Tại hội thảo khoa học “Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” ngày 26/11, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, kinh tế và văn hóa là hai lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm, vấn đề này trở thành chủ đề trung tâm của các thảo luận về chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đặc biệt trong một vài thập niên gần đây, nhân loại đang chứng kiến sự chuyển đổi tư duy về phát triển, từ quan điểm coi GDP là tiêu chí duy nhất để đo sự phát triển của mỗi quốc gia sang quan điểm gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng trong xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững.

Lấy quan điểm của Mác, PGS.TS Phạm Duy Đức, Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng, sản xuất (kinh tế) không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất, mà còn đáp ứng nhu cầu tinh thần (văn hóa) của con người. Bản chất cốt lõi của văn hóa chính là sáng tạo, mà sáng tạo này gắn liền với quá trình sản xuất. Từ đó, ông nhận định, mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa chính là ở con người.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ: “Bản chất của văn hóa là sự sáng tạo, có sáng tạo thì có phát triển. Mà sáng tạo thì phụ thuộc vào con người”.

Toàn cảnh hội thảo

Bàn về vai trò của văn hóa, TS. Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long bày tỏ: “Văn hóa có những quy luật riêng của nó. Chưa bao giờ trong lý luận của Đảng, văn hóa bị đặt thấp, coi nhẹ. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Suốt chiều dài lịch sử từ khi Đảng ra đời đến nay, trong mọi hoàn cảnh cách mạng, Đảng luôn đề cao vai trò, vị trí của văn hóa”.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng như nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Văn hóa không đứng ngoài, mà ở trong kinh tế và chính trị, đòi hỏi mọi hoạt động kinh tế và chính trị phải hàm chứa tinh thần văn hóa – tinh thần nhân bản, nhân văn, nhân đạo, tất cả vì con người.

Đáng mừng là, mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa ở Việt Nam ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn, điều này thể hiện rõ trong đường lối của Đảng Cộng sản. Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã khẳng định quan điểm phát triển của đất nước hiện nay là: “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”.

Thực tiễn đổi mới vừa qua đã chứng minh quan điểm của Đảng trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa là đúng đắn. Nhờ đó, trong những năm đổi mới vừa qua, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

TS. Nguyễn Viết Chức cũng nói rõ, có những lĩnh vực kinh tế phải đi trước văn hóa, nhưng có những lĩnh vực văn hóa phải đi trước kinh tế (như khảo cổ học, khảo cổ học đô thị - nếu không đi trước thì không thể đáp ứng trước được yêu cầu xây dựng, phát triển…). Và, muốn làm tốt văn hóa, phải coi trọng những người làm văn hóa./.