Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh/ Ảnh: Báo Đầu tư

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) ngày hôm qua, 17/11 đã đặt một câu hỏi khó rằng: “Có thể ước tính được những thất thoát, lãng phí đó chiếm bao nhiêu phần trăm GDP trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, từ năm 2011 đến nay không?”.

Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có thể giúp Chính phủ tính toán định lượng được những thất thoát, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là thất thoát, lãng phí trong đầu tư công trình sử dụng vốn nhà nước hay không?

Trả lời câu hỏi này, sáng ngày 18/11, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, câu trả lời là có thể, nhưng chính xác thì khó có thể vì câu hỏi rất rộng, bao gồm lãng phí, thất thoát, hiệu quả trong quản lý các nguồn lực kinh tế đất nước, từ tiền vốn, tài nguyên, nhân lực...

“Tuy nhiên, chúng ta phải đồng ý rằng, trong việc sử dụng các nguồn lực kinh tế, đặc biệt là trong xây dựng công trình có sử dụng vốn nhà nước, thất thoát, lãng phí còn nghiêm trọng, đang là hiện tượng mà chúng ta chưa kiềm chế được, dù đang được Chính phủ, địa phương vào cuộc”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ rõ.

Song, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, thất thoát, lãng phí không phải chỉ xảy ra ở vốn xây dựng cơ bản, mà còn ở cả vốn của các doanh nghiệp nhà nước.

Điển hình như dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng vẫn đang nằm đắp chiếu.

Bộ trưởng Vinh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 cách đây 2 năm, đại biểu Đỗ Văn Đương đã từng hỏi một câu hỏi tương tự, nhưng cụ thể hơn, là cho biết thất thoát, lãng phí của các công trình trong nhiệm kỳ vừa rồi cho đến năm 2012 là bao nhiêu, ở địa phương nào?

“Tôi đã nghiêm túc thực hiện, làm công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, nhưng sau 7 tháng đôn đốc thì chỉ có 7 địa phương và 5 tập đoàn lớn kê khai công trình dự án có lãng phí, thất thoát. Con số đó không phản ánh được tất cả”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn.

Bộ trưởng cho hay, có thể cộng các con số của Kiểm toán Nhà nước, thanh tra bộ ngành, thanh tra Chính phủ để biết được con số về thất thoát, lãng phí, nhưng con số đó là không đủ.

“Nếu nói thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn nhà nước thì đi học tập ở nước ngoài không hiệu quả cũng là lãng phí; mua sắm có gửi giá cũng là thất thoát. Đây là vấn đề lớn, mà nếu muốn đất nước phát triển thì Việt Nam phải ngăn chặn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Tiếp tục khẳng định rằng, ba Bộ “có thể định lượng được thất thoát, lãng phí”, nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, để làm được điều đó, phải có thời gian và biện pháp tính toán, thậm chí định nghĩa thế nào là lãng phí.

“Phải có đề án đi sâu nghiên cứu để định lượng thất thoát, lãng phí, chiếm bao nhiêu % GDP. Đây là vấn đề nhức nhối, cần ngăn chặn, cần siết chặt ở từng khâu công việc một. Và tất cả các bộ, ngành, địa phương đều phải siết chặt quản lý. Phải thẩm định chặt, đấu thầu tốt, thi công đảm bảo”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ rõ.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, đây là công việc khó, nhưng khó cũng phải làm./.