Mặc dù khó có thể phủ nhận tiềm năng cũng như thực tế đạt được về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng do xuất phát điểm thấp nên so với các quốc gia cùng khu vực, vị thế kinh tế của Việt Nam đến nay vẫn hết sức khiêm tốn.

Nhìn vào Bảng có thể thấy, trong giai đoạn 1994-2014, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, từ mức thấp nhất với 380 USD/người vào năm 1994 lên tới mức cao nhất là gần 1.078 USD/người vào năm 2014. GDP bình quân đầu người trung bình hàng năm của Việt Nam giai đoạn này đạt 690 USD/người. So với các nước trong khu vực ASEAN, như: Thái Lan, Indonesia và Malaysia, thì con số này của Việt Nam khá thấp, tuy nhiên tốc độ tăng GDP bình quân đầu người lại tương đối cao. Thêm vào đó, Việt Nam là nước duy nhất trong nhóm 4 quốc gia thuộc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có tốc độ tăng GDP bình quân đầu người luôn dương trong giai đoạn 1994-2014. Cụ thể, tốc độ tăng GDP bình quân đầu người của Việt Nam nhỏ nhất là 3,2% (năm 1999) và lớn nhất đạt 7,8% (năm 1995).

Trong giai đoạn này, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng trong hội nhập với việc gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995 và chính thức tham gia Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) năm 2006.

Năm 1995, tốc độ tăng GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt mức cao nhất (7,8%) trong cả giai đoạn, tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với Thái Lan (8,3%). Từ năm 1996 trở đi, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam hầu hết giữ vị trí cao nhất so với 3 quốc gia còn lại. Tốc độ tăng GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 1994-2014 dù có nhiều biến động, nhưng GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng liên tục qua các năm.

Hình 1: Tăng trưởng GDP bình quân đầu người so với năm gốc 1994
của các nước giai đoạn 1994-2014

Hình 1 cho ta một cái nhìn cụ thể hơn về tăng trưởng GDP trên đầu người của sản lượng nền kinh tế (tính qua GDP hiện hành, sử dụng đơn vị tiền tệ quốc tế USD) Việt Nam so với một số nước trong khu vực. Khi quy đổi GDP bình quân đầu người năm 1994 của tất cả các nước về giá trị 100 đơn vị ở điểm xuất phát – tức là theo cách thức quy đổi chỉ số (index), rồi so sánh mức thay đổi GDP bình quân qua các năm – chúng ta không khó nhận thấy xu hướng chung về sự gia tăng GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 1994-2014 của nhóm 4 quốc gia thuộc AEC.

Đáng chú ý là, trong khi GDP bình quân đầu người của các nước lân cận cho thấy việc chịu áp lực suy giảm vào những năm liền kề năm bùng nổ các cuộc khủng hoảng lớn (tức là năm 1998, 2001 và 2009), thì sản lượng của nền kinh tế Việt Nam – được quy đổi trên đầu người, sử dụng cùng đơn vị giá trị tính toán USD – vẫn ở trong xu thế tăng trong suốt giai đoạn.

Sở dĩ có sự sụt giảm trong tốc độ tăng trưởng GDP của một số nước khu vực ASEAN là do bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực: khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, suy thoái kinh tế Hoa Kỳ dot-com năm 2000, và khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới bùng phát năm 2008.

Trong Hình 2, vài mốc thời gian liên quan tới các cuộc khủng hoảng được gắn với các yếu tố bao trùm xác định kích thước nền kinh tế (có thể xem như các tọa độ): tốc độ tăng trưởng, dân số và sản lượng/đầu người. Có thể thấy ngay sự co cụm của các điểm dữ liệu đo từ nền kinh tế Việt Nam ở mức tăng trưởng cao (nhất), sản lượng/đầu người thấp nhất và quy mô dân số chỉ sau Indonesia.

Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này tới nền kinh tế được biểu hiện thông qua tốc độ tăng trưởng âm năm 1998 của GDP bình quân đầu người các nước Malaysia (-9,6%), Thái Lan (-11,5%), Indonesia (-14,4%). Mặc dù con số GDP bình quân đầu người ở mức thấp so với các nước trong khu vực, dao động từ 489,06 USD đến 1.077,91 USD, Việt Nam vẫn là nước duy nhất có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người dương trong cả ba cuộc khủng hoảng. Cụ thể, tốc độ tăng GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 1998, 2001, 2009 lần lượt là 4,15%, 4,85% và 4,29%. Chính nhờ đà tăng trưởng đó mà hiện nay, Việt Nam vẫn dẫn đầu nhóm 4 nước ASEAN xét về tốc độ tăng GDP bình quân đầu người (4,79%).

Hình 2: Tương quan GDP/người, tốc độ tăng trưởng và quy mô dân số
của Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia
trong các năm 1998, 2001, 2009 và 2014

Rõ ràng, việc phấn đấu đạt sản lượng kinh tế với quy mô gần 200 tỷ USD trong năm 2015 của Việt Nam phần lớn nhờ vào khả năng duy trì tăng trưởng khá ổn định trong thời kỳ dài 20 năm. Đặc biệt, việc tránh được các ảnh hưởng tiêu cực từ những cuộc khủng hoảng đã khiến kinh tế Việt Nam phục hồi tương đối nhanh chóng sau những giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và khu vực.

Mặc dù vậy, còn rất nhiều những thách thức Việt Nam cần vượt qua trong nỗ lực cải thiện quy mô GDP bình quân đầu người (mới chỉ đạt khoảng 1/3 Thái Lan, và bằng 1/7 Malaysia trong năm 2014, mặc dù dân số lớn hơn hẳn). Trong đó, cải thiện cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu tư các ngành nghề có giá trị gia tăng cao, nâng cao tay nghề và trình độ lao động, công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nhằm củng cố năng lực cạnh tranh là những bước đi thiết yếu để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bền vững.

Qua so sánh về GDP bình quân đầu người giữa 4 nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), có thể thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn có cơ hội để “cất tiếng”. Đối với các quốc gia có xuất phát điểm mang nhiều hạn chế về quy mô, rõ ràng chưa thể bỏ qua mục tiêu tăng trưởng trong nghị sự, mặc dù ngày càng có nhiều tiếng nói bảo vệ việc chú trọng hơn vào chất lượng tăng trưởng. Trên thực tế, quy mô vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu, ít nhất cho tới khi sinh lực kinh tế đã tích lũy để có được tiếng gầm “đĩnh đạc”./.

Đỗ Thị Thu Hằng
Trần Ngọc Vân
Vuong & Associates

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 18/2015)