Mối lo khi ARV không còn được viện trợ

Tính đến tháng 6/2015, trên toàn quốc có gần 91.000 người lớn và 5.000 trẻ em nhiễm HIV đang điều trị bằng ARV; có 312 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS tại các tuyến trung ương, tỉnh và quận/huyện; 526 xã, phường đang thực hiện cấp thuốc ARV tại xã.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, trung bình mỗi tháng sẽ có thêm hơn 1.000 bệnh nhân AIDS cần điều trị ARV. Tuy số người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận điều trị ARV mới chiếm khoảng 40% số người nhiễm HIV, nhưng ARV đã làm giảm đáng kể số người tử vong do HIV/AIDS và đem lại sức khỏe, sự ổn định cho người nhiễm HIV, gia đình và cộng đồng.

Việc tiếp cận sớm và tuân thủ điều trị ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất để tiến tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS và năm 2030 nghĩa là khi đó HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và mỗi gia đình và người dân.

Chi phí ước tính cho một bệnh nhân điều trị bằng ARV hiện nay khoảng 10.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân HIV phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, việc chi trả 300.000 đồng/tháng cho thuốc ARV đã là một khoản tiền quá lớn. Phần lớn kinh phí điều trị ARV là từ nước ngoài, trong đó tổ chức PEPAR (Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Mỹ tại Việt Nam) hỗ trợ tới 62%; hơn 30% từ quỹ toàn cầu, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng gần 10%.

Điều đáng nói, theo lộ trình, các nguồn tài trợ quốc tế cho việc mua thuốc ARV đang giảm dần và tiến tới kết thúc hoàn toàn vào năm 2017. Trong khi đó, nguồn kinh phí chương trình Mục tiêu quốc gia cho phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm. Cụ thể, ngân sách dành cho năm 2013 là 245 tỷ đồng thì năm nay chỉ còn 83 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với mục tiêu bảo hiểm toàn dân, từ ngày 15/8/2015, theo Thông tư số 15/2015/TT-BYT, ngày 26/6/2015 Hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch y tế liên quan đến HIV/AIDS, nhiều dịch vụ y tế đối với người nhiễm HIV trước đây được miễn phí thì nay sẽ do bảo hiểm y tế chi trả. Tức là, thuốc ARV và các xét nghiệm liên quan đã được đưa vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế, nếu không có thẻ bảo hiểm y tế thực sự sẽ là một gánh nặng về chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Thiếu thuốc ARV, nguy cơ lây nhiễm của những người mang bệnh ra cộng đồng cực kỳ cao. Người nhiễm HIV không được điều trị ARV liên tục, sẽ chết, hoặc bị kháng thuốc khiến việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn, chi phí điều trị tăng theo. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nhiều vấn đề xã hội khác.

Việc cắt giảm kinh phí trước mắt đã khiến hoạt động thông tin giáo dục truyền thông giảm theo và hậu quả là nhận thức của người dân về bệnh không cao. Các dịch vụ về can thiệp giảm tác hại như phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cũng có thể không tăng trong những năm tới do không đủ kinh phí.

Thuốc ARV - "thần dược" cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

Đi tìm lời giải cho bài toán khó

Vào tháng 10/2014, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới khởi động chương trình hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 do Liên hợp quốc khởi xướng gồm: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV- thuốc kháng vi-rút; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định hay còn được gọi tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.

Điều này đồng nghĩa với việc, dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về mặt kinh phí trong việc cung cấp thuốc ARV cho người bệnh, nhưng Việt Nam sẽ quyết tâm thực hiện được mục tiêu kết thúc dịch HIV vào năm 2030.

Tuy nhiên, làm thế nào để đại dịch HIV/AIDS không bùng phát trở lại trong khi nguồn kinh phí đầu tư đang bị cắt giảm là một bài toán khó đặt ra đối với những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS.

Để đối phó với nguy cơ này, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ một số các giải pháp đảm bảo duy trì thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu dựa vào kinh phí trong nước. Trước mắt, giải pháp tối ưu nhất trong thời gian ngắn hạn là Nhà nước cần tăng chi ngân sách hằng năm để mua thuốc ARV. Điều này giúp các công tác dự phòng, xét nghiệm để phát hiện người nhiễm HIV, khi đó người nhiễm sẽ được điều trị, làm giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc do họ được điều trị liên tục... Đại dịch HIV/AIDS sẽ không bùng phát trở lại, không gây tác động to lớn đến sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, vẫn cần triển khai giải pháp dài hạn là xây dựng các cơ chế phù hợp với chính sách chi trả cho thuốc ARV từ bảo hiểm y tế, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm. Giải pháp thu phí dịch vụ điều trị ARV của người bệnh là khó khả thi vì hầu hết người bệnh HIV/AIDS là những người nghèo, không có khả năng chi trả dù chi phí cho phác đồ giai đoạn 1 chỉ khoảng 10.000 đồng/ngày/người. Với các giai đoạn điều trị muộn hơn (theo phác đồ 2 trở đi), chi phí sẽ tăng từ 5 - 10 lần càng gây khó khăn trong việc chi trả. Hơn nữa, thu phí dịch vụ sẽ dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, tăng tỷ lệ HIV kháng thuốc và tăng chi phí điều trị ARV.

Bộ Y tế đã xây dựng Đề án Huy động nguồn lực phòng, chống AIDS, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị ARV, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các dịch vụ điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV. Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phải tích cực tìm kiếm, huy động nguồn lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thông qua 5 nguồn lực chính: Ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế người dân tự chi trả, hỗ trợ của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước và qua các quỹ hỗ trợ khác./.