Xã hội hóa giáo dục và tư nhân hóa giáo dục trên thế giới

Trên thế giới hiện nay, giáo dục đại học đang chuyển dần từ giáo dục tinh hoa (cho 1 số ít người), sang giáo dục đại chúng (cho số đông mọi người). Lúc này, một khó khăn lớn đối với hầu hết các nước là ngân sách quốc gia không thể bao cấp cho giáo dục đại học. Nguồn lực đặc biệt là nguồn lực tài chính công tính theo đầu sinh viên ở giáo dục đại học đã bị giảm xuống một cách khá rõ ràng.

Ví dụ ở Anh, chỉ trong vòng 5 năm từ 1984 đến 1989, tổng chi phí ngân sách nhà nước cho các trường đại học đã giảm từ 95% xuống còn 75%, ngân sách nhà nước tính theo đầu sinh viên giảm đến 25%. Vì vậy, ngày nay gần như không còn một trường đại học nào chỉ đơn thuần dựa vào ngân sách nhà nước, ngay cả những trường đại học công lập ở các nước có chính sách an sinh xã hội rất tốt.

Các trường đại học cần nhiều nguồn tài chính bổ sung để thực hiện được sứ mạng của mình. Để tăng hiệu quả đào tạo và thu hút nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học nhiều nước, như: Mỹ, Nhật Bản, Philipin... Phần lớn các trường đại học là đại học tư.

Xu hướng đại chúng hóa giáo dục đại học và sự chuyển đổi quan niệm giáo dục đại học là lợi ích công thuần túy sang một phần là lợi ích tư, cùng với xu hướng tư nhân hóa nói chung trên thế giới đã tạo nên sự bùng phát các trường đại học tư trong hai thập niên qua. Vào năm 1980 ở nhiều nước trên thế giới không có đại học tư, nhưng cho đến nay hầu như tất cả các nước đều có đại học tư và số sinh viên học các đại học tư trên toàn cầu ngày càng tăng.

Tuy nhiên, khẳng định xu hướng xã hội hóa với quan điểm giáo dục đại học vẫn là một lợi ích công, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã từng khẳng định “Thương mại giáo dục là một thực tế, nhưng giáo dục đại học không thể mua bán như các hàng hóa khác. Chính phủ và các trường đại học không thể từ bỏ quan niệm giáo dục đại học là một lợi ích công và mục tiêu cuối cùng là lợi ích công toàn cầu".

Cho dù quan niệm giáo dục đại học là lợi ích công hay có một phần là lợi ích tư, cho dù sử dụng chủ trương chia sẻ chi phí cho giáo dục đại học và chính sách đối với thành phần giáo dục đại học tư ra sao, thì cũng cần khẳng định một điều là không thể giảm nhẹ vai trò và trách nhiệm hàng đầu của Nhà nước trong việc chăm lo phát triển giáo dục đại học.

Havard là trường đại học tư của Mỹ với chất lượng giảng dạy hàng đầu thế giới

Việt Nam thì sao?

Ở Việt Nam, xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, là một chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn của Nhà nước. Chủ trương này có mục tiêu chính là phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn dân, tạo ra những chuyển biến tốt hơn về chất lượng giáo dục bậc cao, trong bối cảnh giáo dục đại học đang trở thành đại chúng hóa và ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức.

Xã hội hóa giáo dục theo quan niệm như vậy có liên quan tới vấn đề tư nhân tham gia vào hoạt động giáo dục (tức vấn đề đại học tư), liên quan tới vấn đề tăng cường sự giám sát của xã hội đối với chất lượng giáo dục (tức vấn đề kiểm định chất lượng), liên quan tới sự tham gia của các bên liên quan trong việc định hướng và giám sát hoạt động của nhà trường (tức vấn đề hội đồng trường).

Trên thực tế, nhiều trường đại học Việt Nam đang gặp khó khăn rất lớn về vấn đề tài chính, tiền ngân sách chi cho các trường không đủ để trường duy trì hoạt động.

Điển hình như trường hợp Đại học An Giang đang được nhắc đến nhiều thời gian gần đây. Về gánh nặng chi phí, hiện nay của Trường Đại học An Giang, hiện chi phí hoạt động của trường mỗi năm khoảng 70-80 tỷ đồng. Trường Đại học An Giang được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho An Giang và một số tỉnh lân cận. Khi đi vào hoạt động vào năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cấp 5 tỷ đồng, từ đó đến nay không hỗ trợ thêm gì dù UBND tỉnh An Giang nhiều lần kiến nghị. Do thiếu kinh phí nên Trường không thể nâng cao chất lượng đào tạo, không thể mở thêm ngành nghề đào tạo. Sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, ngành sư phạm năm nay có 600 sinh viên ra trường, nhưng chỉ tuyển dụng 30 người.

