Ngày 17/07/2015, Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố báo cáo “Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế Việt Nam”.

Chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012, RCEP (Hiệp định đối tác toàn diện khu vực) là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa khối ASEAN với 6 đối tác, gồm:Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, và Ấn Độ, còn được gọi là ASEAN + 6.

“Tương tự như các FTA và cam kết hội nhập khác, RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách vĩ mô của CIEM cho biết.

RCEP là một hiệp định đầy tham vọng nhằm mục đích đạt được quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và 6 đối tác khu vực đã ký FTA với ASEAN (ASEAN+1), đó là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, và Ấn Độ. Quá trình đàm phán RCEP được chính thức khởi động vào năm 2012. Khu vực RCEP dự kiến sẽ lớn nhất xét trên khía cạnh dân số, với tổng GDP khoảng 19 nghìn tỷ USD.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, sau khi đã cân đo đong đếm những lợi ích và thua thiệt khi gia nhập RCEP, thì phần lợi ích của Việt Nam vẫn nhiều hơn.

Thật vậy, RCEP bao gồm 16 nước với quy mô dân số hơn 3 tỷ người (do có sự tham gia của 2 nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ), tổng GDP khoảng 19 nghìn tỷ USD, và chiếm khoảng 40% tổng thương mại thế giới. Với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có thị trường trong nước, mà có thể tiếp cận các thị trường Malaysia, Thái lan, thậm chí đi xa hơn tới New Zealand và Ấn Độ.

Ông Nguyễn Anh Dương nhận định, RCEP quy định xuất xứ đơn giản hơn và tự do hơn so với các hiệp đinh kinh tế khác. Theo đó, RCEP được kì vọng sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho Việt Nam thông qua việc cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác khác với nhu cầu hàng hoá đa dạng, mở cửa để nhập khẩu hàng hoá rẻ hơn nhất là thị trường công nghệ, máy móc. Từ đó, tạo cơ hội để Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị và sản xuất khu vực;

Đồng thời, hiệp định này giúp Việt Nam có thể giảm chi phí giao dịch, tạo dựng môi trường kinh doanh thân thiện, đẩy mạnh vị thế trong giải quyết tranh chấp về thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, cũng có nhiều câu hỏi lớn đặt ra với cơ chế RCEP này. Vấn đề đầu tiên là về quan hệ thương mại. Khi ASEAN và 6 đối tác trong khối RCEP đang đàm phán đi đến thỏa thuận các điều khoản ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, với các quy định thông thoáng hơn về xuất xứ, về tự do hóa thương mại, thì cả hai dòng chảy xuất và nhập vào Việt Nam đều được “kích hoạt”, nhưng có thể theo những chiều hướng rất khó nắm bắt.

Bởi lẽ, hiện nay Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu khá lớn với các đối tác kể trên. Nhưng với nhiều quốc gia, Việt Nam có hàng hóa chiều nhập khẩu giá trị lớn hơn chiều xuất khẩu. Trường hợp của Trung Quốc, Hàn Quốc, một số nước ASEAN khác là ví dụ.

Chính vì vậy, việc thuận lợi hóa quan hệ thương mại sẽ đẩy tới 3 rủi ro cho Việt Nam: thúc đẩy nhập siêu; khả năng dịch chuyển nhập khẩu công nghệ hiện đại từ khu vực khác sang nhập khẩu từ các nước RCEP có trình độ công nghệ hạn chế hơn (có thể thông qua con đường chuyển dịch đầu tư); và ảnh hưởng đến thu ngân sách.

“Thương mại của Việt Nam chủ yếu tập trung vào một số đối tác thương mại lớn, cũng như một số sản phẩm chủ yếu và do đó, dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi về cung cầu của những thị trường này. Vấn đề trở nên khó khăn hơn khi cơ cấu thương mại của Việt Nam khá tương đồng với các nước RCEP, trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm còn khiêm tốn. Do đó, nếu cấu trúc RCEP cho phép các nước tự do hóa thương mại với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam thì Việt Nam sẽ gặp sức ép cạnh tranh đáng kể”, báo cáo Đánh giá tác động của RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam thừa nhận.

Về đầu tư, các nước đang đàm phán RCEP hiện đang là nhóm nước có ảnh hưởng khá lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 6/2015, khối các nước đàm phán RCEP có 11.348 dự án đầu tư vào Việt Nam, chiếm khoảng 61% tổng số dự án FDI hiện có; số vốn đăng ký đạt 140,5 tỷ USD, chiếm khoảng 55% tổng vốn FDI cam kết vào Việt Nam.

Tuy nhiên, các phân tích cho thấy dòng vốn này chỉ làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào sản xuất, rất hạn chế trong việc nâng cao tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước, cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực. Với việc thuận lợi hóa hoạt động đầu tư trong nội khối RCEP, các vấn đề trên rất có thể sẽ nghiêm trọng hơn nữa, nếu không có giải pháp phù hợp để hóa giải./.