Đồng Real của Brazil giảm giá xuống mức thấp nhất mới so với đồng USD trong vòng gần 13 năm qua sau khi hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's hạ tín nhiệm của Brazil xuống hạng rác.

"Tình hình có liên quan đến bức tranh vĩ mô khi trái phiếu chính phủ Brazil bị S&P hạ xuống hạng rác về cơ bản có ảnh hưởng tiêu cực đối với đồng Real," Bob Phillips, Giám đốc công ty nhập khẩu cà phê xanh Caturra Coffee Corp ở Elmsford, New York cho biết. "Tôi cho rằng đó là phản ứng đối với tình hình chung."

Phillips cũng cho rằng giá cà phê giảm chủ yếu do lực bán của các quỹ chứ không hẳn do các nhà sản xuất, những người có thể gặp thuận lợi nhờ đồng Real suy yếu.

Giá cà phê arabica giao tháng 12 đóng cửa phiên giảm 4,70 cent/lb tức giảm 3,9% đạt mức 116,40 cent/lb sau khi chạm mức 116,25 cent/lb là mức thấp nhất trong tháng thứ hai liên tiếp kể từ tháng 1/2014. Trong khi đó, giá cà phê robusta giao tháng 11 giảm 38 USD/tấn tức giảm 2,4% đạt mức 1.566 USD/tấn.

"Đà suy yếu của đồng Real là yếu tố ngắn hạn tiêu cực đối với giá các loại hàng hóa mềm, đặc biệt là cà phê arabica," Citi Research nhận định. "Đồng Real giảm giá trong môi trường tiêu cực và triển vọng cơ bản cung cầu không mấy bức bách đối với thị trường cà phê trong hầu hết niên vụ 2014/15 đã thúc đẩy giá hàng hóa mềm giảm nhiều"

Trong năm qua, các đồng tiền tại các nước xuất khẩu cà phê, đáng chú ý nhất là đồng Real của Brazil (BRL) và đồng Peso của Colombia (COP) đã giảm giá đáng kể so với đồng USD. Kể từ tháng 9/2014, đồng BRL và đồng COP đã giảm hơn 50% phản ảnh tình hình kinh tế trong nước cũng như khuynh hướng kinh tế vĩ mô toàn cầu không mấy khả quan. Đồng Rupiah của Indonesia (IDR) cũng giảm gần 20% và đồng VND của Việt Nam (thường được neo giá so với đồng USD trong biên độ hẹp) cũng đã giảm giá khoảng 6% trong năm qua.

Ảnh hưởng giảm giá từ các đồng tiền này làm tăng sức ép giảm giá cà phê do khuyến khích người nông dân và các nhà xuất khẩu sẵn sàng bán cà phê nhiều hơn ra thị trường quốc tế, thậm chí giá cà phê thế giới duy trì xu thế giảm.

Hiện tượng El Nino, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có thể là hiện tượng mạnh nhất kể từ năm 1997/98 được dự báo tiếp tục ít nhất cho đến cuối năm nay và hiện tại vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ ảnh hưởng tại các nước xuất khẩu cà phê.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê trong thời gian tới tiếp tục chịu tác động bởi các khuynh hướng kinh tế vĩ mô khi có ít thông tin cơ bản hỗ trợ thị trường. Xuất khẩu cà phê chậm lại trong 6 tháng qua nên thị trường thế giới vẫn đủ nguồn cung trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, hiện tượng El Nino trong vài tháng tới có thể khiến cho triển vọng sản lượng cà phê thiếu chắc chắn.

Kỳ vọng có mưa tại Brazil thúc đẩy giai đoạn bắt đầu ra hoa cho các vựa cà phê năm tới cũng góp phần gây sức ép lên giá cà phê.

Có báo cáo cho biết các nhà xuất khẩu tại Việt Nam đang bắt đầu tăng dần vì nông dân và các đại lý thu mua cần dọn kho dự trữ cà phê để chuẩn bị dự trữ cà phê vụ mới sắp được thu hoạch./.