Sau đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội thẩm tra Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trước đó, ngày 15/8/2014, thành viên Hội đồng Tthẩm định Nhà nước đã tiến hành biểu quyết (lần 2) về các phương án trình Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo đầu tư Dự án. Kết quả là 15/16 phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 1 của Dự án tại kỳ họp thứ tám diễn ra vào tháng 10/2014.

Với kết quả bỏ phiếu này, Hội đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải thừa ủy quyền trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Vì thế, ngày 12/9/2014, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã kiến nghị Thủ tướng thông qua báo cáo đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và ủy quyền để bộ này báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư tại kỳ họp khai mạc tháng 10 tới.

Đây văn bản thứ hai với cùng một nội dung được Bộ trưởng Đinh La Thăng gửi lên Thủ tướng. Tại văn bản này, một lần nữa nhấn mạnh về sự cần thiết sớm đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất của Việt Nam.

Cụ thể, trong giai đoạn 1 từ nay đến năm 2025, cảng hàng không này sẽ được xây dựng hai đường cất hạ cánh, nhà ga trung tâm 2 cánh để có thể đón 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng mỗi năm với dự toán kinh phí trên 7,8 tỷ USD, tương đương khoảng 164.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian đưa vào sử dụng nhằm giải quyết vấn đề quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất cũng như giảm áp lực về huy động vốn, một đường cất hạ cánh và một nhánh nhà ga sẽ được xây dựng và khai thác sớm, (giai đoạn 1a) vào khoảng năm 2023 với kinh phí 5,66 tỷ USD – tương đương khoảng 119.000 tỷ đồng. Khi đó, nhu cầu sử dụng đất trước mắt cũng chỉ cần 2.500 ha thay vì phải giải phóng cùng lúc 5.000 ha.

Tại văn bản, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng tái khẳng định, việc mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đạt công suất 40-50 triệu khách vào năm 2025-2030 là không khả thi. Vấn đề cải tạo sân bay Biên Hòa thành cảng quốc tế hỗ trợ cho Tân Sơn Nhất cũng tương tự, trong khi năm 2013 Tân Sơn Nhất đã đạt lưu lượng 20 triệu khách và sẽ chạm ngưỡng thiết kế 25 triệu vào 2-3 năm tới. Trong khi đó dự kiến con số này năm 2025 lên đến 40 triệu khách.

Đồng thời, văn bản này cũng bác bỏ giả thiết sử dụng các cảng hàng không ở miền Nam và Tây Nguyên để hỗ trợ Tân Sơn Nhất khi nói rằng, sân bay Cần Thơ cách TP. Hồ Chí Minh đến 175 km còn sân bay Liên Khương càng xã hơn, cách 290 km nên sự hỗ trợ là không lớn.

Để tăng tính thuyết phục về hiệu quả kinh tế của dự án, tờ trình cũng đưa ra kết quả phân tích cho thấy tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) 22,1%.

“Tỷ suất này được đánh giá cao hơn tiêu chuẩn trung bình của các công trình công cộng tại Việt Nam, thường ở mức 10-12%; do đó việc thực hiện dự án là khả thi”, báo cáo nhấn mạnh.

Về phương án huy động vốn, Bộ trưởng Thăng cho biết, trong số 164.000 tỷ đồng cần cho giai đoạn 1, thì vốn nhà nước (ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA) dự kiến bỏ ra 84.600 tỷ, trong đó giai đoạn 1a khoảng 57.800 tỷ (tương đương 48,6%). Còn lại gần 80.000 tỷ sẽ huy động từ nguồn của doanh nghiệp thông qua cổ phần hóa, liên doanh liên kết, hợp tác công tư. Trước mắt ở giai đoạn đầu (1a) con số ngoài ngân sách cần huy động là trên 61.000 tỷ đồng (chiếm 51,3%)./.