Trong số 12 thành viên tham gia đàm phán TPP, thì có 4 nước có nền công nghiệp ô tô lớn nhất là: Nhật Bản, Mỹ, Canada và Mexico. Theo thỏa thuận đã đạt của 4 quốc gia này, ô tô sẽ được miễn thuế nhập khẩu phải có ít nhất 45% linh kiện sản xuất nội khối TPP.

Nói cách khác thì sản phẩm ô tô khi xuất khẩu vào các nước thành viên TPP, nếu đạt hàm lượng sản xuất tại các nước nội khối TPP theo thỏa thuận trên, thì sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan. Như vậy, họ sẽ coi một chiếc xe là sản xuất nội khối, nếu các thành phần chính được làm tại một trong 12 nước TPP. Còn các linh kiện nhỏ vẫn có thể được lấy từ bên ngoài.

Với thoả thuận này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành nhà cung cấp linh, phụ kiện cho các nhà sản xuất ô tô trong khối TPP.

Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan, nước không phải thành viên TPP, nhưng lại là nước cung cấp linh kiện ô tô rất lớn cho các hãng ô tô Nhật Bản. Do vậy, thời gian tới, nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi đáng kể trong chuỗi cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản.

Không chỉ vậy, cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô “cất cánh” khi tham gia TPP là rất khả quan. Theo số liệu của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2015, tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam vào khoảng 460.000 xe/năm, phần lớn mới dừng ở lắp ráp giản đơn (Thái Lan là 2,1 triệu xe; Indonesia, Malaysia cũng đạt trên 2 triệu xe/năm), trong đó xe con tỷ lệ nội địa hóa của Thaco đạt 15%-18%; Toyota Việt Nam đạt 37% (riêng cho dòng xe Innova). Với xe tải nhẹ, tỷ lệ nội địa hóa của Thaco đạt 33%, Vinaxuki đạt 50%. Với một năng lực sản xuất, lắp ráp như hiện nay, thì ngành công nghiêp hỗ trợ ô tô sẽ không thể phát triển được. Như vậy, có thể thấy rằng, việc tham gia TPP sẽ góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, mở rộng quy mô sản xuất từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển.

Ngoài ra, theo cam kết tại TPP, nhiều khả năng mức thuế nhập khẩu giữa các nước trong khối sẽ giảm về 0%. Cùng với các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á Âu (AFTA), Việt Nam sẽ mở cửa thị trường mạnh mẽ cho hầu hết các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển hàng đầu trên thế giới, như: Đức, Anh, Pháp, Ý (thành viên EU), Mỹ, Nhật Bản... (thành viên TPP), Thái Lan, Indonesia ( thành viên AFTA) và Hàn Quốc. Trong khi đó, theo mức thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước, như: Nhật Bản, Mỹ, EU về Việt Nam ở mức 70%. Khi về đến Việt Nam, tính thêm nhiều khoản thuế phí, giá xe Việt Nam có thể “đội giá” lên tới 1-2 lần. Về nguyên tắc, nếu thuế nhập khẩu giảm, giá xe kỳ vọng sẽ giảm theo, giúp người tiêu dùng có cơ hội mua xe với mức giá phù hợp hơn.

Tuy nhiên, việc thuế nhập khẩu dần về mức 0% cũng sẽ là một thách thức không nhỏ đối với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô của Việt Nam. Bởi nếu không chứng minh được tỷ lệ linh phụ kiện đạt 45% có xuất xứ nội khối, Việt Nam chỉ còn cách nhập khẩu từ các nước để được giảm thuế.

Ở góc độ khác, quá trình hội nhập này có thể mang đến những thách thức không nhỏ, đặc biệt với các nhà sản xuất trong nước. Ông Nguyễn Mạnh Quân - nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho rằng, trong khi Việt Nam đang đàm phán hiệp định TPP, lộ trình cắt giảm thuế quan đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên ASEAN và ASEAN + 3 (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) sẽ giảm rất nhanh và đến năm 2018, mức phổ biến sẽ là 5%, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với xe nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN là 0%. Vì vậy, với tỷ lệ nội địa hóa ở mức thấp như hiện nay, Việt Nam có thể sẽ trở thành thị trường tiêu thụ xe ôtô của các doanh nghiệp nước ngoài.

Tham khảo từ các nguồn:

1. Hồng Quân (2015). Việt Nam đạt được thỏa thuận đàm phán TPP về ôtô: Dân hồi hộp chờ ôtô giảm giá, truy cập từ http://laodong.com.vn/kinh-doanh/viet-nam-dat-duoc-thoa-thuan-dam-phan-tpp-ve-oto-dan-hoi-hop-cho-oto-giam-gia-383548.bld

2. Thanh Hương (2015). Tia sáng cho công nghiệp ôtô nếu TPP thành công, truy cập từ http://baodautu.vn/tia-sang-tpp-cho-cong-nghiep-o-to-d30810.html