Ngân hàng Thế giới cho biết, cân đối ngân sách của Việt Nam vẫn là mối quan ngại. Do nhu cầu tài trợ ngân sách tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn vay ưu đãi bên ngoài, Việt Nam chủ yếu dựa vào nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn. Tuy nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ ổn định khoảng 27-28% GDP trong giai đoạn 2010-2014, nhưng nợ trong nước đã tăng nhanh từ 23,1% GDP năm 2010 lên 31,7% GDP năm 2014.

Trong khi đó, phần lớn huy động vốn trong nước dựa vào phát hành trái phiếu chính phủ với thời gian đáo hạn trung bình của trái phiếu tương đối ngắn. Điều đó dẫn tới phát sinh rủi ro quay vòng nợ không khớp với kỳ hạn.

Chi phí thanh toán nợ công đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014. Chi phí trả lãi vay gần 7,2% chi ngân sách và lấn át các khoản chi tiêu khác.

Một điểm mờ nữa trong bức tranh kinh tế Việt Nam cũng được Ngân hàng Thế giới chỉ ra là tiến độ cải cách cơ cấu chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt là trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Theo Ngân hàng Thế giới, tốc độ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước dường như đang chậm lại. Đến hết quý I/2015 mới cổ phần hóa được 29 doanh nghiệp nhà nước so với mục tiêu 289 doanh nghiệp đề ra trong cả năm 2015.

“Việc thực hiện nghiêm túc các quy định pháp lý và pháp quy về quản lý và quản trị doanh nghiệp nhà nước ban hành năm ngoái, và tăng tỷ lệ sở hữu của khu vực tư nhân với doanh nghiệp nhà nước cổ phẩn hóa cần tiếp tục được coi là một ưu tiên chính”, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị.

Báo cáo Điểm lại cũng dành một chuyên mục về thị trường lao động tại Việt Nam, trong đó mô tả chi tiết về sự dịch chuyển lớn trong bức tranh về việc làm trong vòng 25 năm qua. Theo đó, nếu như trước đây, cơ cấu việc làm tại Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp gia đình, việc làm trong các hợp tác xã và doanh nghiệp nhà nước, nhưng đến nay thì đã có sự dịch chuyển việc làm sang các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, việc làm trong các doanh nghiệp gia đình ngoài nông nghiệp, doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài.

Báo cáo cũng đưa ra những gợi ý về việc tiếp tục chuyển đổi thị trường lao động của Việt Nam, trong đó có các biện pháp chủ động nhằm tăng cường hệ thống quan hệ lao động công nghiệp, cân bằng giữa việc đảm bảo sự linh hoạt trong thị trường lao động với việc duy trì bền vững tăng trưởng về năng suất, và quản lý những rủi ro về mặt xã hội trong một nền kinh tế có định hướng thị trường rõ nét hơn./.