Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày (29/9), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 3 năm qua, mục tiêu lớn nhất Quốc hội đặt ra cho nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

CPI năm 2014 sẽ chỉ quanh mức 5%

Đến nay, có thể khẳng định, kinh tế vĩ mô qua các năm dần đi vào ổn định và chiều hướng ngày càng vững chắc hơn; lạm phát được kiểm soát ngày càng ổn định và bài bản hơn. Điều này được thể hiện qua các chỉ số ở các năm gần đây. Đặc biệt, tính đến hết tháng 9/2014, hoàn toàn có cơ sở khẳng định, chỉ số lạm phát kiểm soát ở mức quanh 5% hoặc thấp hơn 5%.

Theo ông Bình, mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh, đến nay đã giảm về mức của năm 2006 trở về trước và còn đang có chiều hướng tiếp tục giảm mạnh.

Nếu so với mục tiêu ban đầu đặt ra trong năm nay là lãi suất tiếp tục giảm 1-2%, đến tháng 9, mục tiêu này đã đạt được.

Thống đốc cũng cho biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp thị trường tiền tệ ổn định. Tỷ giá luôn nằm trong định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và luôn biến động trong phạm vi cho phép. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ động điều chỉnh 1%, đến nay diễn biến tỷ giá rất ổn định.

Thực tế, “chúng ta đã không phải can thiệp thị trường tỷ giá trong suốt thời gian qua. Nếu có can thiệp, chỉ là những biện pháp chủ động của Nhà nước nhằm nâng cao khả năng xuất khẩu của đất nước”- ông Bình nhấn mạnh.

Từ kết quả này, theo ông Bình, năm nay không cần dùng hết dư địa đến 2%, nếu có điều chỉnh chỉ từ 1%-1,43%.

Trong 3 năm qua, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng hơn 5 lần so với 2011. Năm 2011 dữ trữ khoảng 7 tỷ USD, đến nay đã trên 35 tỷ USD.

Tăng trưởng tín dụng năm 2014 vẫn có thể đạt trên 12%

Mặc dù cầu của nền kinh tế còn thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt trên 10%. Từ đó, góp phần tăng trưởng kinh tế đạt trên 5%.

Cụ thể, hết tháng 9/2014, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã xấp xỉ đạt 7%, cao hơn mức 6,87% của tháng 9/2013.

Do đó, “khả năng đạt mức tăng trưởng tín dụng như kế hoạch năm 2014 từ 12-14% là hoàn toàn có thể đạt được”- ông Bình khẳng định.

Thống đốc cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc doanh nghiệp nhằm nắm bắt và đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vấn đề vay vốn.

Riêng 09 tháng đầu năm 2014, các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay mới hơn 105 nghìn tỷ đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là khu vực nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Không nên hốt hoảng trong vấn đề nợ xấu

Trước lo lắng của các đại biểu Ðồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Trung Thu (Long An) về tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, các ngân hàng thường tập trung xử lý nợ xấu vào thời điểm cuối năm, nên trong những tháng giữa năm, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên không phải là điều bất bình thường.

Do vậy, "không nên hốt hoảng và cần hết sức bình tĩnh để giải quyết từng bước vấn đề nợ xấu", ông Bình nhấn mạnh.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong ba năm qua hệ thống ngân hàng đã xử lý được 249 nghìn tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 53% tổng số nợ xấu phát sinh trong năm 2012.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết số nợ xấu còn tồn hiện nay, phấn đấu năm 2015 cơ bản giải quyết vấn đề nợ xấu.

Theo thống kê, hiện nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng hiện chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng, phấn đấu đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống còn khoảng 6%.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu, TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng, kinh nghiệm quốc tế là cần tiền để xử lý nợ xấu, nhưng “VAMC là một sáng kiến thích hợp trong lúc chúng ta đang khó khăn, nhưng không nên kéo dài, mà sẽ phải tiến tới cần tiền tươi thóc thật và tiền thì có nhiều nguồn”.

Bình luận về ý kiến cho rằng nên vay nước ngoài để có nguồn “tiền tươi thóc thật” khi xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc vay nợ nước ngoài cũng cần tính toán kỹ lưỡng.

Với sáng kiến đề xuất sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước hiện rất lớn để thêm nguồn lực giải quyết triệt để nợ xấu, bà Hồng cho rằng, số dự trữ này có ý nghĩa hết sức lớn đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước trong thời gian tới. Bởi vậy việc sử dụng dự trữ ngoại hối để xử lý nợ xấu cũng cần phải được cân nhắc trên các bình diện kinh tế - chính trị - xã hội.

Cách thức xử lý nợ xấu qua VAMC hiện nay là sử dụng một nguồn tiền cung ứng để hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu. Khi tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC có thể mang trái phiếu đặc biệt đến Ngân hàng Nhà nước để vay với lãi suất tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường. Việc tái cấp vốn như thế nào đòi hỏi sự cân, đong, đo, đếm hợp lý đảm bảo chính sách tiền tệ phục vụ mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khi tình hình kinh tế vĩ mô tốt lên sẽ hỗ trợ đẩy nhanh xử lý nợ xấu./.