Gần 30 năm xuất khẩu: vẫn chưa có thương hiệu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta đang có 4,1 triệu ha đất trồng lúa, trong đó riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 53% diện tích. Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ và Thái Lan, với sản lượng từ 6-8 triệu tấn gạo, mang về kim ngạch 3-3,7 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở nước ta hầu hết là ở quy mô nông hộ nhỏ với hơn 85% số hộ gia đình có quy mô dưới 0,5ha/hộ, trong khi đó về tổ chức sản xuất, như: hợp tác xã, tổ, nhóm sản xuất theo hợp đồng còn hạn chế dẫn đến những khó khăn về quản lý chất lượng, hiệu quả sản xuất của nông dân thấp.

Chính vì thế, thị trường xuất khẩu của gạo của Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp, gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng cũng chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo, nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn hạn chế. Vẫn còn tồn tại tình trạng mỗi doanh nghiệp xây dựng một thương hiệu riêng về gạo cho các doanh nghiệp của họ.

Dẫn lời ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang (là một trong những doanh nghiệp đang tham gia vào xuất khẩu gạo) trên báo Nông thôn ngày nay, “đơn cử như khâu sản xuất giống, Thái Lan họ tập trung vào một số giống nhất định nhưng đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa chọn được giống nào để ổn định lâu dài, thường giống của chúng ta chỉ sản xuất được trong một thời gian ngắn rồi bị thoái hoá”, ông Khiêm phân tích.

Hơn nữa, gạo Việt Nam cũng rất khó có thương hiệu vì hiện vẫn còn trên 90% sản lượng lúa của nông dân bán thông qua thương lái. Vì muốn có lợi nhuận cao, nhiều thương lái không ngần ngại trộn nhiều giống lúa khác nhau trước khi giao cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp. Gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng gạo chưa đồng đều và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.

Thực tế mặc dù Việt Nam đã trở thành 1 trong 3 quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu gạo nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu gạo quốc gia nào. Trong khi đó, hai quốc gia còn lại là Thái Lan và Ấn Độ đã có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia của mình.

Trong bối cảnh trên thị trường quốc tế, mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt. Ngoài đối thủ truyền thống, Việt Nam phải đối mặt với các đối thủ tiềm năng, như: Campuchia, Myanmar. Chính vì vậy áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt không chỉ là giá mà còn là chất lượng, thương hiệu sản phẩm.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu chỉ tập trung vào thị trường dễ tính sẽ khiến mặt hàng lúa gạo Việt Nam tự suy giảm các tiêu chuẩn về chất lượng trong sản xuất và xuất khẩu. Sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ ngày càng giảm thấp. Khi FTA giữa Việt Nam với EU, TPP… được thực thi, ngành lúa gạo Việt Nam cũng sẽ không có động lực thay đổi về chất lượng để có thể lấy được các lợi thế. Việc định vị lại ngành lúa gạo có thể khiến sản lượng gạo sụt giảm lớn, nhưng sẽ mang lại giá trị gia tăng và thương hiệu cho ngành này trong thời gian tới.

Học tập kinh nghiệm quốc tế để xây dựng thương hiệu “made in Vietnam”

Tại Thái Lan, quốc gia này đã bắt đầu xây dựng thương hiệu gạo từ những năm 1918 với việc thành lập Hiệp hội Gạo Jasmine. Cụ thể, từ khâu đầu tiên là chọn được giống tốt cho đến quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói… đều được triển khai đồng bộ nên đến nay gạo Jasmine của Thái có giá 1.000 USD/tấn.

Còn tại Ấn Độ, ngoài vai trò của cơ quan chức năng nhà nước, các doanh nghiệp ở quốc gia này cũng là những tổ chức sản xuất, kinh doanh, có vai trò đặc biệt to lớn trong xây dựng và phát triển thương hiệu gạo. Với việc xây dựng chiến lược quốc gia phát triển gạo Basmati, xuất khẩu của Ấn Độ năm 2013-2014 đạt 3,75 triệu tấn gạo loạt này, còn các loại gạo khác là 7,15 triệu tấn. Để người tiêu dùng thế giới biết tới sản phẩm gạo của mình, nước này đã ưu tiên xúc tiến thương mại và phát triển gạo đặc sản, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các loại gạo đặc sản, như: Navara, Palakakadan Matta, Pokkali…

Ngoài việc học tập kinh nghiệm của 2 quốc gia nói trên, Việt Nam cần triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam. Theo đó, mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 thương hiệu gạo Việt Nam sẽ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia khác; có ít nhất 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu; đến năm 2030 sẽ có vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, bền vững, đưa gạo Việt Nam thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm…

Dẫn lời ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối trên Báo điện tử Nông thôn ngày nay, để xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia, Việt Nam cần triển khai rất nhiều giải pháp ở từng công đoạn khác nhau, như: lựa chọn giống, quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản…

Trong khi đó, tại Hội nghị triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam tổ chức ngày 20/10/2015, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, khâu quan trọng đầu tiên là nông dân phải sử dụng giống lúa thuần chủng (giống xác nhận). Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu.

Tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng cho biết: “Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng doanh nghiệp nước ngoài mang bao bì, nhãn mác của họ vào mua gạo Việt Nam để xuất khẩu. Để khắc phục tình trạng này thì Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cơ chế chính sách. Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ giúp quảng bá thương hiệu cũng như tìm kiếm thị trường, còn việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia có thành công hay không chính là từ các doanh nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp muốn có gạo chất lượng để xuất khẩu thì phải xây dựng được vùng lúa nguyên liệu”, ông Nam nhấn mạnh./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://danviet.vn/nha-nong/gan-30-nam-xuat-khau-gao-viet-van-chua-co-thuong-hieu-629709.html

http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/dua-gao-vn-thanh-thuong-hieu-hang-dau-the-gioi-623303.html

http://nld.com.vn/kinh-te/khong-de-co-thuong-hieu-gao-viet-20151020232626874.htm