Kỳ tích bị phá hàng năm

Đường ống nước sạch sông Đà về Hà Nội bị vỡ lần đầu tiên vào ngày 4/2/2012, tại Km10+300 trên đại lộ Thăng Long. Sự cố ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân. Từ đó đến nay, đã có thêm 12 lần đường ống nước sông Đà về Hà Nội gặp sự cố vỡ.

Trong đó, riêng từ đầu năm 2015 đến nay, đã 4 lần đường ống nước này. Lần 1 xảy ra vào ngày 15/01/2015 tại huyện Quốc Oai (Hà Nội), khiến hơn 70.000 hộ dân Thủ đô mất nước sạch sinh hoạt; Lần 2 vào ngày 21/07/2015, tại vị trí Km 26+760 nằm ngay cạnh Đại lộ Thăng Long (thuộc địa phận huyện Thạch Thất); Lần 3 vào ngày 25/07 và lần thứ tư đường ống dẫn nước sạch sông Đà lại lập kỷ lục mới khi vỡ vào ngày 13/8 vừa qua.

Sau lần vỡ thứ 13, lượng nước sông Đà cấp trong ngày 14/08 còn khoảng 157.000m3, thiếu khoảng 90.000m3. Ngày 15/08, lượng nước cấp là 162.000m3. Ngày 16/08, lượng nước cấp 220.000m3. Ngày 17/08, lượng nước cấp 230.000m3 (trong đó Công ty Nước sạch Hà Nội còn 17.000m3).

Trong buổi họp báo do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức vào ngày 19/8, ông Trịnh Kim Giang – Phó Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, phải 5 ngày sau khi đường ống vỡ, Công ty mới được cấp nước trở lại. khoảng 55.000 hộ tại các khu vực Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình hiện đang thiếu khoảng 55.000 m3 nước mỗi ngày.

Đường ống nước sông Đà về Hà Nội đã 13 lần vỡ trong vòng gần 3 năm đưa vào sử dụng

Những nỗ lực đã đến nơi?

Một trong những nguyên nhân được nhắc tới đó là do là cường độ của ống không chịu nổi áp lực lớn, bởi ống này là ống nhựa gia cố sợi thủy tinh - là một công nghệ tương đối mới, nhưng không hiểu nó chịu áp lực là bao nhiêu, mặc dù Việt Nam đã xây dựng hẳn một nhà máy sản xuất loại ống này.

Để giải quyết vấn đề này, trên thực tế từ lần vỡ thứ 9 (vào tháng 7/2014), UBND TP. Hà Nội đã đồng ý để Tổng công ty Vinaconex đầu tư xây dựng tuyến đường ống nước sạch sông Đà số 2. Tuy nhiên, đến bây giờ, sau lần vỡ thứ 13, dự án này vẫn chưa được thực hiện.

Tại buổi họp báo ngày 19/08, Phó Tổng giám đốc Viwasupo Trương Quốc Dương cho biết, “Việc xây dựng tuyến ống dẫn nước số 2, Công ty đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật, dự toán và mời thầu. Chúng tôi khẳng định tháng 10 sẽ khởi công và sẽ hoàn thành vào 30/05/2016. Tuyến ống dẫn nước số 2 sẽ làm bằng chất liệu gang dẻo”.

Ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định “nếu tháng 10 tới Vinaconex không khởi công tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2, thì giải pháp dự phòng giao dự án cho Công ty nước sạch Hà Nội. Bởi, Dự án đã liên tục bị lùi thời gian khởi công, từ tháng 9/2014, đến tháng 8/2015, và hiện giờ là tới tháng 10/2015.

Để giải quyết cung cấp nước tình thế cho người dân, ngoài điều tiết lại các tuyến ống cấp nước sạch (tức cấp nước luân phiên), thì Công ty nước sạch Hà Nội đang vận hành tối đa 5 xe téc chở nước đến từng tổ dân phố.

Đồng thời, để hạn chế thấp nhất sự cố vỡ đường ống, sau lần vỡ đường ống nước lần thứ 11 và 12 (tháng 7/2015), Công ty Viwasupco đã thực hiện việc điều tiết giảm áp lực tuyến ống đã được từ xuống còn khoảng 4,0kg/cm2 (giảm 0,5kg/cm2) để giữ ổn định cấp nước cho địa bàn Viwaco và Hà Đông. Điều này đồng nghĩa với việc nước đến với người dân, đặc biệt là những hộ dân ở cuối nguồn nước sẽ rất ít.

Có thể thấy, các giải pháp chỉ mang tính tình thế, việc cấp nước sạch cho nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, vẫn còn rất nhiều hộ dân Thủ đô thiếu nước sinh hoạt.

Trước tình trạng này, trong buổi họp báo, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục không đưa ra phương án giải quyết cụ thể, thay vào đó khuyến cáo đường ống nước sông Đà có thể tiếp tục xảy ra sự cố, nhắc người dân cần sử dụng tiết kiệm, tích trữ nước sinh hoạt.

Về phía đơn vị cung cấp nước, ông Trương Quốc Dương, Phó Tổng Giám đốc Viwasupco cũng chỉ nói: "Với thực trạng tuyến ống hiện nay thì việc xảy ra vỡ trong thời gian tới là có thể xảy ra. Chúng tôi chỉ cố gắng khi sự cố xảy ra sẽ khắc phục nhanh nhất".

Thiết nghĩ, vỡ đường ống cung cấp nước là điều không ai mong muốn, tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, bên cạnh việc khắc phục sự cố, Hà Nội cần phải có sự truy cứu về trách nhiệm rõ ràng và những hành động xử lý nhanh chóng. Bởi, với 13 lần vỡ đường ống và dự báo sẽ còn có những lần vỡ tiếp theo, người dân Thủ đô không thể chỉ chờ vào sự cố gắng khắc phục sự cố của bên cung cấp, cũng như lời khuyến cáo sử dụng tiết kiệm nước của cơ quan quản lý./.