Đóng góp to lớn

Theo Vụ Quản lý Các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến hết 2013, trên cả nước có 289 KCN (không bao gồm khu chế xuất, khu kinh tế) với tổng diện tích đất tự nhiên 81.000 ha, trong đó, 191 KCN (chiếm 66,08%) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 54.060 ha và 98 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 27.008 ha. Các KCN đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng năm, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của nền kinh tế. Các KCN thu hút khoảng 472 dự án, với tổng vốn đăng ký 8,742 tỷ USD vốn FDI, chiếm 70% vốn FDI của cả nước, tạo việc làm trực tiếp cho trên 2 triệu lao động.

Bên cạnh đó, lũy kế đến cuối quý I/2014, các KCN trong cả nước đã thu hút được 5.300 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 112 tỷ USD.

Năm 2013, các KCN đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, như: các dự án của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên (hơn 3,2 tỷ USD); Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa (điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD); hay Dự án Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam - Hải Phòng (1,5 tỷ USD)...

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng trong quý I/2014, các KCN đã thu hút 70 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư lên đến 800 triệu USD. Riêng Tập đoàn Triple Eye Infrastructure (Canada) đầu tư Dự án bệnh viện quốc tế tại KCN Đại An (Hải Dương) đã chiếm 225 triệu USD và là nhà đầu tư có dự án quy mô lớn nhất vào các KCN trong quý I năm nay.

Hệ thống KCN còn góp phần hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, đồng thời, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng. Các KCN đã trở thành điểm đến của nhiều dự án quan trọng và có quy mô lớn, là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Song, còn nhiều bất cập, hạn chế

Sự phát triển mạnh mẽ và những đóng góp to lớn của các KCN là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quá trình phát triển các KCN Việt Nam trong thời gian qua còn tồn tại không ít những thách thức, bất cập, như:

Một là, cơ chế, chính sách đối với KCN còn bất cập. Việc phân cấp, ủy quyền cho ban quản lý các KCN trong một số lĩnh vực còn chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán trên cả nước do có sự không thống nhất với các quy định của pháp luật chuyên ngành, chưa được các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể hoặc chủ trương phân cấp, ủy quyền chưa được địa phương quán triệt và thực hiện, đặc biệt là lĩnh vực thanh tra, môi trường, lao động.

Chính sách ưu đãi đối với các KCN hay thay đổi, thiếu ổn định, mức ưu đãi đối với dự án đầu tư vào KCN còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa thực sự hấp dẫn đầu tư một cách lâu dài, ổn định. Cụ thể là: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành ngày 17/6/2003 quy định doanh nghiệp mới thành lập tại KCN được hưởng ưu đãi thuế bằng với mức ưu đãi của địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (thuế suất 20% trong 10 năm); trường hợp doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất trong KCN thì được hưởng ưu đãi ở mức cao hơn (thuế suất 15% trong 12 năm).

Tuy nhiên, Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành ngày 19/6/2013 quy định ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi) được miễn thuế trong 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

Việc các dự án trong KCN không còn được hưởng ưu đãi đầu tư nói trên đã gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, làm giảm tính khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong KCN.

Hai là, công tác quy hoạch tổng thể các KCN còn yếu. Trước đây, các KCN đều được thành lập trên cơ sở các quyết định riêng biệt của Thủ tướng Chính phủ mà không có quy hoạch. Chính vì vậy, Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg, ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ được xây dựng trước hết trên cơ sở hợp thức hóa sự tồn tại của những KCN đã có hoặc đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về mặt chủ trương, sau đó chỉ bổ sung thêm một vài khu mới.

Ngoài ra, do áp lực của các địa phương mong muốn sớm có KCN bằng mọi giá nên tính hợp lý và khoa học của quy hoạch tổng thể KCN còn chưa cao, chưa dựa trên các phân tích, đánh giá một cách tổng thể về tiềm năng, lợi thế, khả năng huy động các nguồn lực tổng hợp của địa phương.

Với sự “ồ ạt” thành lập các KCN trong hơn 20 năm qua, tính đến hết năm 2013, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có KCN. Nếu như giai đoạn đầu thí điểm phát triển KCN, khu chế xuất (1991 - 1995) chỉ có 12 KCN, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích tự nhiên 2.360 ha, thì giai đoạn 2006 - 2010 được coi là giai đoạn “bùng nổ” các KCN khi có tới 136 KCN được thành lập với tổng diện tích tăng thêm 46.408 ha, gấp gần 12 lần về số lượng và 19,6 lần diện tích so với giai đoạn trước. Vì vậy, không ít KCN khi đi vào hoạt động đã không thể thu hút được nhiều dự án đầu tư, gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Ba là, tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện nay còn thấp. Theo ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ lấp đầy các KCN chỉ vào khoảng 60% (Huy Thắng, 2013). Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ năm 2013 về tình hình phát triển các KCN tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Vùng có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 ha nhưng mới chỉ cho thuê được hơn 810 ha, đạt tỷ lệ hơn 22%. Nhìn chung, phần lớn những KCN bỏ hoang hiện nay đều rơi vào những tỉnh kinh tế khó khăn, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển thiếu đồng bộ.

