Nền nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn chỉ đang dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp

Tăng trưởng 9 tháng đầu năm giảm thấp

Những năm gần đây, khi nền kinh tế khó khăn, người ta thường nhắc đến vai trò của nông nghiệp như một nơi trú ẩn an toàn, một “cột trụ” của nền kinh tế. Thế nhưng, trong năm nay, nền nông nghiệp Việt Nam đang bộc lộ những yếu kém, thể hiện qua mức tăng trưởng rất thấp.

Theo báo cáo của đại diện Tổng cục Thống kê tại Hội nghị giao ban của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/09/2015, thì tăng trưởng của nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm rất thấp.

Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 590,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,5% của năm trước.

Trong đó: nông nghiệp đạt 432,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 2,4%; Lâm nghiệp đạt 20,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% (cùng kỳ tăng 6,1%).

Đặc biệt, thủy sản có mức tăng trưởng rất thấp, chỉ đạt 137,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2%, trong khi đó năm 2014, thủy sản có mức trưởng tới 6,5%.

Nguyên nhân khiến chỉ số sản xuất nông, lâm và thủy sản đạt thấp là do xuất khẩu nông, thủy sản đang gặp nhiều khó khăn.

Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo và hơn 1,7 triệu tấn cà phê, thì năm 2014 chỉ xuất 6,38 triệu tấn gạo và 1,65 triệu tấn cà phê. Giá gạo và cà phê đều gần như thấp nhất so với các nước xuất khẩu lớn ở ngành hàng này.

9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 4,7 tỷ USD, giảm 17,1% về kim ngạch. Các mặt hàng nông sản chủ lực cũng có sự sụt giảm về cả lượng và kim ngạch.

Cụ thể, gạo chỉ đạt 4,5 triệu tấn, giảm 8,7% về lượng và giảm 14,4% về kim ngạch; cà phê đạt 969 nghìn tấn, giảm 30,5% về lượng và giảm 31,6% về kim ngạch; cao su đạt 760 nghìn tấn, tăng 9,5% về lượng, nhưng lại giảm 17,1% về kim ngạch.

Nhiều mối lo

Chưa có số liệu tổng sản phẩm trong nước - GDP quý III/2015, nhưng tính trong GDP 6 tháng đầu năm nay, thì mức đóng góp của nông nghiệp cũng rất thấp.

Mặc dù GDP đã tăng cao nhất (tăng 6,28%) so với cùng kỳ từ năm 2010, nhưng khu vực nông nghiệp chỉ tăng 2,36%, đóng góp có 0,42 điểm phần trăm.

Tăng trưởng nông nghiệp 9 tháng đầu năm nay tụt giảm với tốc độ tăng thấp, đóng góp ít vào tăng trưởng GDP cho thấy, khu vực này đang bị lạc hậu, thụt lùi.

Về lượng, nông nghiệp có thể vẫn duy trì khá tốt tốc độ tăng trưởng nhưng giá trị của ngành này đang kém đi rõ rệt.

Tất nhiên, sẽ có nhiều người cho rằng, một đất nước với chủ trương đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tất yếu tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp vào GDP phải giảm đi.

Nhưng rõ ràng, đến thời điểm này, các lĩnh vực được coi là trọng yếu, là chiến lược, như: công nghiệp, chế biến, chế tạo… chưa tạo nhiều giá trị gia tăng cao của Việt Nam, mà nông nghiệp lại tụt và tốc độ tăng thấp thì cơ cấu tăng trưởng của nền kinh tế đang rất đáng lo ngại.

Tăng trưởng nông nghiệp sụt giảm, thì hệ quả chắc chắn là nền nông nghiệp ấy bấp bênh, đời sống người nông dân không thể khấm khá.

Vì đâu nên nỗi?

Nguyên nhân của tình trạng này là do nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng vào công nghệ sản xuất, không đầu tư đúng mức cho công nghệ sau thu hoạch như bảo quản, chế biến, làm thương hiệu, xúc tiến thương mại…

Từ lâu chúng ta chú trọng tăng về lượng trong nông nghiệp nhưng chưa chú trọng về chất, nên khi bối cảnh của nền kinh tế, thị trường thay đổi, lĩnh vực nông nghiệp đã trở tay không kịp, ngày càng có xu hướng đi xuống.

Vì vậy, nông nghiệp nước ta vẫn chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, chưa xây dựng được chuỗi cung ứng nông sản chuyên nghiệp, chưa tạo được chuỗi giá trị cao.

Trả lời trên báo Dân Việt, ngày 30/6/2015, ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban chính sách phát triển nông thôn, CIEM cho rằng, yếu kém nhất của một nền nông nghiệp hiện nay, theo ông Khải đó là do nền nông nghiệp chỉ đang dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp.

Sự hình thành và phát triển của phương thức tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp còn chậm; chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản thấp đi trông thấy.. .

Chất lượng hàng nông sản xuất khẩu bao năm nay không khá lên được nên không bán được vào các thị trường có giá bán cao. Quy hoạch tổ chức sản xuất nông nghiệp không hiệu quả nên khi thị trường biến động, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn ngay.

Thực tế là nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn đang không biết bấu víu vào đâu, làm gì cũng thấy khó, không biết cái gì nên làm trước, cái gì nên làm sau để mà tháo gỡ khó khăn cho khu vực này?

Ông Khải cũng thẳng thắn mà rằng: “Chúng ta đã nói nhiều đến “tầm nhìn, chiến lược” cho khu vực này nhưng cảm nhận của tôi là dường như mọi thứ vẫn còn nằm trên giấy và rất lúng túng. Chúng ta đã nghe quá nhiều “sự quan tâm” song chính sách nào, chủ trương nào để vực dậy nông nghiệp, nông thôn thì lại không cụ thể. Phải có giải pháp mang tính đột phá, giải quyết được tận gốc rễ thì tăng trưởng của khu vực này mới có thể được cải thiện...”./.