Nhiều bất cập trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” do Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 23/06, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, GS, TS. Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là một bộ phận của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong điều kiện nền kinh tế thị trường, là cơ sở để Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát cũng như đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện hành được ban hành theo Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg, ngày 2/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT, ngày 10/01/2011 quy định về nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, danh mục và nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã.

Theo đó, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được chia thành 21 nhóm với 350 mã chỉ tiêu. Quốc hội thông qua các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và quyết định các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, theo ông Huệ, hệ thống chỉ tiêu này đã và đang bộc lộ 6 bất cập sau:

Thứ nhất, thiếu các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế, cũng như đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, như: năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP, năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số HDI, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ICOR của nhà nước, cơ cấu lao động...).

Thứ hai, chưa bảo đảm thống nhất giữa chỉ tiêu với mục tiêu và giải pháp thực hiện; chưa phân định rõ ràng giữa chỉ tiêu định hướng chung và chỉ tiêu nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với chỉ tiêu phát triển ngành; vẫn còn nhiều chỉ tiêu thể hiện sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào sản xuất kinh doanh; thiếu nhiều chỉ tiêu phản ánh thành quả phát triển trong khi đó lại bao hàm quá nhiều chỉ tiêu mang tính phân tích, đánh giá...

Thứ ba, một số chỉ tiêu phương pháp tính giữa Trung ương và địa phương chưa thống nhất dẫn đến sự không nhất quán về số liệu (chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước: GRDP của các địa phương thường gấp trên 1,5-2 lần so với tốc độ tăng GDP của cả nước).

“Bên cạnh đó, phương pháp tính một số chỉ tiêu chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, làm hạn chế khả năng so sánh chỉ tiêu của quốc gia với các quốc gia khác (ví dụ: do quy định thu, chi, bội chi NSNN trong lĩnh vực NSNN hiện hành còn có bất cập ở một số khoản thu - chi chưa theo thông lệ quốc tế nên các chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP, dư nợ công, dư nợ của Chính phủ và dư nợ quốc gia/GDP, làm hạn chế khả năng so sánh với các quốc gia khác...”, ông Huệ chỉ rõ.

Thứ tư, một số chỉ tiêu khó có thể thu thập số liệu, việc tính toán thiếu khả thi hoặc còn mang tính hình thức, như: số người dùng nước hợp vệ sinh, số người nghe Đài tiếng nói Việt Nam, số người tập thể dục, số lượt khách du lịch nội địa...

Thứ năm, một số chỉ tiêu mang tính thông tin, định hướng, nhưng khó xác định chính xác (như chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội...)

Thứ sáu, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, nhưng chưa cân đối các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để thực hiện nên tính khả thi thấp.

Đồng tình với 6 hạn chế do GS, TS Vương Đình Huệ , GS, TS. Ngô Thắng Lợi (Trường Đại học Kinh tế) còn dí dỏm mà rằng: “Chỉ tiêu kế hoạch luôn trong tình trạng “vạch ra để đấy”.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương, GS, TS. Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo

Nguyên nhân do đâu?

Trưởng ban Kinh tế Trung ương, GS, TS. Vương Đình Huệ đã chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng bất cập về hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là: hệ thống chỉ tiêu kế hoạch chưa cụ thể hóa đầy đủ các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra; chưa đồng bộ với hệ thống chỉ tiêu thống kê.

Ý thức chấp hành Luật Thống kê và các luật pháp khác liên quan đến lĩnh vực thống kê; kế toán; ngân hàng; liên quan đến điều tra, báo cáo thống kê của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa được thực hiện nghiêm túc nên số lượng, chất lượng thông tin thống kê vẫn còn những hạn chế; mặt khác Luật Thống kê được ban hành từ năm 2003 đến nay còn nhiều bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Ở góc độ chuyên sâu, GS, TS. Ngô Thắng Lợi cho rằng, còn nhiều chỉ tiêu quá cụ thể, mang tính chất phân tích chứ không phải là chỉ tiêu phản ánh mục tiêu phát triển và vượt ra khỏi tầm chi phối của Nhà nước

“Do tính khả thi quá yếu, nên các chỉ tiêu kế hoạch không nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp, dẫn đến chỉ tiêu kế hoạch luôn trong tình trạng “vạch ra để đấy”. Ví dụ như chỉ tiêu: tỷ lệ hộ nghèo được nghe đài tiếng nói Việt Nam, số di tích lịch sử được tu bổ, số vận động viên cao cấp…”, ông Lợi phân tích.

Đã vậy, bộ chỉ tiêu giai đoạn 2011-2015 còn thiếu bộ chỉ số theo dõi, đánh giá. Đây là hạn chế lớn nhất của bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.

