Điều chỉnh quy hoạch điện, than: Nhu cầu tất yếu khách quan

Sau gần 4 năm thực hiện Quy hoạch điện VII, ngành điện đã đạt được những thành tựu quan trọng như sản lượng điện thương phẩm tăng bình quân gần 11%/năm; công suất nguồn điện tăng nhanh, trong giai đoạn 2011-2014 đưa vào vận hành trên 13.000 MW, nâng tổng công suất nguồn điện hiện nay của cả nước lên trên 34.000 MW. Từ chỗ thiếu điện, đến nay không những đã cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, mà còn có dự phòng...

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành điện cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập, như: một số nguồn điện và cung cấp khí không đáp ứng tiến độ, dẫn đến phân bố công suất nguồn điện không đồng đều giữa các vùng; phát triển lưới điện truyền tải 220 kV đạt thấp, dẫn đến một số thành phố lớn, khu vực trung tâm phụ tải bị quá tải, ảnh hưởng đến đến độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng; việc sử dụng điện của nền kinh tế nói chung còn chưa hiệu quả, tiết kiệm, năng suất lao động ngành còn thấp...

Để giải quyết bất cập, Bộ Công Thương đã đưa ra Dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch Điện VII.

Đề án có 4 nội dung chủ yếu: Hiện trạng điện lực quốc gia, kiểm điểm và đánh giá thực hiện Quy hoạch điện VII; cập nhật dự báo phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 có xét đến 2030 và dự báo nhu cầu tiêu thụ điện; cập nhật chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện và liên kết lưới; cập nhật nhu cầu vốn đầu tư và đánh giá hiệu quả của chương trình phát triển điện quốc gia.
Cùng với các nội dung chính trên, Đề án cũng cập nhật các vấn đề về năng lượng sơ cấp, các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của nguồn và lưới điện, các ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện; đánh giá tác động môi trường trong phát triển điện lực, cơ cấu tổ chức quản lý điện lực quốc gia.
Nội dung chính của Đề án cho thấy, do tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu phụ tải điện giai đoạn vừa qua thấp hơn nhiều so với dự báo, vì vậy, phát triển nguồn, lưới cũng có sự tăng trưởng tương ứng, phù hợp với thị trường.
Giai đoạn tiếp theo (2016-2020 có xét đến 2030), do điểm xuất phát thay đổi và cũng là để phù hợp với dự báo phát triển kinh tế-xã hội, các nhà hoạch định cũng xây dựng 3 phương án nhu cầu điện cho toàn quốc và các miền theo các mức cao, cơ sở và thấp.
Cả 3 phương án này đều được điều chỉnh giảm xuống so với Quy hoạch điện VII. Trong phương án cơ sở, năm 2015 điện thương phẩm đạt 141.800 GWh, giảm 28.021 GWh; đến năm 2030 con số tương ứng là 506.000 GWh, giảm 109.204 GWh.
Trên cơ sở đó, chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện và liên kết lưới cũng có các phương án thay đổi, cộng thêm việc đồng bộ với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nguồn thủy điện nhỏ mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt tháng 11/2015 vừa qua.
Tổng công suất nguồn điện tới năm 2030 dự kiến là 115.800 MW, giảm khoảng 29.300 MW.

Cùng với đó là việc xem xét thay đổi trong chương trình phát triển lưới, liên kết lưới, cân bằng nhu cầu than, cung cầu khí cho phát điện, có tính toán kỹ tới việc cân bằng cung cấp điện giữa các vùng, miền.
Tổng vốn đầu tư phát triển ngành điện giai đoạn 2016-2030 khoảng 148 tỷ USD, được phân chia trung bình khoảng 7,9 tỷ USD/năm (giai đoạn 2016-2020) và 10,8 tỷ USD/năm (giai đoạn 2020-2030).

Tương tự, Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 (gọi tắt là Quy hoạch 60) cũng đã bộc lộ nhiều bất cập so với sự thay đổi của thực tế đời sống.

