Vấn đề trên được mổ xẻ tại Hội thảo “Phát triển kết cấu hạ tầng: Thực tiễn xây dựng và thực thi thể chế phát triển và quy hoạch phát triển” do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra ngày 22/12/2015.

Hầu hết các quy hoạch không được thực hiện nghiêm chỉnh

Thay mặt nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược Phát triển, TS. Nguyễn Công Mỹ chỉ rõ: “Rất nhiều quy hoạch lập ra nhưng không thể thực hiện và chưa bao giờ thực hiện”.

Có rất nhiều cơ quan lập và quản lý quy hoạch không đồng bộ. Các quy hoạch lập ra không phủ trùm (có kinh phí đến đâulàm đến đó). Các quy hoạch lập ra không khả thi.

Rất nhiều quy hoạch phải sửa đi sửa lại và hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung xảy ra hết sức thường xuyên.

“Có thể thấy rất nhiều công trình vi phạm quy hoạch không được xử lý. Có rất nhiều công trình phá vỡ quy hoạch vẫn được tồn tại. Rất nhiều cơ quan quyết định phê duyệt những dự án vượt thẩm quyền, sai quy hoạch, nhưng vẫn tồn tại như một sự thách thức”, ông Mỹ thẳng thắn.

Xuất phát từ thực tiễn vận hành quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, TS. Đỗ Đức Tú (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải vì sao tỉnh nào cũng có sân bay.

Theo quy hoạch ban đầu do Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, thì Bộ này dự kiến cả nước có 22 sân bay. Tuy nhiên, do tư duy lợi ích nhóm, dưới sức ép của địa phương, các cơ quan nhà nước đã phải thay đổi quy hoạch, không thể duy trì được kỷ luật quy hoạch.

Điều đáng nói là do hạn chế về nhận thức của các nhà quản lý và tính cục bộ trong xác định và theo đuổi lợi ích ngành, hoặc địa phương làm cho họ dễ dàng “điều chỉnh định hướng quan trọng đã đề ra trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là một thức thế đáng lo ngại. Do không có quy định quy hoạch nào phải phù hợp với quy hoạch nào; quy hoạch nào dựa trên quy hoạch nào, nên hệ quả là các quy hoạch không phối hợp được với nhau.

Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiều quy hoạch chưa tốt, đặc biệt là các lãnh thổ có nhiều khu đô thị mới. Có nhiều quy hoạch vừa được thông quan đã đề xuất điều chỉnh.

“Có nhiều quy hoạch thông qua, nhưng không thể đưa vào thực hiện, nhiều quy hoạch thông qua, nhưng lại xung đột với các quy hoạch khác. Hệ quả là, thực hiện quy hoạch rất bất cập”, TS. Nguyễn Công Mỹ cho hay.

Công tác giám sát bỏ ngỏ do thiếu bộ máy?

Một trong những nguyên nhân chính khiến tính kỷ luật của quy hoạch không được đảm bảo, theo TS. Nguyễn Công Mỹ là do chế tài thực hiện quy hoạch còn rất yếu.

“Có thể nói trong ba bộ phận thể chế, chế tài là khâu yếu nhất của thể chế quy hoạch”, ông Mỹ chỉ rõ.

Điều đáng quan tâm là việc phân cấp quản lý quy hoạch đã xuất hiện rất nhiều bất cập.

Trên thực tế các quy định về phân cấp quản lý quy hoạch thể hiện rõ việc giao quyền chủ động cho từng cấp quyết định. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa có một cơ quan điều phối phát triển vùng, các sáng kiến quy hoạch riêng rẽ của từng địa phương trong vùng không những chưa được tập hợp tốt, mà đôi khi mâu thuẫn với quy hoạch phát triển vùng.

Hiện tượng quy hoạch tràn lan, trùng lắp, không đồng bộ là một trong những biểu hiện về hiệu quả của sự phân cấp chưa được kiểm soát một cách hợp lý.

Đã vậy, bộ máy quản lý quy hoạch hiện này đang thiếu và yếu. Ở cấp trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý chung về quy hoạch, Bộ này mới lập Vụ Quản lý Quy hoạch được một vài năm.

Ở địa phương rất ít tỉnh có phòng quản lý quy hoạch, cán bộ kiêm nhiệm không được đào tạo bổ sung về nghiệp vụ. Việc quản lý quy hoạch xây dựng mới chỉ thành lập được 2 sở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Việc quản lý quy hoạch đất đai mới chỉ có một cục (thuộc Tổng cục Quản lý Đất đai).

Tại các sở, việc qản lý quy hoạch đất đai vẫn chỉ là một trong nhiều chức năng của sở tài nguyên và môi trường.

