu hiệu hồi phục, nhưng Fed vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ dần dần tăng trở lại mức 2,0% như mục tiêu của Fed trong trung hạn.

Thông báo sau cuộc họp FOMC và bài phát biểu của Chủ tịch Fed Janet Yellen cho thấy Fed có thể tăng lãi suất cơ bản từ 1 đến 2 lần trong 4 cuộc họp còn lại của năm 2015 (mỗi cuộc họp FOMC cách nhau 6 tuần lễ).

Tuy nhiên, có 7 thành viên của FOMC cho ý kiến Fed chỉ nên tăng lãi suất 1 lần duy nhất trong năm 2015. Đa số thành viên FOMC cho rằng, nên tăng lãi suất một cách chậm rãi và chỉ nên thắt chặt tiền tệ hơn trong năm 2016.

Nền kinh tế Mỹ đã hồi phục sau quý I ảm đạm, do ảnh hưởng của mùa Đông giá rét và giá năng lượng giảm mạnh.

Chủ tịch FED, Janet Yellen vẫn muốn nhìn thấy thêm bằng chứng “mang tính quyết định” để đưa ra động thái cuối cùng.

Sự thiếu tự tin trong thông điệp của Fed

Phát biểu trong buổi họp báo, bà Janet Yellen cho rằng các điều kiện kinh tế trong hiện tại chỉ đủ cho phép Fed nâng lãi suất cơ bản một cách từ từ và nhận định rằng lộ trình nâng lãi suất quan trọng hơn thời điểm bắt đầu tiến hành thắt chặt tiền tệ. FED không có ý định “nâng lãi suất một cách máy móc”.

Bà cho biết: “Chúng tôi sẽ đánh giá các điều kiện sắp tới và đưa ra động thái mà chúng tôi cho là phù hợp.”

Về chỉ tiêu lạm phát, bà Janet Yellen nhấn mạnh rằng, trước khi nâng lãi suất, Fed muốn “tự tin một cách hợp lý” về việc lạm phát sẽ chạm mức mục tiêu 2%.

Fed đã hạ dự đoán lãi suất từ 1,875% (đưa ra hồi tháng 3) xuống còn 1,625% vào cuối năm 2016, từ 3,125% xuống còn 2,875% vào cuối năm 2017.

Triển vọng lãi suất thấp hơn cho thấy lộ trình thắt chặt tiền tệ lần này sẽ không giống những lần trước.

Trong những giai đoạn trước, FED dự tính “đón đầu”, ngăn chặn áp lực lạm phát vốn thường đi kèm với hồi phục kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng, kịch bản nâng lãi suất của năm 1937 và 1989 vội vàng khiến khiến kinh tế thế giới lao dốc trở lại, thị trường chứng khoán sụp đổ đang được Fed rút kinh nghiệm sâu sắc.

Michael Feroli, chuyên gia kinh tế làm việc tại JPMorgan Chase, cho rằng các quan chức FED “vẫn chưa có đủ tự tin” và “Các yếu tố quốc tế chắc chắn đã ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng kinh tế trong quý I của FED, bên cạnh đó kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc”.

Rủi ro khi đồng USD tăng giá mạnh

Nỗi lo sợ đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ đã khiến FED hạ tốc độ nâng lãi suất trong năm nay.

Trong năm 2015, mặt bằng lãi suất chung của các nước trên thế giới đang ở mức thấp, lãi suất tại Mỹ tăng cao tương đối sẽ thu hút vốn đầu tư vào những tài sản tại nơi đây và khiến đồng USD mạnh lên.

Điều này sẽ khiến hàng hóa Mỹ kém cạnh tranh hơn tại thị trường nước ngoài và khiến hàng nhập khẩu tại Mỹ được ưa chuộng hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến việc tăng trưởng.

Chỉ số USD, thước đo sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chính khác trong rổ tiền tệ, đã tăng mạnh mẽ từ 70 điểm vào cuối năm 2011 lên mức cao kỷ lục là 100,39 điểm vào đầu năm 2015 khiến hầu hết các đồng tiền chính như đồng Yen của Nhật, Euro của cộng đồng Châu Âu, dô la Úc, Bảng Anh, Rúp của Nga, real của Brazil… giảm sâu, giá cà hàng hoá trượt dài mà đặc biệt là giá dầu và giá năng lượng.

Xu hướng đầu cơ quá mức vào đồng USD dựa trên kỳ vọng Fed sớm tăng lãi suất cơ bản đã khiến các quan chức Fed lo ngại.

Chủ tịch Fed thừa nhận rằng đồng USD tăng giá sẽ tiếp tục hạn chế kinh tế phát triển.

Robert Tipp, chuyên gia kinh tế tại Prudential Investment Management nhận định: “FED nâng lãi suất càng sớm bao nhiêu thì họ lại càng phải hạn chế tốc độ nâng lãi suất bấy nhiêu nhằm tránh làm đồng USD lên giá quá mức”.

Thông điệp từ Fed khiến USD giảm giá tạo cơ hội cho giá cả hàng hoá tăng cao

Sau cuộc họp FOMC và sau các phát biểu của bà Janet Yellen, đồng USD đã giảm giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chính trên thế giới.

Lúc 15 giờ 45 phút, giờ Việt Nam, chỉ số USD đã giảm còn 93,90 điểm hay giảm 1,30 điểm kể từ mức 95,20 điểm vào hôm qua.

Thông điệp từ Fed và đồng USD giảm mạnh đã khiến giá cả hàng hoá thăng hoa.

Giá vàng thế giới bật tăng cao hơn 20 USD từ mức 1175 USD/ounce lên mức 1196 USD/ounce.

Giá dầu tăng 0,78% lên mức 60,41 USD/thùng.

Giá nông sản trên các sàn giao dịch kỳ hạn cũng bật tăng mạnh. Lúc 16 giờ chiều nay, giá cà phê Arabica giao tháng 09/2015 trên sàn giao dịch cà phê kỳ hạn ICE Futures US tại New York tăng 2,2 cent cho mỗi pound (1 pound # 0,45 kg) lên mức 131,70 cent/lb. Trong khi đó, giá cà phê Robusta giao tháng 07/2015 trên sàn giao dịch cà phê kỳ hạn ICE Futures Europe tại London tăng lên mức 1842 USD/tấn hay tăng 36 USD cho mỗi tấn.

Giá các loại nông sản khác như hồ tiêu, gạo, cao su, mía đường… cũng tăng cao.

Theo một chuyên gia kinh tế từ thành phố Hồ Chí Minh, đồng USD sẽ còn tiếp tục giảm thấp và các nhà đầu tư sẽ chuyển mạnh dòng vốn đầu tư vào thị trường hàng hoá. Điều đó cũng có nghĩa là giá cả hàng hoá sẽ thăng hoa. Chính sách tiền tệ của Fed trong giai đoạn hiện tại đang hỗ trợ cho sự tăng giá của hàng hoá nên sẽ có lợi cho Việt Nam, nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới cho các mặt hàng như hồ tiêu, cà phê, gạo, cao su, hạt điều...

Chứng khoán toàn cầu cũng tràn ngập sắc xanh

Dự báo diễn biến chỉ số USD dựa trên phân tích kỹ thuật

Theo phân tích kỹ thuật, chỉ số USD tăng giá mạnh mẽ từ đầu năm 2014 và đạt đỉnh cao là 100,39 điểm hồi tháng 04/2015. Sau đó, chỉ số USD giảm lại theo kênh xu hướng màu đỏ và có thể giảm về vùng quanh 90 điểm và sau đó là quanh 82 – 84 điểm, theo các mức Fibonacci hiệu chỉnh./.