Theo đó, sẽ quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt phù hợp với Chiến lược Phát triển Giao thông vận tải Việt Nam, Chiến lược Phát triển Giao thông vận tải đường sắt Việt Nam; gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển của các lĩnh vực giao thông vận tải khác và các quy hoạch có liên quan; phát triển mạng đường sắt kết nối với các cảng biển lớn, các khu công nghiệp và các quốc gia có chung biên giới để thúc đẩy hội nhập quốc tế; nhanh chóng phát triển mạng đường sắt đô thị làm nòng cốt trong vận tải công cộng tại các thành phố lớn, trước mắt ưu tiên Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, về vận tải đường sắt, phấn đấu giao thông vận tải đường sắt đáp ứng khoảng 3-4% về nhu cầu vận tải hành khách và khoảng 4-5% về nhu cầu vận tải hàng hóa trong tổng khối lượng vận tải của toàn ngành giao thông vận tải; tập trung phát triển dịch vụ vận tải đường dài; phát triển nhanh dịch vụ vận tải khối lượng lớn; mở rộng liên kết vận tải quốc tế, khu vực và các quốc gia có chung biên giới.

Về kết cấu hạ tầng, bên cạnh việc hoàn thành cải tạo, nâng cấp mạng đường sắt hiện có thì tiến hành xây dựng một số tuyến đường sắt mới như xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao; nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch; nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt ven biển; nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên...

Đối với việc nâng cấp hiện đại hóa đường sắt Bắc-Nam, trong giai đoạn 2020 tuyến sẽ có tốc độ bình quân tàu khách là 80 - 90km/h, tàu hàng là 50 - 60km/h, năng lực thông qua lớn hơn hoặc bằng 25 đôi tàu/ngày đêm.

Từ năm 2016 - 2020, ngành đường sắt sẽ tiến hành cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM; nghiên cứu đường sắt tốc độ cao; tiếp tục đầu tư để đưa vào khai thác tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên; khởi động các dự án mới đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh, Trảng Bom - Hòa Hưng, Biên Hòa - Vũng Tàu…

Để thực hiện được kế hoạch này Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù, hấp dẫn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt, phấn đấu thu hút vốn ngoài ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng đạt ít nhất 10% (đến năm 2020) và 20% (đến năm 2030) tổng vốn đầu tư. /.