Trung Quốc muốn cứu tăng trưởng

Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ (RMB) so với đồng USD xuống 1,9% vào ngày 11/8 chắc chắn sẽ được coi là một trong những điểm nối bật của kinh tế thế giới trong năm nay.

Thực tế, ngay sau tuyên bố của PBOC, các đồng tiền châu Á đồng loạt chạm đáy sau nhiều năm. Trong đó, đồng Baht Thái Lan xuống thấp nhất trong 6 năm, đô la Singapore thấp nhất trong 5 năm. Đồng Peso của Philippines cũng xuống thấp nhất trong 5 năm, trong khi Rupiah của Indonesia và Ringgit của Malaysia thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Theo dự báo, ngành xuất khẩu của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản được nhận định cũng sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất khi RMB mất giá. Điều này là bởi, RMB suy yếu sẽ làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc so với của Mỹ, Nhật Bản hay EU.

Dường như, đó cũng là một trong những mục đích phá giá RMB của Trung Quốc trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm và nền kinh tế đang chậm lại của quốc gia này. Dữ liệu thương mại hàng hóa của Trung Quốc phát hành ngày 8/8 cho thấy, xuất khẩu tháng 7/2015 giảm 8,3% trong khi nhập khẩu tháng 7/2015 giảm 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, càng làm gia tăng lo ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Trả lời báo điện tử An ninh tiền tệ, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, xét một cách thấu đáo, quyết định của PBOC là dễ hiểu và hoàn toàn không bất ngờ, bởi, như các con số thống kê đã được Bắc Kinh công bố, tăng trưởng GDP thực tế của nước này đang thấp hơn mục tiêu 7% mà Chính phủ đã đề ra. Các chỉ số kinh tế quan trọng như kim ngạch xuất khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp… đều giảm nhanh hơn kỳ vọng.

Bên cạnh đó, sức ép đến từ cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán cũng càng khiến RMB chịu thêm sức ép. Do đó, việc phá giá RMB cũng chỉ là một trong những công cụ mà Trung Quốc nghĩ rằng sẽ có thể phần nào giúp nước này hạn chế chiều suy thoái kinh tế mà họ không mong muốn.

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu trong trả lời phỏng vấn báo VietnamPlus cũng đồng tình quan điểm này. Ông cho rằng: “Cách đây khoảng chục năm Trung Quốc luôn giữ RMB với giá trị cao nhưng với áp lực của Mỹ, Trung Quốc phải phá giá, nhưng hôm nay nước này tình nguyện phá giá chứ không có bất kỳ áp lực nào cả. Nguyên nhân là do nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm nên bắt buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu đi các nước. Trung Quốc là một lò sản xuất hàng hóa cho cả thế giới, có lẽ đây là quyết sách tốt nhất cho Trung Quốc và họ hiểu điều đó nên đã quyết định phá giá tiền đồng nội tệ”.

Ảnh hưởng nào tới Việt Nam?

Là quốc gia láng giềng, đồng thời lại là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, những diễn biến từ việc Trung Quốc phá giá RMB chắc chắn sẽ có tác động tới Việt Nam. Theo TS. Võ Trí Thành: “Tất nhiên là có ảnh hưởng, nhưng muốn biết tác động đến đâu thì cần phải tính toán cụ thể. Song, tôi nghĩ rằng cũng chỉ là ít thôi, bởi 1,9% cũng không phải là quá lớn”.


Cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn

Ảnh hưởng đầu tiên là cán cân thương mại Việt Trung có thể sẽ thâm hụt sâu hơn. Việc hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn khi RMB mất giá sẽ khiến nhập siêu từ Trung Quốc thêm trầm trọng. Việt Nam có tỷ lệ nhập siêu rất lớn từ nước này nên khi giá các mặt hàng của Trung Quốc đã rẻ rồi giờ lại càng rẻ nữa thì lại càng hấp dẫn và sẽ làm tăng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc lên. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là điều không thể tránh được, mặc dù khẩu hiệu kêu goi “người Việt dùng hàng Việt” đã phần nào phát huy hiệu quả nhưng chưa đủ mạnh để cưỡng lại sức hấp dẫn của hàng Trung Quốc. Cái chính là họ ở ngay sát Việt Nam nên vừa nhập chính thức lại vừa buôn lậu nên Việt Nam bất lợi đủ mọi bề.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ giảm xuất phát từ việc giảm nhu cầu nội địa, giảm nhu cầu hàng hóa tại Trung Quốc, đặc biệt là hàng nguyên vật liệu thô mà Việt Nam đang phần lớn xuất khẩu sang quốc gia này. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Việt Nam đang neo tỷ giá, RMB mất giá với USD thì cũng mất giá với VND và khi đó hàng Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị tăng giá lên​ dẫn đến giảm khả​ năng cạnh tranh của hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Không những thế, quyết định của Bắc Kinh cũng sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường còn lại sẽ chịu áp lực đáng kể do hàng hóa Việt Nam xuất đi các thị trường này khá tương đồng với Trung Quốc, trong khi hàng Trung Quốc sẽ rẻ đi do hiệu ứng phá giá đồng nhân dân tệ.

