Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phát biểu tại Hội trường Quốc hội sáng ngày 03/11

Phải quản lý chặt chẽ chất cấm

Tại buổi thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 ngày 03/11/2015, các đại biểu nêu rõ, mặc dù năm 2015 là năm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là Năm an toàn thực phẩm, để triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

Thế nhưng, gần một năm triển khai thực hiện, dường như tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm không những không giảm mà còn diễn biến hết sức phức tạp.

Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) cho biết, qua tiếp xúc, cử tri cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước dường như đang bất lực trước không ít người kinh doanh, làm giàu bất chính trên chính sức khỏe của người dân.

“Người dân đặt câu hỏi nguồn gốc các chất này từ đâu. Có hay không công tác buông lỏng quản lý? Ai mới chính là cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm về vấn đề này, cử tri cần Chính phủ trả lời câu hỏi này sao cho thật thỏa đáng?”, vị đại biểu này nêu vấn đề.

Về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực này, theo đại biểu Khanh còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe và phòng ngừa.

Chia sẻ với sự lo lắng của các đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thức rất rõ yêu cầu bức thiết của nhân dân về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên đã luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của toàn ngành và phối hợp triển khai nhiều biện pháp.

“Chúng tôi cũng đã tổ chức họp và báo cáo rất nhiều, nhưng kết quả giám sát trong 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm còn cao, chưa cải thiện so với năm 2014”, Bộ trưởng cung cấp thêm thông tin.

Về thủy sản có 1,01% mẫu có hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng, rau có 10,3% có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng và thịt có 7,6% có hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng, 16% salmonella là một loại vi khuẩn.

“Do vậy, chúng tôi đã phát động một cao điểm hành động đảm bảo an toàn thực phẩm kéo dài đến hết tháng 2/2016 để chấn chỉnh tình hình và rút kinh nghiệm làm tốt hơn cho các năm tiếp theo, trong đó có kế hoạch riêng về kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”, Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, việc chúng ta kiểm tra mẫu thịt hoặc mẫu nước tiểu của con heo đó chỉ là phần ngọn, cần chủ trương làm rõ và xóa bỏ trong đợt này các đường dây buôn bán phi pháp.

“Đối với tôi việc sử dụng chất cấm là một tội ác. Tôi cũng nhất trí với đại biểu Đinh Thị Phương Khanh, để chuyển biến tốt hơn tình hình cũng cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành và các địa phương cùng với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”, Bộ trưởng thể hiện rõ quan điểm.

Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những chất cấm kháng sinh như cloramphelicon hoặc Salbutamol, đấy là những dược phẩm cần thiết nhập khẩu để điều trị cho người và những quy trình về quản lý các dược phẩm này khá chặt chẽ từ nhập khẩu nguyên liệu, quy trình sản xuất, kinh doanh phân phối và sử dụng.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân ở đây là người chăn nuôi muốn có lợi nhuận và đạo đức kinh doanh không được coi trọng, cho nên đã cho các chất cấm đó vào thức ăn của gia súc.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhất trí với các đại biểu, đây là vấn đề cần phải quản lý chặt.

“Bộ Y tế đã, đang và sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa quy trình nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất”, Bộ trưởng Tiến phát biểu.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến đâu?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ): Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến đâu?, Bộ trưởng Phát chỉ rõ, mục tiêu của tái cơ cấu là nâng cao hiệu quả và tính bền vững để nâng cao nhanh hơn thu nhập của nông dân và giải pháp chủ yếu là phải thay đổi cơ chế, chính sách, tổ chức sản xuất và nguồn lực.

Hơn 2 năm qua, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế VAT. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách đổi mới với hầu hết các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Có thể nói trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản đều có những chính sách rất mạnh đã được ban hành. Các bộ cũng đã quyết liệt mở cửa thị trường xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Về tổ chức lại sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các địa phương thúc đẩy mở rộng liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Năm 2015 đã có 536 nghìn héc ta lúa tham gia cánh đồng lớn. Mô hình liên kết cũng đang được xây dựng đối với các cây trồng và vật nuôi khác.