Bốn là, các chương trình xúc tiến đầu tư vào các KCN còn mang tính cục bộ, thu hút đầu tư bằng mọi giá, chưa thu hút được dự án đầu tư có ngành nghề, hàm lượng công nghệ phù hợp với lợi thế phát triển. Các dự án sản xuất công nghiệp vào KCN chủ yếu là dự án công nghiệp nhẹ (dệt, sợi, may mặc...), công nghiệp thực phẩm, lắp ráp, gia công có mức độ thâm dụng lao động cao, công nghệ lạc hậu và chưa tuân thủ các quy định về môi trường.

Năm là, vấn nạn ô nhiễm môi trường dù có nhiều biện pháp khắc phục, song vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong tổng số 184 KCN đã đi vào hoạt động, thì chỉ có 143 KCN xây dựng được hệ thống xử lý nước thải và hơn 30 KCN đang tiến hành xây dựng hệ thống này (Hà Linh, 2013).

Điều đáng nói là ngay cả những KCN đã xây dựng, thì hiệu quả xử lý cũng không cao, đặc biệt là đối với những KCN có thời gian hoạt động lâu năm nằm cạnh các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy… do hệ thống xử lý nước thải của các khu này đã ít nhiều xuống cấp. Nhiều KCN khác tuy xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng thực chất lại không hoạt động hoặc hoạt động chỉ mang tính đối phó khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Một số giải pháp

Ðể các KCN phát triển đúng hướng, hiệu quả, theo chúng tôi, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần rà soát, cập nhật, từ đó tiến hành bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các KCN đã lập. Trong quá trình rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, cần quan tâm đặt lợi ích quốc gia, đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia lên trên hết. Trên quan điểm như vậy, chỉ nên tập trung phát triển KCN ở những vùng, những địa bàn có đầy đủ điều kiện, có những lợi thế đã thấy rõ.

Trong quy hoạch tổng thể cần đặc biệt lưu ý tới khả năng phát triển của các KCN vì đây chính là những KCN cho phép đạt hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai cao nhất; định hướng phân loại trình độ các KCN để có sự ưu tiên, hỗ trợ khác nhau; định hướng việc phát triển các KCN chuyên ngành, giảm bớt các KCN tổng hợp.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KCN. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hiện hành về KCN theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền từ Trung ương tới địa phương, gắn chặt với cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp rõ ràng, minh bạch giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các KCN theo hướng một cửa, một đầu mối và tương xứng với vai trò vị trí ngày càng quan trọng của các KCN trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, chính sách ưu đãi đầu tư và thuế thu nhập cho các doanh nghiệp đầu tư vào KCN thuộc địa bàn khó khăn cần phải nhất quán, rõ ràng để thu hút và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư; kết hợp tốt việc “lấp đầy” diện tích các KCN với việc nâng cao chất lượng các dự án đầu tư vào KCN bằng cách khuyến khích, ưu đãi cho các dự án tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Thứ ba, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN. Nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN theo hướng xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN. Bên cạnh đó, cần đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, hỗ trợ tối đa việc thu hút các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Thứ tư, nâng dần tỷ lệ lấp đầy các KCN. Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN, khu chế xuất và khu kinh tế. Theo đó, các KCN mở rộng,thì tổng diện tích đất công nghiệp của KCN này đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất ít nhất là 60%. Hơn nữa, cần rà soát tổng thể các quy hoạch KCN trong thời gian qua với mục tiêu hạn chế tối đa việc thành lập mới các KCN để tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các công ty phát triển hạ tầng cũng như doanh nghiệp trong KCN,

Các địa phương cũng cần hỗ trợ sau cấp phép, hỗ trợ thủ tục thuê đất. Trong đó, cần chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các dịch vụ tư vấn về pháp lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động thu hút đầu tư, như: đẩy mạnh marketing, xúc tiến thị trường…

Thứ năm, cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào KCN. Tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam và phù hợp với chương trình tái cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư của đất nước. Tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển KCN; hình thành các KCN liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của KCN và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, dần hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Thứ sáu, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KCN, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, cũng như kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc cấp hoạt động theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển. Đồng thời, chỉ cho phép xây dựng các nhà máy, dự án trong KCN sau khi đã hoàn thành cơ sở vật chất hạ tầng và các công trình bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 140/2006/NÐ-CP, ngày 22/11/2006 của Chính phủ về quy định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển theo hướng làm rõ đối tượng áp dụng, tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và các chế tài xử lý. Ngoài ra, cần phát huy hơn nữa vai trò của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc giám sát thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại các địa phương.../.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2006). Quyết định số 1107/QĐ-TTg, ngày 21/8/2006 phê duyệt Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2012). Kỷ yếu Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển KCN, khu chế xuất, khu kinh tế ở Việt Nam, ngày 17/2/2012

3. Hà Linh (2013). Báo động ô nhiễm môi trường tại các KCN, truy cập từhttp://www.anninhthudo.vn/Xa-hoi/Bao-dong-o-nhiem-moi-truong-cac-KCN/395899.antd

4. Huy Thắng (2013). Nhiều giải pháp để lấp đầy các KCN, truy cập từhttp://baodientu.chinhphu.vn/Kinh-te/Nhieu-giai-phap-de-lap-day-cac-khu-cong-nghiep/186310.vgp

5. Ngọc Quân (2013). Vì sao các KCN ở Cà Mau chưa hấp dẫn nhà đầu tư ?, truy cập từ http://www.nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/12858602-.html

ThS. Vũ Thị Kim Oanh (Trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên)

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 15/2014