Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội

Đã khắc phục một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải

Phó Thủ tướng chỉ rõ, nhờ tập trung thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng từ 79,9% năm 2011 lên 82,5% năm 2015. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển phù hợp hơn với kinh tế thị trường.

Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Luật Đầu tư công. Tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

“Bố trí vốn tập trung, khắc phục một bước tình trạng phân tán, dàn trải. Rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án quan trọng. Xác định rõ nguồn và khả năng cân đối vốn trước khi quyết định đầu tư. Kiểm soát, ưu tiên bố trí nguồn thanh toán nợ xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước”, Phó Thủ tướng cho biết.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Năm 2012 giải ngân hơn 4.183 triệu USD, năm 2013 là 5.137 triệu USD và năm 2014 là 5.655 triệu USD.

Quản lý chặt chẽ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung cho các nhiệm vụ thật sự cần thiết, tạo điều kiện cho các bộ, ngành địa phương chủ động bố trí vốn, bảo đảm hiệu quả.

Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020.

Nâng cao hiệu quả huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Đến nay, đã có 06 dự án được chấp thuận là (1) Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Nhùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; (2) Dự án đường liên cảng huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai; (3) Dự án đầu tư mở rộng công suất nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp An Nghiệp, Sóc Trăng; (4) Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Bộ Giao thông vận tải); (5) Dự án Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); (6) Dự án Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, Kiên Giang.

Chính phủ cũng đã tập trung triển khai tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty; tập trung cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Đã sắp xếp 464 DNNN, trong đó cổ phần hóa 404 doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng cho biết.

Hiện, Chính phủ đang triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phấn đấu đến hết năm 2015 các chỉ tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN-6.

Thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án có sức lan tỏa, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, thân thiện với môi trường và sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Thực hiện Chiến lược Biển, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số nơi khắc phục chậm. Hiệu quả đầu tư công chưa cao. Việt thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia vào đầu tư phát triển chưa thật hiệu quả. Nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA và vay ưu đãi còn hạn hẹp. Thu hút đầu tư xã hội và đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng chưa nhiều.

Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN ở nhiều ngành, lĩnh vực và sắp xếp, đổi mới nông lâm trường, công ty nông lâm nghiệp chưa đạt tiến độ đề ra; tỷ lệ vốn được cổ phần hóa còn thấp.

Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 4,5%

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành những giải pháp quyết liệt đồng bộ, ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo bền vững, tập trung vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn. Hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nhà ở, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh dân tộc thiểu số, tín dụng ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh sinh viên...

Chính phủ cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ đó, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 4,5%, riêng các huyện nghèo còn dưới 30%.
Về tạo việc làm, trong giai đoạn 2011-2015, đã đưa trên 450.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Thúc đẩy mở rộng thị trường, nhất là thị trường có thu nhập cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy ngoại ngữ; hỗ trợ các huyện nghèo xuất khẩu lao động. Kịp thời đưa người lao động về nước an toàn khi xảy ra xung đột ở nước sở tại. Tăng cường quản lý nhà nước; thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Từ năm 2011 đến nay, Phó Thủ tướng cho biết, đã tuyển mới dạy nghề đạt khoảng 9,2 triệu lượt người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho gần 2,4 triệu lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng từ 9,7 triệu năm 2011 lên trên 12 triệu năm 2015.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, một số chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc, tồn đọng trong thực hiện chính sách người có công. Còn tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài vi phạm pháp luật; chưa đạt mục tiêu đề ra đối với xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo.

Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu dạy nghề; chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề còn hạn chế, nhất là đối với lao động nông thôn.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến nay, Chính phủ đã ưu tiên bố trí khoảng 7% tổng chi ngân sách Nhà nước (7,6% nếu tính cả trái phiếu chính phủ) và đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công-tư đầu tư phát triển hệ thống cơ sở y tế. Triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện; nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế xuống cơ sở... Ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA cho các trạm y tế xã. Nâng cao y đức, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế. Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân; kiểm tra, giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động.

Tích cực thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, khuyến khích mua theo hộ gia đình, góp phần giảm chi phí của người bệnh có bảo hiểm y tế. Đến cuối năm 2015, phấn đấu tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 75% dân số./.