“Bởi, do thiếu bộ chỉ số theo dõi đã làm cho khả năng triển khai thực hiện kế hoạch trở nên khó khăn và vì thế, bản kế hoạch trở nên hình thức và vẫn chỉ là “vạch ra để đấy”, làm giảm nhẹ vị trí của kế hoạch trong nền kinh tế thị trường”, vị chuyên gia này nhận định.

GS, TS. Ngô Thắng Lợi còn chỉ rõ, bộ chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2011-2015 còn bị thiếu khá nhiều chỉ tiêu phản ánh thành quả phát triển đã được thống nhất ở phạm vi quốc tế, như: thiếu bộ chỉ tiêu kinh tế, cơ cấu ngành kinh tế... Các chỉ tiêu xã hội còn thiếu một số chỉ tiêu định hướng nhằm bảo đảm cho nền kinh tế ứng phó được với biến đổi khí hạu, bao gồm các chỉ tiêu sử dụng năng lượng tái tạo hay giảm phát thải khí nhà kính.

“Sự thiếu sót này đã gây ra những khó khăn khi chúng ta muốn đánh giá sự phát triển của quốc gia theo các tiêu chí quốc tế. Đồng thời, thiếu sự phản ánh đầy đủ bức tranh phát triển của một quốc gia hay địa phương gây ra những xu hướng chạy đua theo thành tích phong trào (nhất là các chỉ tiêu về xã hội), nhưng lại không đúng hướng so với mục tiêu và thành quả cần đạt được của quá trình phát triển”, GS. Lợi cho hay.

Khắc phục căn bệnh “vạch ra để đấy” của các chỉ tiêu kế hoạch

Để hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu, kế hoạch, GS, TS. Vương Đình Huệ cho rằng, yêu cầu của việc hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cần phải được tiến hành trên cơ sở tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức cơ quan kế hoạch, cơ quan thống kê ở các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan; nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn thông tin do cơ quan thống kê cơ sở thu thập, xây dựng tổng hợp nhằm hình thành hệ thống thông tin kinh tế - xã hội thống nhất, thông suốt và hiệu quả.

Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, đồng thời thể hiện sự chủ động hội nhập ngày càng sâu, rộng với quốc tế; nhưng phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước nói chung và khả năng của ngành kế hoạch, thống kê nói riêng để xây dựng lộ trình triển khai phù hợp, bảo đảm tính khả thi cao của các hệ thống chỉ tiêu mới.

"Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội phải gắn liền với đổi mới các hoạt động công tác kế hoạch, thống kê; đồng thời phải hoàn thiện bộ máy tổ chức, bảo đảm nguồn nhân lực, môi trường pháp lý, cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện khác để triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả", ông Huệ khẳng định.

Khẳng định rằng, hệ thống chỉ tiêu chính là “linh hồn” của kế hoạch, GS, TS. Ngô Thắng Lợi nhấn mạnh, quan điểm đổi mới hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phải hướng tới chức năng định hướng, điều tiết tầm vĩ mô hoạt động kinh tế, không can thiệp hay chi phối trực tiếp quá trình sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, đổi mới hệ thống chỉ tiêu kế hoach phải đạt được yêu cầu: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải đặt ra được nhiệm vụ cho kế hoạch phát triển ngành, nhưng không có sự trùng lắp với các chỉ tiêu của kế hoạch ngành. Danh mục chỉ tiêu định hướng của kế hoạch mang tính ổn định và được xác định theo các tiêu chí đánh giá phát triển kinh tế của quốc gia và địa ương đã được thế giới công nhận.

Trên cơ sở phân tích của mình, ông Lợi kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng thành một đề án chi tiết với lộ trình cụ thể bao gồm các bước: tìm hiểu cơ sở lý thuyết; thực tế các nước đang sử dụng hệ thống chỉ tiêu kế hoạch là công cụ điều hành của nhà nước; đánh giá cụ thể hệ thống số liệu hiện hành để từ đó đề xuất hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phù hợp.

Còn theo PGS, TS. Trần Thị Vân Hoa (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), cần làm rõ tầm quan trọng của tính định lượng trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển. Bởi, nếu không có định lượng sẽ rất khó có thể giám sát và đánh giá xem một kế hoạch nào đó có đạt hay không?

Bên cạnh đó, bà Hoa cũng cho rằng, cần nâng cao tính chất linh hoạt, mềm dẻo, năng động của hệ thống chỉ tiêu.

“Hệ thống chỉ tiêu phải được xây dựng dưới dạng các phương án, các kịch bản phát triển”, bà Hoa nhấn mạnh./.