“Buông” 10 doanh nghiệp tầm cỡ

Tại Công văn số 1787/TTg-ĐMDN, ngày 8/10/2015 về đề án tái cơ cấu SCIC, Thủ tướng yêu cầu, SCIC chỉ tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp: 1- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư SCIC (SIC); 2- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác và chế biến đá An Giang; 3- Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng Việt Lào; 4- Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Việt SCIC; 5- Tập đoàn Bảo Việt; 6- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền; 7- Công ty cổ phần TRAPHACO; 8- Công ty cổ phần Dược Hậu Giang; 9- Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc thoái vốn tại Vinamilk và 9 doanh nghiệp khác phải "đạt được lợi ích cao nhất".

Tính theo thị giá cổ phiếu ngày 13/10, vốn hóa thị trường của 10 doanh nghiệp này khoảng 7 tỷ USD, riêng phần SCIC đang sở hữu có giá trị khoảng gần 3 tỷ USD.

Theo ước tính, 45,1% vốn nhà nước mà SCIC đang nắm giữ tại Vinamilk hiện có giá thị trường khoảng 55.200 tỷ đồng, tương đương 2,46 tỷ USD.

Vinamilk được xem là "con gà đẻ trứng vàng" cho SCIC khi tạo ra lợi nhuận trên sàn chứng khoán với mức lãi hơn 7.600 tỷ đồng năm 2014 và 4.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015

Tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ tại 10 doanh nghiệp

STT

Tên doanh nghiệp

Tỷ lệ % Nhà nước đang nắm giữ

1

Tổng công ty cổ phần Bảo Minh

50,7

2

Tổng công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam

40,4

3

Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang

46,6

4

Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong

37,1

5

Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam

47,6

6

Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh

38,4

7

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam

45,1

8

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang

49,9

9

Công ty cổ phần FPT

6

10

Công ty cổ phần Viễn thông FPT

50,2

Sẽ có thặng dư hàng nghìn tỷ đồng?

Nếu tái cơ cấu thành công danh mục đâu tư trên, Nhà nước có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách. Tuy nhiên với SCIC, đơn vị này cũng sẽ mất đi khoản cổ tức hằng năm hàng nghìn tỷ từ các ông lớn, như: Vinamilk, FPT, FPT Telecom...

Bởi lẽ, trong các mã cổ phiếu trên, không ít cổ phiếu đang là “ngôi sao” của thị trường chứng khoán. Đơn cử, Vinamilk hiện có vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng (1,2 tỷ cổ phiếu), trong đó phần vốn nhà nước khoảng 5.400 tỷ đồng (45,1% vốn điều lệ), tương đương 540 triệu cổ phiếu (tính theo mệnh giá 10.000 đồng).

Nếu tính giá mỗi cổ phiếu Vinamilk là 106.000 đồng (ngày 14/10), thì giá trị cổ phiếu mà nhà nước nắm giữ lên tới 57.240 tỉ đồng.

Như vậy, sau khi bán thành công số cổ phiếu của mình tại Vinamilk, Nhà nước sẽ có được thặng dư vốn cổ phần hơn 10 lần so với số vốn đang nắm giữ tại doanh nghiệp này.

Tương tự, với trường hợp của FPT. Dù chỉ nắm giữ 6%, nhưng do DN này có vốn điều lệ 3.975 tỉ đồng nên phần vốn của nhà nước tại FPT hơn 238 tỷ đồng (tương đương 23,8 triệu cổ phiếu, tính theo mệnh giá 10.000 đồng ).

Với giá cổ phiếu FPT gần đây giao dịch xoay quanh 45.000 đồng/cổ phiếu, thì giá trị vốn hóa thị trường của số cổ phiếu mà Nhà nước nắm giữ lên tới trên 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, do thị giá cổ phiếu BMI, VNR, NPT, BMP, HGM, SGC, FTC… hiện gấp 2-5 lần mệnh giá nên nếu bán hết các mã cổ phiếu này, Nhà nước cũng thu về hàng ngàn tỉ đồng thặng dư vốn.

