Tiếp tục xu hướng phục hồi của năm 2014

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bà Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục xu hướng phục hồi của năm 2014.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2015 dự ước tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,16%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; dịch vụ tăng 6,18%.

Đánh giá các con số này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: Tăng trưởng đang rất chắc chắn. Đạt mức tăng trưởng này là nhờ chỉ số sản xuất công nghiệp. Trong 6 tháng năm 2015, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh với mức tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,8%).

“Điều này cho thấy chính sách đang đi đúng hướng”, Thứ trưởng Đông đánh giá.

Ước 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,8%).

Cụ thể, chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp như sau: ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10%; công nghiệp khai khoáng tăng 8,2%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Cùng thời gian, kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 22/06/2015, tổng giá trị hiệp định ODA ký kết là 1.298 triệu USD, bằng 57,58% so với cùng kỳ năm 2014. Giá trị giải ngân 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 2.500 triệu USD (trong đó: vốn vay ước đạt 2.420 triệu USD, viện trợ không hoàn lại ước đạt 80 triệu USD), bằng 82,5% so với mức giải ngân 3.030 triệu USD cùng kỳ năm 2014.

Vốn đầu tư nước ngoài, tính đến hết ngày 20/6/2015, cả nước có 757 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,83 tỷ USD, bằng 79% so với cùng kỳ năm 2014.

Tổng số lượt dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2015 là 281 lượt dự án với tổng số vốn tăng thêm là 1,65 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả vốn đầu tư cấp chứng nhận mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 5,49 tỷ USD, bằng 80,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Song, vẫn còn đó những nỗi lo

Bên cạnh những chỉ tiêu tốt, một số chỉ báo của nền kinh tế trong 6 tháng qua cũng gây nhiều lo lắng.

Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm vẫn còn rất khó khăn. Đáng lo là xuất khẩu của khu vực trong nước lại giảm 2,9%. Tăng trưởng xuất khẩu vẫn chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực này vẫn tăng trưởng xuất khẩu tới 20,8% (chiếm 67,8% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Công Thương) cũng bày tỏ sự quan ngại trong vấn đề xuất khẩu. Bởi lẽ xuất khẩu của doanh nghiệp "nội" vẫn rất khó khăn và yếu thế hơn hẳn doanh nghiệp nước ngoài. Đây là thực trạng đã tồn tại trong nhiều năm vừa qua.

Theo bà Hiền, kim ngạch xuất khẩu giảm vẫn chủ yếu là do nhóm hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản, khoáng sản giảm cả về giá lẫn sản lượng.

Điều đáng buồn là nông nghiệp đang 6 tháng đầu năm đang ở mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm qua.

Giá trị sản xuất toàn ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 489 nghìn tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành sản xuất chủ yếu bị ảnh hưởng nhiều là ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,95%, thủy sản chỉ tăng 3,4%; riêng ngành lâm nghiệp đạt mức tăng cao nhất là 8,27%.

Chính vì thế, nếu như ngành công nghiệp và xây dựng đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP, thì ngành nông nghiệp lại chỉ "góp" vỏn vẹn 2,16%./

Vừa qua, tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 (VBF 2015), người đứng đầu Chính phủ cho rằng, những kết quả kinh tế xã hội đạt được trong những tháng đầu năm vẫn chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa.

Trước các nhà tài trợ, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ nỗ lực phát huy những kết quả đạt được; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thành công.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết Chính phủ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kiên quyết loại bỏ các rào cản, vướng mắc cho đầu tư kinh doanh; hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về thành lập, giải thể, phá sản doang nghiệp, tín dụng, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan, đất đai, đầu tư, xây dựng, tiếp cận điện../.