Những thành quả không thể phủ nhận

Thành quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2015 thể hiện qua Bảng 1. Cụ thể:

(1) Tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt cao so với cùng kỳ năm 2014 rất nhiều, theo xu hướng quý 2 cao hơn quý 1 (Quý 1 đạt 6,08%; Quý 2 lên tới 6,44%) và đạt cao nhất trong vòng năm năm trở lại đây, đã vượt cả mức của năm 2010 (6,22%). Điều này cho thấy, xu hướng phục hồi tăng trưởng kinh tế khá rõ ràng ở nước ta.

Với mức tăng trưởng trên, theo khảo sát của Bloomberg, các chuyên gia kinh tế đã dự báo, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2015 được xếp vào nước nhanh thứ 3 sau Ấn Độ (7,5%), Trung Quốc (6,8%)

Bảng 1: Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm giai đoạn 2010-2015 (%)

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Toàn nền kinh tế

6,22

5,92

4,93

4,9

5,22

6,28

Công nghiệp – xây dựng

6,63

5,59

4,97

5,12

9,09

Nông, lâm, ngư nghiệp

3,9

2,88

2,06

2,9

2,36

Thương mại, dịch vụ

6,23

5,92

6,13

7,19

5,9

Chế biến chế tạo

5,96

5,61

6,61

9,58

Nguồn: Tổng cục Thống kê

(2) Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành, nhưng đáng kể phải nói tới thành tựu nhảy vọt của ngành công nghiệp đạt 9,09%. Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng 6 tháng đầu năm ước đạt 9,09%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm, từ năm 2010 trở lại đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 9,6%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Đáng chú ý là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất (9,58%). Ngành công nghiệp đã đóng góp 2,98 điểm phần trăm trong số 6,28 điểm phần trăm tăng trưởng (chiếm 47,5%). Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo đã đóng góp 80% vào tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp.

Lý do dẫn đến sự tăng trưởng vượt trội của ngành công nghiệp, ngoài việc khu vực doanh nghiệp (DN) FDI vẫn hoạt động tích cực, số dự án thu hút FDI vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng nhanh và chiếm tỷ lệ cao (75%) tổng FDI 6 tháng đầu năm, phải nói đến sự phục hồi của các DN trong nước.

Trong 6 tháng đầu năm, số DN ngừng hoạt động, hoặc giải thể nhỏ hơn so với số DN thành lập mới. Số DN thành lập mới trên cả nước là 45.406 DN với tổng số vốn đăng ký là 282.396 tỷ đồng, tăng 21,7% về số DN và tăng 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 8.507 DN đã ngừng hoạt động trước đó nay quay trở lại hoạt động, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, cũng trong nửa đầu năm, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh của cả nước là 4.708 DN, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là hơn 27.000 DN, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó có 8.898 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 18.153 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN.

Song, vẫn còn những “mảng tối”

Một là, đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung thực chất là công nghiệp gia công:

Nếu không tính đến ngành ngành xây dựng, thì công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đóng góp 52% và tăng trưởng GDP toàn ngành (theo báo cáo thống kê).

Tuy nhiên, nhìn lại danh mục sản phẩm của công nghiệp chế biến, chế tạo, thì tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn hẳn và đóng vai trò chi phối tăng trưởng của ngành này lại là các sản phẩm công nghiệp gia công, lắp ráp.

Cụ thể: Sản phẩm ô tô có tốc độ tăng trưởng 57%; lắp ráp điện thoại: 68%; ti vi: 40%; kế đó là giày dép: 23%; điện tử, máy tính và quang học: 21,1%.

Trong khi đó, các sản phẩm công nghiệp sản xuất trong nước lại có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức trung bình của toàn nền kinh tế. Ví dụ: dệt vải từ nguyên liệu tự nhiên và tổng hợp: 2,2%; sản xuất thuốc: 1,7%; sản xuất phân bón hóa học: 2,5%-3%; chế biến thủy, hải sản: 5,3%.

Hai là, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khu vực FDI, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước có biểu hiện tăng trưởng không tích cực:

- Kết quả tăng trưởng ngành công nghiệp chủ yếu được thực hiện ở các DN FDI. Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng vượt trội (từ 40%-60%) phần lớn được thực hiện trong các DN FDI; công nghiệp khai thác khoáng sản, trong đó có khai thác dầu (tăng trưởng 11%) được thực hiện ở liên doanh FDI; ngay cả sản phẩm điện tăng trưởng 11% cũng được tạo nên bởi các nhà đầu tư nước ngoài thuộc ngành điện. Trong khi đó, các sản phẩm được tạo ra bởi các DN trong nước, như: chế biến thực phẩm, thuốc lá, bia, các sản phẩm may mặc, phân bón… lại đều có tốc độ tăng trưởng rất thấp so với mức trung bình.

- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được thực hiện chủ yếu ở các DN FDI (15,5%), còn ở các DN nội địa lại giảm (xấp xỉ 3%), các mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao đều bị giảm. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng trưởng nhanh ở các DN FDI (25%) và tỷ trọng nhập khẩu chiếm trên 70% là hàng hóa trung gian bao gồm nguyên vật liệu và phụ tùng chi tiết. Tỷ lệ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (30% tổng kim ngạch nhập khẩu), gấp 2 lần so với nước thứ 2 là Hàn Quốc và tốc độ tăng trưởng 23,8%.

Các “vấn đề” trên cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dù đang đạt cao, nhưng vẫn là mô hình tăng trưởng nhờ vào gia công được thực hiện ở các DN FDI. Hiệu ứng của thực hiện tái cấu trúc mô hình tăng trưởng còn rất thấp, chương trình đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa có kết quả, do chưa thực hiện được việc liên kết sản xuất giữa các DN trong nước với DN FDI.

Điều đó dẫn đến DN FDI vẫn thực hiện gia công lắp ráp sản phẩm dựa trên việc nhập khẩu nguyên liệu, phụ từng, trong khi đó DN trong nước vẫn không có việc làm và lao động lại tiếp tục được chuyển về các DN FDI để làm gia công lắp ráp. Đây có lẽ sẽ là một điểm nhấn quan trọng phải giải quyết trước mắt.

Ba là, ngành dịch vụ nói chung, đặc biệt là chất lượng cao chưa có dấu hiệu tăng trưởng tích cực:

- Theo số liệu thống kê, các giai đoạn trước, ngành dịch vụ luôn có tốc độ tăng trưởng cao nhất: giai đoạn 2006-2010 là 7,64%; giai đoạn 2011-2014 đạt 6,14. Tăng trưởng dịch vụ 6 tháng đầu năm của giai đoạn 2011-2014 đều cao hơn các ngành khác, trong khi 6 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng dịch vụ chỉ đạt mức 5,9%.

Do đó, đóng góp của ngành này vào tăng trưởng chỉ là 2,2 điểm phần trăm (chiếm 35% tăng trưởng toàn nền kinh tế), giảm so với năm ngoái (năm 2014 đóng góp 48% vào tăng trưởng chung; năm 2013 là 52,58%; năm 2012: 48%; trước đó, trong giai đoạn 2006-2010, ngành này đã đóng góp 45% vào tăng trưởng chung (số liệu tính toán của nhóm tác giả dựa vào số liệu thống kê)).

- Ngành dịch vụ tăng trưởng chậm do tăng trưởng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các ngành truyền thống có giá trị gia tăng thấp, như: thương mại bán buôn, bán lẻ hàng hóa (tăng trưởng 9,8%); dịch vụ vận tải hành khách (tăng trưởng 7%).

Trong khi các ngành dịch vụ chất lượng cao đều có tốc độ tăng trưởng thấp: bất động sản (2,27% - thấp hơn 6 tháng đầu năm 2014 đạt 2,51%); khách sạn nhà hàng ăn uống (2,9%); vận tải kho bãi (4,5% - thấp hơn con số 5,2% của 6 tháng đầu năm 2014); tài chính ngân hàng (5,8%). Tốc độ tăng trưởng thấp của những ngành trên phản ánh mức cầu nội địa thấp (cả cầu tiêu dùng và cầu đầu tư), mức tăng trưởng tín dụng chỉ đạt xấp xỉ mức tăng trưởng GDP (trên 6%), mức huy động vốn của ngân hàng.

Bốn là, ngành nông, lâm, thủy sản trong tình trạng tăng trưởng khó khăn:

- Theo xu hướng phát triển, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế sẽ giảm dần. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam vẫn rất cần có sự tăng trưởng nhanh để có thể tạo động lực cho các ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ phát triển. Khi các ngành này phát triển mạnh, thì đương nhiên tỷ trọng nông nghiệp cũng sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2015, ngành nông nghiệp lại rơi vào tình trạng “mất mùa riêng”. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trong 2 quý đầu năm 2015 là 2,36%, đạt mức thấp nhất so với nhiều năm trước. Giai đoạn 2006-2010 đạt 3,52%, giai đoạn 2011-2014 đạt 2,94%, 6 tháng đầu năm 2014 đạt 2,9%.

Chính vì tăng trưởng chậm nên mức đóng góp của nông nghiệp vào tăng trưởng chung ở mức thấp nhất (6,7%), trong khi giai đoạn 2006-2010, ngành này đóng góp 8,7%; giai đoạn 2011-2014 đóng góp 9,7%.

