Theo Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới công bố sáng 5/9, dự kiến tăng trưởng sẽ đạt trên 6% trong năm 2015 nhờ cầu trong nước mạnh do tăng trưởng tiêu dùng cá nhân và đầu tư. Mặc dù chính sách tiền tệ mở rộng nhưng lạm phát vẫn sẽ thấp do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài và giá năng lượng và giá lương thực thấp.

Tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm. Nghèo cùng cực (mức 1,90 USD/ngày) sẽ giảm từ 2,8% năm 2012 xuống còn 1% năm 2017, trong khi tỷ lệ dân số sống dưới mức 3,10 USD/ngày sẽ giảm từ 12,3% năm 2012 xuống còn 6,7% năm 2017.

Nền kinh tế phục hồi cùng với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giúp tiếp tục giảm nghèo, nhưng nông nghiệp tăng trưởng chậm hơn nên sẽ ảnh hưởng tới thu nhập khu vực nông thôn và làm tăng khoảng cách thu nhập nông thôn - thành thị. Dự kiến các đối tượng dân tộc thiểu số sẽ ngày càng chiếm tỉ trọng cao hơn trong số người nghèo.

Bên cạnh những mặt tích cực, Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra, tiến bộ trong quá trình tái cơ cấu của Việt Nam không đồng đều, nhất là trong ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia phân tích độc lập đều nhất trí rằng cần đẩy nhanh tái cơ cấu thì mới có thể đạt mức tăng trưởng gần 7% và thực hiện tham vọng trở thành một nước hiện đại, công nghiệp hoá của Việt Nam.

Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (thoái vốn nhà nước) đã chậm lại trong năm 2015. Hoạt động củng cố ngành ngân hàng (sát nhập và mua bán ngân hàng thương mại) đã tăng tốc trong nửa đầu năm 2015 nhưng nợ xấu vẫn là một vấn đề lớn. Thiếu nguồn tài chính, năng lực chuyên môn thấp, không có khung pháp lý phù hợp vẫn là những yếu tố cản trở Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) thực hiện giải quyết nợ xấu.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng bày tỏ quan ngại khi Việt Nam chưa tạo ra một sân chơi công bằng và bình đẳng cho các doanh nghiệp, để các nhà đầu tư có vị thế như nhau trên thị trường Việt Nam./.