Ảnh hưởng tiếp theo là có thể làm “lung lay” trong việc giữ nguyên cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay. RMB phá giá chắc chắn sẽ gây áp lực nhất định cho Ngân hàng Nhà nước.

Thực tế, sau thông tin về việc Trung Quốc phá giá đồng tiền vào sáng 11/8, tỷ giá giữa VND và USD niêm yết tại các ngân hàng cũng bắt đầu tăng trở lại sau một thời gian dài neo ở mức 21.840.

Vào buổi sáng 11/8, tỷ giá tại Vietcombank vẫn nằm ở mức 21.840 VND/USD (giá ngân hàng bán ra) và 21.780 VND/USD (giá ngân hàng mua vào). Tuy nhiên đến trưa cùng ngày, tỷ giá đã tăng 15 đồng lên 21.855 VND/USD bán ra, và mua vào là 21.795 VND/USD.

Tại các ngân hàng khác, tỷ giá VND/USD cũng được điều chỉnh tăng, nhưng với mức điều chỉnh cao hơn tại Vietcombank. Tại Techcombank, tỷ giá được niêm yết ở mức 21.870/21.810 VND/USD, tại SCB và Eximbank lần lượt là 21.860/21.800 VND/USD và 21.850/21.800 VND/USD.

Theo đó, hiện tỷ giá VND/USD cách trần chỉ 20 đồng. Hiện mức tỷ giá trần cho phép là 21.890 VND/USD và mức sàn là 21.456 VND/USD. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng tăng trở lại sau khi hơn hai tháng nằm yên ở mức 21.840 VND/USD cho thấy việc Trung Quốc phá giá đồng tiền có tác động đến tâm lý trên thị trường.

Việc phá giá RMB, cộng với tác động phá giá của các đồng tiền khác trong khu vực từ đầu năm đến nay đã gây áp lực phá giá của VND là rất lớn. So với USD, đồng đô la Singapore đã phá giá đến 5%, đồng Won của Hàn Quốc phá giá 6,42%, Baht Thái 6,85%, đồng Ringgit của Malaysia cũng mất giá đến 11,45%, trong khi đó, VND mới chỉ phá giá ở mức 2%.

Tỷ giá USD/VND tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn phải chịu những sức ép đáng kể do: (1) biến động ngày một nóng của USD trước kì họp FOMC tháng 9 trong bối cảnh kinh tế Mỹ dần đi vào quỹ đạo mong muốn của FED, (2) lãi suất VND theo chủ trương hạ lãi suất cho vay từ 0.5-1% đầu năm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ làm đồng VND suy yếu.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, khả năng Ngân hàng Nhà nước phá giá ngoại tệ là rất thấp, song ông lo lắng chi phí mà Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chịu khi mà cố giữ sự ổn định của tiền đồng, bởi vì nếu không phá giá mà thị trường tự do ngày càng cách xa thị trường chính thức, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ phải bỏ một nguồn dự trữ ngoại tệ rất lớn để can thiệp thị trường. Như vậy, nguồn dự trữ quốc gia của Việt Nam ngày càng thâm hụt sẽ rất nguy hiểm cho ngân sách quốc gia.
Quan điểm của ông Hiếu là Ngân hàng Nhà nước nên xem xét việc điều chỉnh tỷ giá tùy theo điều kiện của thị trường. Ở khía cạnh thương mại, ông cho rằng: “VND phải phá giá, chứ neo giá với USD thì VND ngày càng cao và như vậy hàng hóa của Việt Nam sẽ rất đắt đỏ trên thị trường”./.

Nguồn tổng hợp:

http://antt.vn/trung-quoc-choi-dao-vnd-co-nguy-0111340.html

http://www.thesaigontimes.vn/134229/Khong-de-giu-on-dinh-ty-gia-den-cuoi-nam.html

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/255777/trung-quoc-bat-ngo-pha-gia-ndt--the-gioi-lo-lang.html

http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-pha-gia-dong-nhan-dan-te-se-tao-ap-luc-ty-gia-cho-vnd/337632.vnp