- Xét trong cơ cấu của ngành nông nghiệp, thì nông, lâm, ngư nghiệp đóng góp thấp nhất vào tăng trưởng toàn ngành, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất (75%), nhưng lại có tốc độ tăng trưởng thấp nhất (1,9%). Nguyên nhân tăng trưởng chậm của ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong 6 tháng đầu năm, ngoài việc lý giải bởi yếu tố thời tiết, khí hậu bất lợi cho sản xuất, thì còn xuất phát từ:

(i) Sự giảm sút đáng kể của diện tích đất gieo trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản do chính sách “dồn điền, đổi thửa” thực hiện không thành công;

(ii) Chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa hợp lý;

(iii) Chính sách thu mua nông sản, cộng với thị trường và giá cả hàng hóa nông sản xuất khẩu có những biến động bất lợi.

Một số dự báo tăng trưởng năm 2015

Bằng phương pháp ngoại suy theo xu thế và sự tương quan giữa tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm với cả năm của những năm trước, nếu 6 tháng đầu năm 2015 tốc độ tăng trưởng đạt 6,28%, tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy, khả năng tăng trưởng cả năm 2015 sẽ đạt 6,5%-6,6% vượt mức kế hoạch đặt ra (Bảng 2).

Bảng 2: Ước tính tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Tốc độ tăng trưởng 3 tháng đầu năm (%)

5,97

5,9

4,75

4,76

4,96

6,03

Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm (%)

6,18

5,92

4,93

4,98

5,18

6,28

Tốc độ tăng trưởng cả năm (%)

6,78

5,8

5,25

5,42

5,98

Hệ số tăng trưởng 6 tháng so với cả năm

0,92

1,02

0,93

0,92

0,87

Hệ số tăng trưởng bình quân

0,94

Ước lượng tăng trưởng GDP cả năm 2015 %)

6,5-6,6

Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm (%)

6,7-6,8

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Nếu theo xu thế với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm khá khả quan, thì việc đạt được mục tiêu 6,5%-6,6% là không khó. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,6%, hoặc cao hơn trong năm 2015 và những năm tiếp theo, thì:

- Ngành công nghiệp phải tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhưng phải bảo đảm tính bền vững và hiệu quả hơn thông qua việc: nâng cao năng lực tăng trưởng của DN trong nước và giảm nhiều dung lượng tăng trưởng dựa vào gia công.

- Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp phải khôi phục lên con số 3%-3,5% (vượt so với cùng kỳ năm trước).

- Ngành thương mại dịch vụ chất lượng cao, nhất là dịch vụ bất động sản, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, du lịch chất lượng cao phải khôi phục được tốc độ tăng trưởng bằng giai đoạn trước. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lên mức 15% (bằng mức đạt được của năm 2014).

Đồng thời, cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, kiên trì và ưu tiên trong chính sách kích cầu đầu tư trong nước:

Kích cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước là chính sách có hiệu ứng “hai trong một” đối với chúng ta hiện nay. Một mặt, nhằm mục tiêu khắc phục điểm yếu về kinh tế nội địa thời gian qua do đầu tư trong nước có xu hướng bị “chìm dần”. Với tỷ lệ đầu tư trên GDP 6 tháng đầu năm chỉ là 31,1%, thì vẫn chưa đủ lực cho tăng trưởng cao hơn. Nếu tăng tỷ lệ đầu từ 33%-35% (khoảng 2% nữa), thì có tăng 0,4-0,5 điểm phần trăm tăng trưởng nữa.

Mặt khác, số liệu 6 tháng cuối năm cho thấy, đầu tư của khu vực DN, nhất là DN tư nhân, đang trong tình trạng rất yếu. Kích cầu đầu tư trong nước sẽ là một giải pháp để vượt qua các thách thức, khó khăn đến từ nguy cơ suy giảm do động thái quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Cùng với đó là việc tiếp tục điều hành linh hoạt, thận trọng và hiệu quả các chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý; điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu đề ra (khoảng 15%). Phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước quy định...

Thứ hai, tiếp tục xem FDI là động lực tăng trưởng, nhưng cần có giải pháp gắn kết các DN trong nước với các DN FDI:

Theo đó, chúng ta cần:

(i) Tiếp tục tăng cường các chính sách thu hút FDI. Tuy nhiên, cần lưu ý đến nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, đặc biệt chú trọng các dự án FDI có quy mô vốn lớn. Trong 6 tháng đầu năm, đã thu hút 757 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3839,2 triệu USD, tăng 15,4% về số dự án và giảm 21% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, có 281 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 1654,2 triệu USD.

Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 5493,4 triệu USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có nghĩa là quy mô vốn của dự án FDI có xu hướng giảm.