Thực tế này buộc Trường phải tìm hướng đi, chuyển đổi cách làm. Hiện, Tập đoàn Sao Mai đang đề nghị đầu tư vào Trường Đại học An Giang theo hướng xã hội hóa.

Tại Quyết định 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng ký ban hành ngày 22/06/2015 nêu rõ, Nhà nước khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục được “thí điểm cho thuê quản lý, thuê cơ sở vật chất, thí điểm cổ phần hóa trên nguyên tắc bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn”.

Cần là rõ mục tiêu: lợi nhuận hay phi lợi nhuận?

Trên thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển như Mỹ và Anh, những đại học tư thục có chất lượng nhất là các trường danh giá như Harvard, Princeton, Stanford hay Oxford, Cambridge đều là không vì lợi nhuận. Đại học Harvard có nguồn tài chính hơn 32 tỷ USD; Đại học Princeton và Đại học Stanford hơn 18 tỷ USD; Đại học Cambridge và Đại học Oxford hơn 7 tỷ USD, chủ yếu do các doanh nghiệp, cựu sinh viên và những mạnh thường quân đóng góp. Mặc dù họ rất giàu có và nguồn tài chính khổng lồ của họ được giao cho những công ty quản lý quỹ rất chuyên nghiệp đầu tư lấy lãi cho trường, nhưng không cá nhân nào được chia lợi nhuận, cổ tức và số tiền lãi đó được sử dụng để vận hành và phát triển trường.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, cả về mặt pháp lý lẫn trong thực tiễn, các trường đại học tư đang được đối xử và đang hành xử giống như một doanh nghiệp. Điều lệ Trường Đại học hiện hành quy định Hội đồng Quản trị của các đại học tư là những người góp cổ phần, điều này đã biến các trường tư trở thành các doanh nghiệp vì lợi nhuận và khó lòng tránh khỏi xu hướng thương mại hóa giáo dục. Dưới áp lực của lợi nhuận, rất dễ nảy sinh những xu hướng không lành mạnh. Tất nhiên, cũng có những trường tư tìm cách nâng cao chất lượng như một sự đầu tư dài hạn, nhưng thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước, những nỗ lực đó chưa mang lại hiệu quả đáng kể.

Vì vậy, rất cần phân biệt và có khuôn khổ pháp lý khác nhau cho trường tư vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Không có một hành lang pháp lý cho các trường không vì lợi nhuận, chúng ta đã đẩy giáo dục đại học tư vào khu vực thị trường. Thị trường thì vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận. Điều này không phải lúc nào cũng có lợi cho lợi ích công của xã hội.

Trong khoản 3, Điều 12 của Luật Giáo dục Đại học 2012 có nêu rõ “Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học; ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; ưu tiên cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm các điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật; cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục đại học vì mục đích vụ lợi”.

Để thực hiện được quy định trên, cần phải khẳng định rõ, xã hội hóa giáo dục và tư nhân hóa giáo dục đại học là hai vấn đề khác nhau tuy có mối quan hệ. Tư nhân hóa là vấn đề quyền sở hữu. Xã hội hóa thực chất là vấn đề tham gia của các lực lượng xã hội khác nhau mà không nhất thiết gắn với vấn đề sở hữu. Sự tham gia của tư nhân là một biểu hiện mạnh mẽ của xã hội hóa giáo dục, nhưng nó không nhất thiết chỉ gắn với tư nhân hóa, thị trường hóa.

Gắn quy định với trường hợp của Đại học An Giang, khi Tập đoàn Sao Mai muốn tham gia đầu tư vào Trường theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, cần làm rõ mục tiêu lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Đây là vấn đề cốt lõi, bởi nếu doanh nghiệp tham gia xây dựng trường với mục tiêu lợi nhuận thì vấn đề lợi nhuận sẽ luôn được đặt lên hàng đầu, còn với mục tiêu phi lợi nhuận thì vấn đề chất lượng đào tạo mới được đặt lên hàng đầu.

Xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa đại học không phải là mở cửa đại học cho tha hồ kinh doanh làm giàu, mà là làm cho đại học có thể đến được với mọi người, làm cho mọi người trong xã hội được bình đẳng về cơ hội có giáo dục đại học./.