Nguồn vốn đó sẽ đi đâu?

Ngày 14/10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Tân - Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính - cho biết, chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, cụ thể là cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước là chủ trương lớn, Chính phủ có văn bản chấp thuận thoái vốn 10 doanh nghiệp như công bố chỉ là một trong những việc nhằm cụ thể hóa chủ trương này.

Trả lời câu hỏi liệu có phải do ngân sách khó khăn mà Chính phủ quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp này, ông Tân cho hay không hẳn như vậy.

“Chủ trương thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước đã có từ lâu. Tại các phiên họp Chính phủ, việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cũng được bàn và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt”, ông Tân khẳng định.

Cũng theo ông Tân, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính bổ sung kinh phí từ năm 2015 cho chương trình nông thôn mới từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính phải huy động các nguồn, trong đó có nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp để bổ sung tăng đầu tư phát triển trong trung hạn, đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư cấp thiết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn số vốn cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực y tế.

“Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra hồi giữa năm, Thủ tướng Chính phủ cũng nói, tại sao dân ta cứ phải sang khám chữa bệnh tại Singapore. Nếu chúng ta đầu tư sáu bệnh viện với số vốn 5.000-6.000 tỷ đồng một bệnh viện thì tổng số vốn đầu tư là 30.000-35.000 tỷ đồng. Hy vọng số vốn thoái từ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sẽ dùng để tạo cú hích cho lĩnh vực y tế. Nếu tập trung nguồn lực để đầu tư, tới đây sẽ có chuỗi bệnh viện có quy mô và chất lượng đạt tiêu chuẩn khu vực, chưa kể một số dự án hạ tầng giao thông cũng đang thiếu vốn đối ứng để triển khai”, ông Tân cho hay.

Nhận định về động thái này của Chính phủ, các chuyên gia kinh tế đều đánh giá, đây là bước đi đúng đắn nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa đang trì trệ.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Đăng Doanh SCIC, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thì cần có phương án cụ thể trong việc thoái vốn nhà nước, trong đó quy định chi tiết đối tượng mua cổ phiếu, nguồn gốc dòng tiền, phương thức thỏa thuận giá cả…

“Bởi các doanh nghiệp mà Nhà nước thoái vốn đều là những đơn vị nổi tiếng, kinh doanh hiệu quả nên dễ xảy ra tình trạng nhà đầu tư tranh nhau mua cổ phiếu, phát sinh những biểu hiện tư lợi giống như việc nhượng quyền dự án đầu tư mà dư luận quan tâm gần đây”, vị chuyên gia này lưu ý.

Giới chuyên gia cũng cho rằng các doanh nghiệp thoái vốn lần này chủ yếu là ngành sữa, nhựa, bảo hiểm… nên việc thoái vốn tương đối an toàn.

Về việc bán những cổ phần đó cho ai, ông Nguyễn Minh Tân nhấn mạnh, không bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp bằng bất cứ giá nào, mà phải tính toán căn cơ xem bán khi nào, thậm chí bán cho ai để đảm bảo hiệu quả nhất đồng vốn của Nhà nước.

Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJ, nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất có lẽ không phải là giá bán phần vốn tại các doanh nghiệp này, mà là bán cho ai mới quan trọng.

“Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là bán cho ai chứ không phải bán với giá cao. Một khi chọn được đối tác thích hợp kèm theo những thỏa thuận - có thể không được công bố - như đối tác phải đồng hành với doanh nghiệp trong dài hạn chứ không phải đầu tư tài chính... sẽ được Nhà nước ưu tiên lựa chọn”, ông Tuấn nhận định.

Phân tích trường hợp của Vinamilk, vị chuyên gia này cũng cho rằng,nếu Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường sữa với TPP, việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này cho nhà đầu tư nước ngoài là một trong những bước đi nhằm thực hiện cam kết, chưa kể chỉ có nhà đầu tư nước ngoài mới đủ lực để tham gia Vinamilk, do giá trị thoái vốn khá lớn./.