Dòng tiền đang “ồ ạt” chảy vào bất động sản

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/06/2015, tín dụng bất động sản đã tăng 10,89%, chiếm tỷ trọng 8,3% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 330.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 7,9% của cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng 70% so với thời điểm đầu năm 2012.

Không chỉ có vốn ngân hàng đang dồn vào bất động sản, mà dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang chảy mạnh vào lĩnh vực nhà đất. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 6/2015, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 11 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 465,5 triệu USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư.

Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, vốn FDI vào bất động sản sẽ còn tiếp tục tăng mạnh. Nguyên nhân là do, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư ngoại. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam thông qua nhiều hình thức khác nhau.

“Thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút tốt lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian vừa qua, những nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Hoa Kỳ cũng đang tập trung vốn đầu tư xây dựng hạ tầng. Còn các nhà đầu tư của Singapore và một số nước ASEAN khác hiện đang tập trung vào lĩnh vực bất động sản nội địa”, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng toàn cầu (Ngân hàng HSBC Việt Nam) Winfield K Wong nhận định tại Hội thảo bất động sản năm 2015: Cơ hội đầu tư nửa thập kỷ tới diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 12/05/2015.

Cùng với nguồn tín dụng và vốn FDI, dòng kiều hối được mong chờ sẽ có sự bứt phá rõ ràng trong thời gian tới. Hiện nay, đầu tư bất động sản đang nhận được khoảng 17%-20% tổng lượng kiều hối. Đặc biệt, việc nới lỏng các điều kiện để Việt kiều và người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam đang khiến bất động sản hấp dẫn nguồn vốn này. Theo thống kê, mới 6 tháng đầu năm 2015, riêng kiều hối đã có 2,16 tỷ USD chuyển về TP. Hồ Chí Minh, trong đó khoảng 21,8% là đổ vào bất động sản. Tính chung cả nước, mỗi năm có khoảng 12 tỷ USD kiều hối, nếu bình quân 20% lượng kiều hối đổ vào bất động sản, thì chỉ riêng dòng vốn này thị trường bất động sản đã hấp thụ khoảng 2,4 tỷ USD.

Ngoài ra, gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng có thu nhập thấp mua nhà tiếp tục được triển khai, mới đây Bộ Xây dựng tiếp tục xây dựng đề án gói tín dụng mới trị giá 20.000 tỷ đồng, với mức lãi suất 7% kéo dài trong 10 năm để hỗ trợ người mua nhà trong phân khúc tầm trung từ 01-2 tỷ đồng.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Việc các dòng tiền đang ồ ạt đổ vào bất động sản cho thấy, lĩnh vực này đang thu hút được nhiều nhà đầu tư, đặt biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, kinh nghiệm xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản những năm trước cho thấy, các doanh nghiệp đua nhau đầu tư vào bất động sản. Trong thời kỳ này, bất chấp nguồn cung tăng cao, nhưng dòng tiền vẫn liên tục đổ vào. Hệ quả là khi ngân hàng tiến hành “siết” các khoản vay, ngay lập tức khiến các dự án đình hoãn, các sản phẩm dự án hạ chuẩn và “bong bóng” bất động sản hình thành.

Theo nhiều chuyên gia, việc dòng tiền tiếp tục đổ vào là do nhiều chính sách vĩ mô đang ảnh hưởng tích cực đến thị trường bất động sản, như: kinh tế đang phục hồi, nhiều chính sách hỗ hợ cho doanh nghiệp được ban hành, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực...

Bởi vậy, việc dòng tiền liên tục đổ vào bất động sản đòi hỏi cần có sự kiểm soát để tránh những hệ lụy là điều không thừa. Hay có thể hiểu theo nghĩa “phòng bệnh hơn chữa bệnh” đối với thị trường bất động sản hiện nay là hoàn toàn phù hợp.

Thị trường bất động sản vẫn cần kiểm soát chặt

Trao đổi với Báo Tuổi trẻ, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngân hàng cần rất thận trọng khi xét duyệt cho vay nhằm ngăn ngừa nguy cơ nợ xấu từ dòng tiền vào bất động sản.

“Để quản lý tốt dòng tiền vào bất động sản, các chủ thể liên quan trong cùng một dự án (chủ đầu tư, khách hàng, ngân hàng và nhà thầu) nên mở tài khoản tại ngân hàng tài trợ vốn cho chính dự án đó. Như vậy, ngân hàng không những giám sát được dòng tiền, ngăn chặn hiện tượng chủ đầu tư sử dụng tiền của khách hàng vào mục đích khác thay vì đầu tư vào dự án, đồng thời đảm bảo được khả năng thu hồi nợ” ông Châu đề xuất.

Trên góc độ quản lý nhà nước, trao đổi với Báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, sẽ yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn chú trọng hơn nữa công tác thẩm định, đặc biệt về năng lực tài chính, năng lực triển khai dự án của các chủ đầu tư, thị trường tiêu thụ, thực hiện tốt việc bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với khách hàng mua nhà...

Tài liệu tham khảo:

1. Đ.Dân (2015). Phải kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, truy cập từ http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150704/phai-kiem-soat-dong-tien-vao-bat-dong-san/772035.html

2. Vũ Lê (2015). Thị trường bất động sản đón dòng vốn mới, truy cập từ http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/bat-dong-san/thi-truong-bat-dong-san-don-dong-von-moi-3230622.html