“Hiện nay, chúng tôi đang tổng kết thực hiện Quyết định 62 để đề xuất chính sách mở rộng sang các lĩnh vực khác. Chúng tôi cũng đang phối hợp đẩy mạnh, sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, các nông, lâm trường quốc doanh, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19 để tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, Bộ trưởng cho biết.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã soạn thảo đệ trình lên Chính phủ một nghị định về chính sách đối với các hợp tác xã nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với các bộ, các địa phương, có nhiều nỗ lực để thúc đẩy việc nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật thông qua việc điều chỉnh nội dung, nhiệm vụ, cơ chế quản lý và thu hút các doanh nghiệp tham gia.

Nhiều doanh nghiệp đã có đóng góp rất tốt trong việc chọn, tạo và phổ biến các giống tốt cho nhân dân, như: công ty giống Thái Bình có giống lúa được trồng trên diện tích lớn nhất trong tất cả các tổ chức nghiên cứu về giống lúa ở nước ta.

Việc phổ biến áp dụng các quy trình sản xuất tốt, cơ giới hóa nông nghiệp cũng đang được đẩy mạnh, đồng thời chúng tôi cũng đang phối hợp để điều chỉnh cơ cấu đầu tư công, lồng ghép các chương trình dự án và khuyến khích đầu tư tư nhân.

Một số địa phương đã tự huy động và bố trí vốn để thực hiện chủ trương tái cơ cấu.

Bộ trưởng cũng cho biết, trên thực tiễn, cơ cấu sản xuất đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy các lợi thế của cả nước và mỗi vùng.

Trong sản xuất lúa đang có chuyển động mạnh theo hướng nâng cao chất lượng. Tỷ lệ giống lúa chất lượng cao tăng nhanh. Ở Thái Bình nếu kể cả giống BC15 bán được khoảng 7000 đồng/1kg, thì vụ mùa vừa qua đã tới 70% diện tích gieo trồng lúa có thể nói đạt chất lượng cao.

Đối với các lĩnh vực sản xuất khác cũng đang có sự thay đổi theo hướng nâng cao hiệu quả, như đẩy mạnh tái canh cà phê và áp dụng các giải pháp để phát triển bền vững với hiệu quả cao hơn, cải tạo vườn điều, thâm canh bền vững hồ tiêu, phát triển hợp tác công, tư với cây chè, mở rộng diện tích cây ăn quả giá trị cao, phát triển chăn nuôi công nghiệp trang trại, gia trại với giống và kỹ thuật tiến bộ.

Bộ trưởng cũng chia sẻ rằng: “Nhiều đồng chí hỏi tôi vậy thì tái cơ cấu chăn nuôi là gì? Đó chủ yếu là nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả để có thể cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó phải được thực hiện chủ yếu bằng việc phổ biến cho nhân dân áp dụng những giống mới, kỹ thuật mới và phát triển những hình thức chăn nuôi có hiệu quả cao”.

Trong lĩnh vực thủy sản, Bộ trưởng cho biết tiếp tục phát triển đánh bắt xa bờ, năm nay nhân dân đóng khoảng 800 tàu cá với công suất 90 mã lực, trong khi chương trình 67 đã hỗ trợ thêm, thì dân đóng được 38 tàu.

Phát triển nuôi tôm công nghiệp và thâm canh bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo dừng khai thác chính từ rừng tự nhiên và tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn, các hoạt động trên đang đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.

“Tuy nhiên, sự chuyển động còn khác nhau ở các địa phương, nhìn chung còn chậm so với yêu cầu, đúng như nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu”, Bộ trưởng thừa nhận.

Để đẩy mạnh tái cơ cấu trong thời gian, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh, hoặc ban hành mới các chính sách mạnh mẽ hơn, để thực hiện chủ trương tái cơ cấu, nhất là chính sách về đất đai, thuế và vốn, xây dựng và bố trí nguồn lực để thực hiện tốt các chương trình, dự án ưu tiên, nhất là ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ cao, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân và các doanh nghiệp tham gia một cách chủ động và tích cực hơn./.