Đạt kết quả tốt về giảm nghèo

Khẳng định giảm nghèo luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Nhà nước ta, Bộ trưởng Chuyền cho biết “đây là chủ trương rất đúng của Đảng và Ban Chấp hành Trung ương đã có một Nghị quyết riêng về công tác an sinh xã hội trong đó lấy mục tiêu giảm nghèo là một trong những mục tiêu phấn đấu để đạt được với thời gian sớm nhất”.

Theo đó, Chính phủ đã triển khai và ban hành nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ người nghèo, ví dụ về thực hiện đất sản xuất, vay vốn, kinh phí đồng bào vùng sâu vùng xa với mức cao để bảo vệ rừng, thoát nghèo bền vững. Hộ nghèo còn được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế toàn bộ mệnh giá, hộ cận nghèo được 70% thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ về giáo dục, nhà ở, nước sạch.

Ngoài ra, còn có Chương trình 30A hỗ trợ 64 huyện nghèo đầu tư hạ tầng thiết yếu, công trình thủy lợi, giao thông phục vụ đời sống dân sinh vùng đồng bào khó khăn, cùng với đó những huyện còn khó khăn cũng hỗ trợ 30 huyện nữa với mức 70% đầu tư cho kết cấu hạ tầng của huyện đó, giúp cho người nghèo phát triển sản xuất và đời sống khá hơn.

“Trong mỗi chương trình Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ và các bộ thực hiện với quyết tâm cao, dành nguồn lực lớn cho các chương trình hỗ trợ này” – Bộ trưởng Chuyền nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời tại Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 18/10

Tiếp tục nâng chuẩn nghèo trong giai đoạn mới

Nói về kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam, Bộ trưởng Chuyền cho biết “theo chuẩn thế giới không chỉ có đủ ăn mà phải có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tối thiểu. Chính vì vậy, chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 Chính phủ đã chỉ đạo và chúng tôi xây dựng chuẩn nghèo đa chiều, vẫn bao gồm mức thu nhập cao hơn mức hiện nay và tính tới việc để người nghèo phải tiếp cận được những dịch vụ cơ bản, như: y tế, giáo dục, nước sạch thông tin…”.

Bên cạnh đó, để xử lý tình trạng nguồn lực quốc gia về giảm nghèo được chia ra thành nhiều chương trình dẫn đến tình trạng nơi không đủ, nơi thì chồng chéo các nguồn lực, Bộ trưởng nhấn mạnh, mỗi ngành phải có trách nhiệm cụ thể trong từng chỉ tiêu giảm nghèo, đồng thời là chuyển từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia nói chung còn 2 chương trình.

Trong đó là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững, như vậy nguồn lực sẽ tập trung hơn vào những đối tượng địa phương còn khó khăn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo./.