Tính đến 23/9/2015 đã có tới 98% doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử ổn định

Mới cắt giảm trên giấy tờ

Tại một hội thảo đánh giá về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mới diễn ra gần đây, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, đến nay, sau 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19, thời gian nộp thuế giảm 370 giờ trong năm 2014; 50 giờ trong năm 2015. Tổng thời gian giảm đến tháng 9/2015 là 420 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm, tương đương giảm được 78% số giờ thực tế.

Kết quả này vượt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 19 là đến hết năm 2015 mục tiêu là giảm còn 121,5 giờ/năm. Đồng thời, tính đến 23/9/2015 đã có tới 98% doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử ổn định.

Tổng cục Thuế đã phối hợp với 33 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến nay đã có 84% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử và 71,3% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.

“Tuy nhiên, thời gian trên thực tế không giảm được như tính toán theo những thay đổi chính sách của Bộ Tài chính. Doanh nghiệp ghi nhận giảm khoảng 20% thời gian (tương đương khoảng 110 giờ)”, bà Thảo cho biết.

Nói thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung cho hay, Chỉ số nộp thuế trong đó gồm số giờ nộp thuế và số giờ làm thủ tục bảo hiểm xã hội. Thủ tục bảo hiểm xã hội tùy theo giấy tờ mới giảm được 100 giờ, nhưng thời gian thực tế làm thủ tục của doanh nghiệp lại không giảm được gì, nhiều trường hợp còn mất thời gian và công sức hơn.

Bởi khi ngành bảo hiểm thay đổi với thủ tục mới, tờ khai mới, nhìn thì thấy giảm được số giờ thực hiện, nhưng họ không hướng dẫn. Vì thế doanh nghiệp không biết, vẫn làm theo thủ tục cũ hồ sơ cũ. Khi đến nộp, cơ quan bảo hiểm không chấp nhận và doanh nghiệp làm lại theo thủ tục mới.

“Khi doanh nghiệp làm xong, đến nộp lại thì lại phải giải trình “vì sao nộp chậm” và bị phạt nộp chậm. Trường hợp này, lỗi không phải từ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp lại trở thành có lỗi”, ông Cung chỉ rõ.

Doanh nghiệp chưa thật sự tin chính sách

Nguyên nhân là do tính toán của Bộ Tài chính dựa trên sửa đổi của văn bản chính sách. Song, có những chính sách thay đổi không đồng bộ.

Đã vậy, tâm lý doanh nghiệp chưa thật sự tin vào những cải cách này, do đó, dù thủ tục đã được cắt bỏ, nhưng doanh nghiệp vẫn thực hiện.

Công tác tổ chức thực hiện ở địa phương không thay đổi tốt như chính sách. Thậm chí, trong cùng một đơn vị, các bộ phận yêu cầu trùng lắp về hồ sơ. Cộng vào đó là sự ứng dụng công nghệ thông tin thay đổi chậm hơn so với thay đổi của chính sách.

“Có thể chính sách thay đổi tốt, nhưng thực hiện thì chưa tốt”, bà Thảo cho hay. Ví dụ giấy ủy quyền yêu cầu ở tất cả các khâu của thuế. Ứng dụng thông tin chậm hơn chính sách. Hoàn thuế chậm do phải chờ tiền từ Quỹ hoàn thuế ở Trung ương cấp xuống.

Qua khảo sát của CIEM và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước theo các tiêu chuẩn Nghị quyết 19, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết: Dù có thay đổi song nhiều thủ tục, cơ chế vẫn còn bị “chê” vướng mắc.

Theo ông Cung, có sự không đồng đều trong thực hiện các chỉ số giữa các bộ, ngành, cũng như các địa phương.

Ttrong các chỉ số cải cách, có lĩnh vực thuế, bảo hiểm là thay đổi nhanh còn lại các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, liên kết bộ ngành trong giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp vẫn bị đánh giá rất chậm chạp, thậm chí không chuyển biến.

Ví dụ, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới liên quan tới 11 bộ. Dưới các bộ là các vụ, cục, tổng cục, các cơ quan khác nhau đếm ra tới khoảng 30 đơn vị.

“Vậy để cải thiện chỉ số này thì buộc 30 đơn vị, và 11 bộ cùng phải chuyển động, cả bộ máy phải cùng ý thức vận hành đồng bộ với sự phối hợp cùng cải cách. Điều này rất khó”, ông Cung chia sẻ.

Đặc biệt, những nhóm quy định và thủ tục ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp là những quy định về điều kiện kinh doanh, nộp thuế và xuất nhập khẩu.

Tập hợp và đánh giá sơ bộ các quy định pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh cho thấy, đang có quá nhiều quy định, lại phân tán, dàn trải trong rất nhiều các văn bản khác nhau.

Và có thể rút ra đặc điểm “tám không” của tập hợp các quy định đó: không rõ ràng, không đầy đủ, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu trước được và không hiệu quả, không hiệu lực.

“Các quy định đó đã tăng thêm rủi ro, tăng thêm chi phí và hạn chế đáng kể quyền tiếp cận cơ hội kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”, người đứng đầu CIEM thẳng thắn.

Doanh nghiệp và cơ quản quản lý chưa hiểu nhau

Trong bối cảnh đó, điều đáng buồn là doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự thông cảm và chia sẻ với nhau, đang có một khoảng cách ngày càng xa giữa họ.

“Có những chỗ cần phản biện, tôi thấy giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước như đứng ở hai chiến tuyến khác nhau, nói hai thứ ngôn ngữ khác nhau”, ông Cung chia sẻ.

Cơ quan nhà nước nói doanh nghiệp không hiểu, doanh nghiệp nói có vẻ cơ quan nhà nước cũng chẳng hiểu.

“Có những cuộc họp ngồi với nhau, phát biểu cả chục ý kiến, nhưng rồi chẳng giải quyết được gì và các bên không ai hiểu ai…”, ông Cung cho biết.

Vì thế, theo TS. Trần Hữu Huỳnh, Trung tâm Trọng tài thương mại, thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị quyết 19 là vô nghĩa nếu không có sự thực hiện nghiêm túc.

“Muốn cải thiện môi trường kinh doanh bắt buộc phải thay đổi cách thức quản lý, con người, cơ chế điều hành đi. Nếu doanh nghiệp nói mãi, cơ quan quản lý không nghe, không sửa thì họ sẽ không góp ý nữa đâu”, ông Huỳnh thẳng thắn./.