Nền kinh tế đang “vật vã đi lên”

Vị chuyên gia này nhận định, ổn định vĩ mô còn khá mong manh dù sản xuất kinh doanh có chỉ số được cải thiện.

Điều đáng lo ngại là “bánh” nợ công tăng rất nhanh và dòng tiền trả nợ bắt đầu có vấn đề.

TS. Thành vì thế, cũng quả quyết là, chắc chắn kế hoạch 5 năm không đạt được. Còn tăng trưởng của 2014, theo đánh giá mới nhất của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhiều khả năng đạt 5,7%-5,8%. Với 2015 dự báo được đưa ra là GDP tăng 6 - 6,2%, còn lạm phát khoảng 7%.

Bàn về những vấn đề chính sách chủ chốt, TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh điểm nghẽn lớn nhất của khơi thông tín dụng là nợ xấu, khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thiếu cả pháp lực, nguồn lực và năng lực.

Chính sách tiền tệ, theo phân tích của ông Thành, đang phải gánh nặng hỗ trợ phục hồi, các gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, “trợ lực” trái phiếu Chính phủ dẫn đến méo mó, tăng rủi ro nợ xấu tương lai.

Ông cũng cho rằng, chính sách tiền lương hiện nay đang sai lầm. “Chính sách tiền lương phải dựa vào công năng, vào năng suất lao động chứ không chịu áp lực xã hội”, ông nói.

Đồng tình với nhận định rằng, nền kinh tế còn rất khó khăn, nguyên Phó Thủ tướng Trương Đình Tuyển đã ví von: “nền kinh tế đang phục hồi theo hình pa-ra-bon với đáy rất rộng. Chúng ta đang vật vã đi lên”.

Theo vị chuyên gia này, ở Việt Nam thì tăng thêm vài phần trăm GDP không khó, quan trọng là cách thức tạo ra tăng trưởng còn quan trọng hơn nhiều.
Đó là chưa nói đến một thực tế như năm 2013 là tăng trưởng không những không làm tiềm lực đất nước mạnh lên, mà còn làm doanh nghiệp trong nước yếu đi, vấn đề này theo ông rất cần phải được nghiên cứu xem liệu rằng chúng ta có thể chấp nhận một thực tế như vậy hay không?

Thời điểm trọng đại để tạo bước ngoặt tái cơ cấu

Chốt lại bài phát biểu đề dẫn, TS. Võ Trí Thành khái quát: “Đây là thời điểm trọng đại để tạo bước ngoặt tái cơ cấu. Lợi thế có nhiều, tiềm năng không nhỏ và tham vọng lớn lao, song thách thức còn nhiều. Câu hỏi là chúng ta có làm được không?”.

Tự đặt câu hỏi, ông cũng tự trả lời theo góc độ cá nhân là “Không biết”!

Nhận định tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra rất chậm, kết quả thực tiễn không nhiều và không cơ bản, PGS, TS. Trần Đình Thiên cho rằng phải trả lời cho được, rằng chậm vì cách làm đúng mà chưa chịu làm hay sai nên làm mãi không được?

Đi sâu hơn vào tái cơ cấu ngân hàng, ông Thiên nêu rõ, tốc độ xử lý nợ xấu chậm hơn quá trình phát sinh nợ xấu là cực kỳ đáng báo động. Ông cũng nhấn mạnh, dự báo cho năm tới phụ thuộc rất nhiều vào xử lý nợ xấu.

Để xoay chuyển tình hình, ông Thiên đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp gắn trách nhiệm cá nhân với từng công việc cụ thể.

Đặt đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế lên đầu tiên trong các biện pháp trung dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng, nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển thêm một lần bàn về xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại.

“Tôi cảm thấy hiện nay chúng ta sợ cái từ “xã hội dân sự” giống như sợ cái từ “kinh tế thị trường” thời trước đổi mới, đó là điều rất là vô lý”, , ông Tuyển nói.

Phải có xã hội dân sự, theo phân tích của vị chuyên gia này là vì: “Chính xã hội dân sự, thông qua va chạm thực tiễn, thông qua chịu tác động của chính sách, sẽ cung cấp cho chúng ta những kinh nghiệm thực chứng về chính sách, thế nào là xấu, thế nào là tốt. Thế giới ngày càng chuyển sang một mô hình xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng, và chúng ta không thể không thừa nhận nó”.

Ông khẳng định, chỉ có thể xây dựng thể chế kinh tế thị trường trên ba trụ cột thị trường, nhà nước và xã hội dân sự, thì mới buộc các ngành kinh tế và doanh nghiệp phải tái cấu trúc để có thể tồn tại được.

Khách quan hơn từ một người ngoài cuộc, ông Sanjay Karla (Đại diễn Quỹ tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam) phát biểu: Điều quan trọng là phải khôi phục lại tăng trưởng, không thể để tăng trưởng chậm như thế này kéo dài 2-3 năm nữa. Vì như thế sẽ không giải quyết được nợ xấu và các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước và sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết các vấn đề của ngân hàng. Theo ông “kỳ vọng cải cách chưa đạt được, phải hành động ngay nếu không thì quá muộn ”. Ông gợi ý kinh nghiệm của các nước là “cần có tiền”.

Phải chuyển sang kinh tế thị trường

Ngày 28/9, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã khép lại 28 lượt ý kiến thảo luận trong một ngày rưỡi tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014.

Ông chỉ rõ: “Làn sóng cải cách lần thứ hai này phải thị trường hơn, và nhà nước đương nhiên phải thay đổi. Kinh tế thị trường có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng không chuyển sang kinh tế thị trường thì cũng không giải quyết được gì cả”.

Trước đó, ngay lời đầu tiên khi đăng đàn, ông Cung kêu gọi các nhà nghiên cứu và các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền hãy sốt ruột với thời gian.
“Những câu nói: chúng ta xử lý việc này không thể nhanh được, cần phải có thời gian, nói cách đây 4 năm thì được, nhưng vào thời điểm này mà còn tiếp tục nói như thế, thì có nghĩa là vẫn tiếp tục dung túng cho những phương pháp tiếp cận dồn vấn đề cho những năm sau, nhiệm kỳ sau, những người sau, mà mình không chịu đối diện với vấn đề mà mình phải giải quyết. Nếu không sốt ruột thì nền kinh tế cứ trì trệ, trì trệ, tiếp tục trì trệ”, ông Cung sốt ruột.

Đồng tình với ông Cung, trong lời bế mạc Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bình luận: “Về tái cơ cấu nền kinh tế, anh Cung kêu gọi là xác đáng, chúng ta phải sốt ruột để có quyết tâm chính trị triển khai mạnh mẽ, thành công, chứ không phải để vội vã làm sai rồi khó sửa”!./.