Điều đáng lo là việc phân công, phân nhiệm về quy hoạch giữa các cơ quan quản lý chưa được điều chỉnh kịp thời. Các cơ quan có chức năng quản lý quy hoạch mới có một số bộ, ngành. Đa số các bộ bố trí nhiệm vụ này cho cơ quan tổng hợp, hoặc kế hoạch.

Ở cấp tỉnh, chức năng tổng hợp quy hoạch được giao cho sở kế hoạch và đầu tư; cấp huyện có phòng tài chính – kế hoạch kiêm nhiệm công việc này. Song, nội dung quản lý quy hoạch chưa rõ, hầu hết các địa phương chưa có cơ quan, tổ chức theo dõi chuyên trách về công tác quy hoạch. Sự phối hợp quản lý quy hoạch giữa sở: kế hoạch và đầu tư; xây dựng; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải… là rất hạn chế.

Bộ máy quản lý quy hoạch còn yếu, chưa có hệ thống chân rết ở các ngành và địa phương; chưa có cơ chế phối hợp và hệ thống thông tin về quy hoạch được thiết lập làm giảm hiệu quả của công tác quản lý.

Cần có sự tồn tại của thị trường đầu tư kết cấu hạ tầng

Theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, đã có tới 19.000 văn bản được gọi là quy hoạch, trong đó có rất nhiều văn bản mượn danh quy hoạch.

Cần lưu ý rằng, quy hoạch là công cụ quản lý nhà nước. Thời gian tới, chúng ta cũng xác định, sẽ thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ. Do đó, câu chuyện quản lý phát triển kết cấu hạ tầng cũng cần thực hiện theo hướng đó.

Đồng tình với quan điểm nay, TS. Lê Viết Thái, Trưởng ban Ban Thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nếu Nhà nước có rất nhiều tiền thì không có gì để bàn. Thế nhưng, do ngân sách hạn hẹp, nên hiện Nhà nước đang rất đau đầu trả lời câu hỏi: Tiền ở đâu ra để phát triển?

Ông Thái cho rằng, chỉ xuất hiện thị trường đầu tư kết cấu hạ tầng khi Nhà nước không “ôm” dịch vụ này, hoặc không trực tiếp đầu tư hoàn toàn từ ngân sách nhà nước.

Việc hình thành thị trường đầu tư kết cấu hạ tầng lệ thuộc vào vai trò và mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Vì thế, theo ông Thái, quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển thị trường đầu tư kết cấu hạ tầng là việc Nhà nước xác định lại chức năng, nhiệm vụ theo hướng thu hẹp phạm vi phù hợp với kinh tế thị trường, tạo dư địa nhiều hơn cho các nhà đầu tư tư nhân.

Ông Đỗ Đức Tú, hiện Bộ Giao thông vận tải mới chỉ lập quy hoạch và ngồi chờ nhà đầu tư, chứ chưa quan tâm tới việc khuyến khích, tìm kiếm và kêu gọi nhà đầu tư đến đầu tư.

Theo ông Tú, thời gian tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần lập sẵn những dự án có khẳ năng đầu tư theo hình thức PPP, phân chia tỷ lệ góp vốn giữa Nhà nước và nhà đầu tư đảm bảo tính khả thi về mặt tài chính cho nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, chủ động mời gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư, không chờ nhà đầu tư lập đề xuất dự án để gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xin đầu tư.

Còn theo ông Phạm Mạnh Thùy, Ban Phát triển Nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược Phát triển hiện nay, đa phần các quy hoạch được thiết kế, xây dựng vẫn dựa trên tư duy cũ.

Đó là “trách nhiệm của Nhà nước”, “Nhà nước ban ơn, bao cấp” chứ chưa phải là “Nhà nước phục vụ, doanh nghiệp phục vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường”. Mục tiêu của các quy hoạch nhìn chung vẫn mang nặng tính chủ quan của người làm quy hoạch hơn là việc tính toán thực tế từ nhu cầu của xã hội.

Các quy hoạch này vẫn chưa trả lời một cách thuyết phục câu hỏi: nhu cầu của xã hội là gì? Số lượng bao nhiêu? Chất lượng thế nào? Đó chính là những tồn tai, hạn chế liên quan đến một số quy hoạch đã được ban hành trong thời gian vừa qua, như: Quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục, lao động, thương binh và xã hội, y tế; quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học; quy hoạch mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề…

Vì thế, theo ông Thùy cần nêu rõ xã hội hóa cụ thể ở khâu nào? Gắn với trách nhiệm cá nhân của các cấp phê duyệt, thẩm định./.