Tại cuộc họp báo công bố chỉ số giá (CPI) quý IV và cả năm 2015 của Tổng cục Thống kê vào ngày 24/12/2015, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) vẫn lo ngại nhiều khả năng năm 2016, CPI sẽ tăng trở lại, thậm chí tăng quá 5%. Theo bà Thủy, một số yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát năm 2016 như sau:

Thứ nhất, việc điều chỉnh giá các nhóm hàng dịch vụ công và hàng thiết yếu như giá hàng dịch vụ giáo dục, sức ép vào quý I/2016. Thứ hai là khả năng tăng giá dịch vụ y tế, sắp tới có thể ban hành việc tăng giá dịch vụ y tế, chúng tôi đã phối hợp với bộ y tế đánh giá tác động, có thể trong quý I sẽ tăng giá y tế và tác động CPI. Ngoài ra, giá điện cũng có thể tác động, mặc dù, ngày 15/03/2014 giá điện đã tăng, nhưng có thể vẫn còn tăng tiếp thời gian tới.

Ngoài ra, tăng lương cơ sở cho khu vực nhà nước thêm 5% (từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng) kể từ 1/5/2016 và điều chỉnh lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp kể từ 1/1/2016, theo bà Thủy cũng sẽ tác động đáng kể đến CPI năm 2016. “Ngày 16/3/2015, Chính phủ đồng ý cho ngành điện tăng giá điện thêm 7,5% - mức thấp nhất theo đề xuất của Bộ Công Thương. Vì vậy, giá điện được điều chỉnh tăng trong thời gian tới cũng sẽ tác động không nhỏ tới CPI năm 2016”, bà Thủy tính toán.

Song năm 2016 cũng có những yếu tố khiến chỉ số giá giảm. Đó là giá dầu thô giảm có thể khiến CPI giảm. Sản lượng dầu thô đang tăng, nhất là có thêm nguồn cung từ Mỹ và Iran nên giá dầu thô còn cơ hội giảm. Ngoài ra giá nông sản giảm cũng có thể làm giảm CPI.

“Mức giá CPI ở mức cao thường duy trì dài hơn là ở mức thấp, vì vậy có khả năng CPI năm 2016 có thể ở mức cao nếu chúng ta không có những biện pháp điều hành gắt gao, thậm chí CPI có thể vượt mục tiêu 5% đã đề ra”, đại diện Vụ Thống kê giá nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho rằng, “lạm phát cao luôn tiềm ẩn, do đó theo đuổi mục tiêu lạm phát thấp để tăng trưởng bền vững là rất quan trọng. Những năm gần đây, chu kỳ lạm phát thấp rất ít, do đó khuyến nghị phải kiểm soát lạm phát, chủ động, không nên để lạm phát cao rồi mới kiềm chế. Như vậy nền kinh tế mới phát triển bền vững”.

Cũng tại buổi họp báo, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng không cho rằng, lạm phát thấp sẽ làm tăng trưởng giảm, không kích thích doanh nghiệp sản xuất.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, khi chỉ số giá tăng thấp sẽ kích thích sức mua, bởi vì khi đó thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng lớn.

“Người dân có thể thấy nền kinh tế ổn định, giá thấp thì dành nhiều thu nhập cho chi tiêu, từ đó kích thích tổng cầu. Do đó, tăng trưởng từ nhu cầu tăng lên sẽ bền vững hơn tăng trưởng dựa vào giá tăng”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến “Chính phủ với các địa phương” diễn ra sáng ngày 29/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu trước hết phải kiểm soát tốt lạm phát, không chủ quan với lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính ổn định của nền kinh tế.

Ở một góc độ khác, theo Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 vừa được công bố mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, thì so với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, năm 2016 có nhiều dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá.

Phân tích những nhân tố chủ yếu tác động đến lạm phát năm 2016, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, giá hàng hóa thế giới được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2016, giúp giảm giá hàng hóa tiêu dùng cũng như chi phí sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, Theo Ủy ban, mức giảm giá hàng hóa thế giới trong năm 2016 được dự báo thấp hơn trong năm 2015. Do đó, khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát cơ bản sẽ không lớn như trong năm 2015.

Trong khi đó, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định trong 3 năm gần đây (2013-2015) giúp ổn định tâm lý lạm phát của dân chúng. Tổng cầu 2016 mặc dù có phần tăng khá hơn 2015, qua đó tác động đến lạm phát; tuy nhiên, mức tăng không lớn và trong phạm vi kiểm soát, ngay cả khi tính đến tác động của tăng lương công chức trong năm 2016.

Tổng hợp các yếu tố trên và chưa tính đến tác động của điều chỉnh chính sách (về giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá) Ủy ban dự báo năm 2016 lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm 2015, ở khoảng 3% và lạm phát sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản, ở khoảng 2%-3%./.