Cuối tháng 11/2015, Tổng cục Du lịch và dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (dự án EU - ESRT do Liên minh châu Âu tài trợ) công bố Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2014. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 40 thế giới về lượng khách quốc tế đến. So với các nước trong khu vực thì đứng sau Indonesia (vị trí 34), Singapore (vị trí 25), Thái Lan (vị trí 14) và Malaysia (vị trí 12). Về tổng thu từ du lịch quốc tế, Việt Nam đứng thứ 36 trên thế giới, sau các điểm đến lân cận như Indonesia (vị trí thứ 32), Singapore (vị trí 16), Malaysia (vị trí 13) và Thái Lan (vị trí thứ 12).

Trong giai đoạn từ năm 2010-2014, khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ hơn 5 triệu lượt lên 7,87 triệu lượt, trong đó chủ yếu là khách châu Á (chiếm hơn 67,84%). Tổng thu từ khách quốc tế đến Việt Nam năm ngoái ước đạt 8.393 triệu USD, tương đương hơn 177.490 tỷ đồng. Ngành du lịch đóng góp vào tăng trưởng GDP năm 2014 là 6,49%.

Phân tích từ Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2014 cho thấy, khách Trung Quốc đến Việt Nam nhiều nhất với 1,94 triệu lượt, nhưng chi tiêu chỉ 790 USD/người và ở trung bình 6,6 ngày - nằm trong nhóm các thị trường du khách ở ít ngày và chi tiêu thấp nhất. Ngược lại, du khách đến từ Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức (thuộc nhóm chi tiêu nhiều) khi tới Việt Nam, thời gian lưu trú khoảng 15 ngày. Tính ra, tổng thu từ khách du lịch một số thị trường có tổng lượng khách không cao nhưng lưu trú dài ngày và chi tiêu bình quân một chuyến đi lớn có thể đem lại nguồn thu cao hơn.

Kinh nghiệm từ Thái Lan và Malaysia cho thấy, 2 quốc gia này có những phòng phân tích tập trung về thị trường khách chi tiêu cao để từ đó đưa ra chiến lược quảng bá, xúc tiến hiệu quả.

Bên cạnh đó, các quốc gia khác cũng tập trung vào một số địa điểm trọng tâm để quảng bá, ví dụ như: Campuchia chú trọng quảng bá một vài điểm đến như Angkor, Koh Rong. Trong khi Việt Nam quá nhiều danh lam thắng cảnh, điểm đến nhưng lại dàn trải.

Ngoài ra, một điểm trừ không thể không nhắc đến với du lịch Việt, đó là vấn đề visa. Dù đã có nhiều động thái tích cực trong lĩnh vực này, tuy nhiên, so với các nước khác trong khu vực thì chúng ta vẫn kém xa. Cho biết tại Hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” tổ chức ngày 07/072015, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, quan sát cách làm du lịch của các nước xung quanh, không chỉ Thái Lan, Malaysia, Singapore mà ngay cả Campuchia, Lào, Myanmar… cũng đã và đang làm nhiều việc thúc đẩy du lịch tốt hơn Việt Nam. Theo đó, năm 2014, Thái Lan đón 24,8 triệu lượt khách quốc tế, Thái Lan đã miễn thị thực và lệ phí thị thực cho công dân đến từ 61 quốc gia (trong đó 49 nước là đơn phương), Malaysia đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế và đã miễn lệ phí thị thực cho 155 quốc gia (trong đó 85 quốc gia là đơn phương). Trong khi đó, Việt Nam đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế và mới chỉ miễn visa cho 22 quốc gia.

Hay tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên cuối kỳ năm 2015, cộng đồng các doanh nghiệp từ Mỹ, Nhật Bản, Úc... đều có kiến nghị kêu gọi Chính phủ Việt Nam nới lỏng các quy định có liên quan đến thị thực, visa dành cho cả khách du lịch và doanh nhân...

Ông Lộc cho rằng, hạn chế của du lịch Việt Nam không chỉ ở khâu visa, mà ở nhiều tour, tuyến, điểm du lịch, khách du lịch cũng đánh giá Việt Nam thua Campuchia ở tính chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, nhân lực du lịch cũng là thách thức lớn cho du lịch Việt trước hội nhập. Bởi, thời kỳ hội nhập với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi, như: khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin. Trong khi đó, nhìn nhận một cách khách quan nguồn nhân lực du lịch Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định.

Phát biểu tại buổi họp tình hình triển khai Thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch giữa các nước trong khu vực (MRA-TP) vào đầu tháng 12/2015, ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, hiện lao động lĩnh vực du lịch Việt Nam ngoài những ưu điểm là nguồn lao động dồi dào, chăm chỉ, thông minh, nhưng tính kỷ luật thấp, năng suất lao động thấp so với một số nước khu vực. Mặc dù kỹ năng nghề có thể đáp ứng nhu cầu khu vực, nhưng vẫn còn yếu về khả năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỹ năng mềm và tính sáng tạo.

Trả lời báo giới, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam hiến kế, trước hết là mỗi doanh nghiệp cần có một kế hoạch mạnh mẽ, tham gia tích cực vào chương trình kích cầu nội địa và khách hồi hương, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp khác để xây dựng sản phẩm hấp dẫn cả về chất lượng và giá cả.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ ngành du lịch bằng các chính sách cụ thể như miễn visa cho một số thị trường trọng điểm, trước mắt là các thị trường Anh, Pháp, Mỹ, Đức nhằm tạo ra đột phá ở các thị trường này; kiến nghị cho phép triển khai loại hình đón khách quá cảnh ở các sân bay quốc tế trong thời gian 120 giờ; kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bằng cách miễn thuế giá trị gia tăng trong vòng 1 năm cho các doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu du lịch, cho phép nộp chậm 6 tháng đến 1 năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp này; miễn lệ phí visa cho tất cả khách quốc tế vào Việt Nam từ tháng 7 đến tháng 12-2015...

Cũng theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch Việt Nam cần tập trung nguồn lực tổ chức một số chiến dịch tổng hợp thu hút khách quốc tế vào Việt Nam; thúc đẩy mạnh mẽ 3 thị trường hàng đầu là Nhật, Hàn Quốc, Nga và có kế hoạch triển khai một chương trình xúc tiến mạnh mẽ với các thị trường đang đề nghị Chính phủ miễn visa.../.

Tham khảo từ các nguồn:

1. Tổng cục Du lịch và dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (dự án EU - ESRT do Liên minh châu Âu tài trợ) (2015). Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2014, ngày 17/11/2015

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Kinh tế Trung ương, VCCI (2015). Hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, ngày 07/07/2015

3. Yến Anh (2015). Visa: Rào cản du lịch, truy cập từ http://nld.com.vn/kinh-te/visa-rao-can-du-lich-20150525230805267.htm