Thu bảo hiểm 15 tháng: Học sinh, sinh viên cần một lời giải thích

Theo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, bắt đầu từ năm 2015, mức đóng bảo hiểm y tế tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ bản, tức là tăng gần 150.000 đồng/năm.

Do năm nay thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế thay đổi theo năm tài chính nên ở năm đầu tiên triển khai, học sinh, sinh viên sẽ phải đóng 15 tháng bảo hiểm y tế để từ năm sau lại đóng 12 tháng như cũ. Dù vậy, theo hướng dẫn của Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, ngày 24/11/2014, việc tham gia bảo hiểm y tế có thể đóng phí theo chu kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm. Như vậy, với mỗi địa phương, sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường cũng như cơ quan bảo hiểm y tế tỉnh có thể thống nhất cách thu, có thể trong năm 2015 thu 3 tháng, sau đó sang năm 2016 thu 6 tháng hoặc 12 tháng để giảm áp lực nộp tiền đầu năm học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã tổ chức tập huấn trên cả nước về vấn đề này, song do công tác truyền thông chưa tốt khiến nhiều trường và phụ huynh chưa nắm rõ.

Hiện tại, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang kiểm tra và tổng hợp việc thu bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên, nhằm đánh giá, tìm ra khó khăn để tháo gỡ. Nếu việc hướng dẫn các nhà trường thực hiện thu bảo hiểm y tế không đầy đủ dẫn đến khó khăn khi thu bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên thì Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm chính, còn nếu nhà trường đã được tập huấn mà vẫn triển khai thu 15 tháng một cách cứng nhắc, gây khó khăn cho gia đình học sinh, sinh viên thì các trường phải chịu trách nhiệm.

Công tác tuyên truyền về bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên cần được chú trọng hơn nữa

"Việc nhỏ hóa to" do yếu tuyên truyền

Thực tế có thể thấy, việc thu 15 tháng bảo hiểm y tế chỉ gây bức xúc về mặt thiếu thông tin trao đổi, chứ không phải các trường thu sai. Vấn đề đặt ra là công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh của các trường dường như chưa được chú trọng. Dường như phụ huynh học sinh mới quan tâm việc trường thu phí bao nhiêu, tăng hay giảm và cũng chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về những khoản phí đó.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện vẫn còn 20% số học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế (tương đương 3,2 triệu học sinh, sinh viên) cho thấy, một nghịch lý là đối tượng truyền thống, tiềm năng nhất của bảo hiểm y tế bắt buộc lại có mức bao phủ chưa vượt trội so với các nhóm đối tượng khác.

Học sinh, sinh viên là thế hệ tương lai cần chăm sóc sức khỏe, có trình độ để tiếp thu tuyên truyền, nhưng lại chưa quan tâm đến một chính sách quan trọng về sức khỏe. Mặc dù tỷ lệ sinh viên tăng đều qua các năm, nhưng con số 3,2 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế là cao.

Để tạo sự chuyển biến trong công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng thông tư về bảo hiểm y tế để ban hành và áp dụng trong năm học tới, trong đó giao trách nhiệm, chỉ tiêu cho các trường và kết quả thực hiện sẽ là tiêu chí đánh giá thi đua của nhà trường và rèn luyện của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị nâng mức vay tín dụng cho sinh viên từ 1,1 triệu đồng/tháng/người lên 1,3 triệu đồng để sinh viên có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế. Ngành giáo dục phấn đấu cuối năm 2015 có hơn 95% số học sinh và 92% số sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt 100% số học sinh, sinh viên tham gia vào năm 2016.

Thiết nghĩ, để không lặp lại tình trạng bức xúc của người dân về việc thu phí bảo hiểm y tế, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, không chỉ là những quy định, mà còn là sự hiểu biết của thế hệ tương lai về ý nghĩa tương thân, tương ái của tấm thẻ bảo hiểm y tế và về một chính sách xã hội nhân văn./.