Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 7%

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2014 cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2013 và năm 2012. So với tháng 9 năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 8,6%. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7%.

Phân theo ngành kinh tế, sản xuất và phân phối điện tăng 11,2% (cùng kỳ năm 2013 tăng 8,3%; 6 tháng 2014 tăng 10,9%). Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2013 chỉ tăng 6,8%; 6 tháng 2014 tăng 7,8%). Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,0%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (tăng 9,5%). Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,4% (trong khi cùng kỳ năm 2013 giảm 0,2% và 6 tháng 2014 giảm 2,5%), trong đó sản lượng khai thác than cứng, than non và thu gom than cứng tăng 0,6%.

Tính đến hết tháng 8, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2013 tăng 10,1% so với năm 2012), trong đó tiêu thụ tăng cao ở những nhóm hàng như: sản xuất da và sản phẩm có liên quan, sản xuất giày dép, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ... tăng trưởng trên 10%.

Đáng chú ý, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm: thời điểm 01 tháng 01 năm 2014, tăng 9,7%; thời điểm 01 tháng 3 năm 2014 tăng 13,4%; thời điểm 01 tháng 6 năm 2014 tăng 12,8%; đến thời điểm 01 tháng 9 năm 2014 chỉ còn tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: sản xuất chế biến thực phẩm (+16,8%), sản xuất đồ uống (+20,8%), sản xuất trang phục (+39,6%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (+41,9%), sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (+44,8%)…

Về hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 109,63 tỉ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với 13,59 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 67,2 tỷ USD, tăng 14,6%; xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 73 tỷ USD, tăng 14,1%; xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 36,64 tỷ USD tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm ước đạt 12,2 tỷ USD/tháng, 9 tháng có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước đó là rau quả và hạt tiêu.

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 9 tháng ước đạt 107,16 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 60,3 tỷ USD, tăng 9,8% và chiếm tỷ trọng 56,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt gần 46,9 tỷ USD và chiếm tỷ trọng 43,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Tình hình cán cân thương mại, xuất siêu 9 tháng năm 2014 ước khoảng 2,47 triệu USD, bằng 2,3% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu 6,9 tỷ USD, nếu kể cả dầu thô khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xuất siêu khoảng 12,7 tỷ USD. Các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 10,23 tỷ USD.

Nếu không có yếu tố đột biến khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 148 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2013 (cao hơn mục tiêu tăng 10% do Quốc hội đề ra). Nhập khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 146,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2013. Xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD.

Về thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: tháng 9 năm 2014 ước đạt 244.529 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước, tính chung 9 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ đạt 2.145.470 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm 2013, thấp hơn so với mức tăng 12,5% của năm ngoái và thấp so với cùng kỳ các năm trước (các năm trước thông thường tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so với cùng kỳ thường tăng khoảng 17 - 22%), nguyên nhân chủ yếu do sức mua yếu.

Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2013 đạt mức tăng 6,22%.

Đánh giá chung về tình hình và triển vọng phát triển hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại năm 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dự báo, sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm tiếp tục tăng trưởng, nhưng không cao, ước cả năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 7%.

Thủ tướng giao 5 nhiệm vụ cho ngành Công Thương

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh những nỗ lực, kết quả mà ngành Công Thương đạt được trong 9 tháng qua là rất đáng ghi nhận, thể hiện sự nghiêm túc của ngành trong việc chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; đồng thời đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế cũng như cho thấy triển vọng và tính khả thi của việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nước năm 2014.

“Tôi đề nghị ngành Công Thương tiếp tục nỗ lực, phát huy kết quả đạt được, khắc phục mọi hạn chế, yếu kém, phấn đấu đạt cao nhất và vượt các chỉ tiêu kế hoạch mà ngành Công Thương đã đề ra” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ ngành Công Thương phải tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Thứ nhất, Bộ Công Thương phải làm tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý của ngành, tập trung vào việc rà soát, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế thị trường, cạnh tranh, công khai, minh bạch, không bao cấp để đảm bảo phân bổ nguồn lực tốt hơn; sản xuất, kinh doanh, đầu tư cũng như cạnh tranh, hội nhập hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó cần tập trung rà soát, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; để thu hút đầu tư và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

“Các đồng chí thử đi làm doanh nghiệp, đi làm kinh doanh như người dân thì các đồng chí sẽ thấy rất nhiều vướng mắc rất vô lý. Những vướng mắc hoàn toàn có thể sửa được mà không mất tiền bạc. Chúng ta phải sửa đổi vì cuộc sống đòi hỏi, phải sửa vì thực tiễn cuộc sống đã phát triển và vượt qua tất cả các quy định cũ của chúng ta” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu; đồng thời, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế gồm cân đối điện, than và xăng dầu.

Thủ tướng cho rằng, việc vượt kế hoạch khai thác 1 triệu tấn dầu thô, tiêu thụ thêm 500 ngàn tấn than trong năm nay đã đóng góp 0,16 đến 0,2 điểm phần trăm GDP và nếu ngành Công Thương đạt mức tăng trưởng công nghiệp 7,2% và trên 7,2%, thì tăng trưởng GDP 5,8% là hoàn toàn khả thi và có thể cao hơn.

Thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Công Thương quyết liệt thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp lớn thuộc Bộ phải đánh giá lại năng suất lao động, chi phí, giá thành và hiệu quả hoạt động và đề xuất các giải pháp cụ thể để tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

“Chúng ta phải làm cụ thể, không nói chung chung. Giờ không phải là so với chính mình mà phải so với thế giới, với bạn bè xung quanh; giờ là phải cạnh tranh, phải thay đổi” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ phải kiên quyết, mạnh mẽ,nkhẩn trương thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa. Thủ tướng cho rằng, chủ trương, Nghị quyết, luật pháp, cơ chế, chính sách cũng như mô hình về cổ phần hóa đã có hết rồi, vấn đề là có thực hiện hay không thực hiện.

“Vấn đề không phải là bán cổ phần để nhà nước thu bao nhiêu tiền về, mà quan trọng hơn là chúng ta có những doanh nghiệp hiệu quả hơn và từ đó mới có nền kinh tế cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thứ tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Công Thương tiếp tục các nỗ lực, giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, cả thị trường trong nước và thị trường ngoài nước gắn với việc bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước theo cơ chế thị trường. Khai thác có hiệu quả 6 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã có, đồng thời tích cực đàm phán 6 FTA mới.

Thủ tướng cho rằng, với triển vọng hoàn thành 3 FTA với EU, Hàn Quốc và Liên minh Thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan vào cuối năm nay sẽ tiếp tục mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, nếu FTA với EU đi vào thực hiện thì chỉ riêng mặt hàng dệt may vào thị trường này sẽ tăng thêm tới 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

“Xuất khẩu dệt may thêm 1 tỷ USD, đất nước sẽ có thêm 250.000 việc làm mới” - Thủ tướng nhận đinh.

Thứ năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Công Thương hết sức quan tâm đến công tác cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công Thương ngay trong tuần tới sẽ ký ban hành Thông tư quy định về thủ tục tiếp cận điện năng và Thông tư này và giúp thời gian làm thủ tục tiếp cận điện của doanh nghiệp giảm từ 132 ngày hiện nay xuống còn 36 ngày.

“Thủ tục gì không cần thiết, gây khó khăn, cản trở, phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp phải rà soát để sửa đổi và loại bỏ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu./.