Đặc điểm này thể hiện rõ ở các dự án FDI của Trung Quốc với công nghệ thấp, quy mô nhỏ và đầu tư vào các lĩnh vực, mà chúng ta có thể làm được. Vì thế, trong thời gian tới, cần nghiêm khắc với các dự án FDI của Trung Quốc vào Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng các dự án đầu tư.

(ii) Giảm thiểu khó khăn của các khu vực kinh tế trong nước thông qua việc thực hiện giải pháp liên kết DN trong nước với DN FDI. Cần có những đàm phán và thảo thuận với các DN FDI có quy mô lớn để thực hiện sự liên kết thông qua việc DN trong nước tham gia sản xuất sản phẩm phụ trợ cho các DN FDI, thay vì các DN này phải nhập khẩu về.

Điều này sẽ là một giải pháp “2 trong 1”: Một mặt, giải quyết khó khăn trong hoạt động của DN trong nước thông qua các hoạt động sản xuất chi tiết, phụ tùng sản phẩm cùng với DN FDI. Mặt khác, thực hiện một bước đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ dựa vào những liên kết với các DN FDI (đối với DN công nghiệp).

Thứ ba, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp:

Đây chính là giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển năng lực kinh tế nội địa để tăng trưởng. Theo đó, cần xác định sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phù hợp với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai của từng vùng, tiểu vùng nông nghiệp, hình thành sản phẩm chuyên môn hóa theo từng vùng, địa phương khác nhau. Tạo dựng các lợi thế cạnh tranh đối với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng bằng cách đầu tư phát triển chuyên môn hóa với quy mô lớn; thu hút FDI vào nông nghiệp mang tính hàng hóa cao, tổ chức sản xuất theo các mô hình sản xuất mang tính tiên tiến, nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng và giá trị kinh tế cao, chi phí sản xuất giảm do tận dụng được lợi thế nhờ quy mô và tổ chức.

Quy mô sản phẩm nông nghiệp lớn sẽ đặt tạo điều kiện phát triển các ngành có mối quan hệ ngược chiều (cung cấp đầu vào cho nông nghiệp) và xuôi chiều (xử lý đầu ra của sản phẩm nông nghiệp) thuộc về công nghiệp và thương mại - dịch vụ.

Với cách phát triển theo chuỗi giá trị như trên, ngành nông nghiệp sẽ được tái cấu trúc theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập từ nông nghiệp vẫn có xu hướng tăng lên theo giá trị tuyệt đối.

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản hàng hóa là một giải pháp nhằm đẩy nhanh tăng trưởng nông nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Để thực hiện được việc đẩy nhanh xuất khẩu nông sản, cần nghiên cứu kỹ những yếu tố tác động đến sự suy giảm xuất khẩu của mặt hàng thủy sản thời gian vừa qua, như vấn đề: thị trường xuất khẩu, giá cả hàng hóa, tỷ giá, nguồn cung, sức mua… để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành sản xuất nông sản xuất khẩu.

Thứ tư, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc:

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2015, hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh và duy trì mức cao nhất với 24,4 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Điều đáng chú ý là trong số những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về, nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh của DN sản xuất trong nước, tạo áp lực cạnh tranh với DN nội, gây khó khăn cho sản xuất trong nước, nhất là các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến sản xuất hàng tiêu dùng, đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Duy trì tình trạng nhập khẩu này sẽ là một rào cản lớn cho sản xuất trong nước. Vì thế, khuyến nghị, trong thời gian tới, cần giảm tối đa nhập khẩu loại hàng hóa này từ Trung Quốc về. Có hai hướng đi phù hợp:

(i) Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tự do thương mại quốc tế nhằm thoát khỏi quỹ đạo sử dụng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thông qua các hiệp định, như: Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, TPP. Các đối tác lớn quan tâm đến Việt Nam đều rất mong muốn đàm phán và thỏa thuận các hiệp định hợp tác kinh tế với Việt Nam. Do đó, chúng ta đang chủ trương thúc đẩy mạnh hơn các quá trình đàm phán này.

(ii) Các nhà sản xuất tại Việt Nam cần cố gắng nội địa hóa nguyên liệu đầu vào để tăng cường quản lý chuỗi cung ứng của mình và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc. Cần nghiên cứu phát triển sản xuất trong nước, tập trung vào mặt hàng Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được. Trong chiến lược nội địa hóa, do năng lực sản xuất nội địa còn yếu, chúng ta phải đa dạng hóa các nhà đầu tư nước ngoài, như: Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng với họ phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, hạn chế nhập siêu./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổng cục Thống kê (2015). Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015

2. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (2015). Báo cáo tính hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2015