Mặc dù đã và đang thực hiện có hiệu quả, đảm bảo cung cấp đủ than cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, song sau 3 năm thực hiện, Quy hoạch 60 đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Nguyên nhân là do tốc độ phát triển các ngành công nghiệp, nhu cầu sử dụng than của các hộ tiêu thụ chủ yếu như nhiệt điện chạy than, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim, hoá chất, giấy... có nhiều thay đổi; kết quả thăm dò tài nguyên than trong những năm qua cũng cho thấy điều kiện tài nguyên, một trong những yếu tố cơ bản đảm bảo tính hiện thực của Quy hoạch cũng có nhiều thay đổi, cần được cập nhật, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Để bảo đảm chất lượng quy hoạch điều chỉnh, Bộ Công Thương chỉ đạo đơn vị tư vấn phân tích kỹ nguyên nhân, sự cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch 60. Trong đó cần làm rõ các nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến sản lượng than khai thác như: Công tác khảo sát, thăm dò, đánh giá tài nguyên - trữ lượng; sự chồng lấn giữa quy hoạch phát triển ngành than với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển của các ngành trên địa bàn…

Bên cạnh đó, so sánh, đánh giá trữ lượng các mỏ than các cấp theo quy định, để điều chỉnh sản lượng khai thác phù hợp với sự phân bố và nguồn tài nguyên than hiện có nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu than trong nước, nhất là nhu cầu than cho sản xuất điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước.

Dự báo nhu cầu than trong nước trên cơ sở kết hợp với đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII để thực hiện cân đối cung cầu than theo từng chủng loại, theo từng vùng khai thác, từng khu vực tiêu thụ,… Đồng thời xác định nhu cầu nhập khẩu các chủng loại than, thị trường nhập khẩu bảo đảm tính khả thi nguồn nhập khẩu để đảm bảo cho nhu cầu thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp

Tiến tới cạnh tranh, không độc quyền trong ngành điện, than

Sáng 19/1/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch điện VII) và dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch than 60).

Thảo luận tại cuộc họp, nhiều ý kiến khẳng định Đề án điều chỉnh quy hoạch điện VII là một dự án lớn, có vai trò ảnh hưởng đặc biệt quan trọng không những đối với phát triển ngành điện nói riêng mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân nói chung. Nội dung Đề án được thực hiện công phu với các tính toán chuyên sâu. Kết quả thu được đã thể hiện sự cố gắng cao và sự công tác chặt chẽ của tập thể chuyên gia thực hiện Đề án với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, chuyên gia thuộc lĩnh vực năng lượng. Những nội dung của Điều chỉnh Quy hoạch điện VII không những làm cơ sở cho việc quản lý và điều hành ngành điện của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn có ý nghĩa định hướng cho các nhà đầu tư quan tâm vào phát triển ngành điện.

Các ý kiến cũng đã đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch 60; chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến không thực hiện được các mục tiêu của Quy hoạch này; nêu quan điểm phát triển bền vững ngành than; công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến than; hạ tầng phục vụ khai thác than; việc cân đối cung cầu và định hướng xuất, nhập khẩu than…

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần tiếp tục quan tâm bổ sung, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp cho chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hoạt động của ngành điện, ngành than thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, phục vụ đặc lực cho sự nghiệp xây dựng và triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra cũng như trước những diễn biến của tình hình, việc rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung quy hoạch điện, than cho giai đoạn 2016-2020 và có tính đến năm 2030 là cần thiết, cấp bách.

Việc cập nhật này cũng là hoạt động thường xuyên, bình thường nhằm đáp ứng cho các yêu cầu mới đặt ra về phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn mới 2016-2020 và có tính đến năm 2030 để đảm bảo đủ nguồn điện, than cho đất nước, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với chất lượng ngày càng cao; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, an toàn, gắn với phát triển bền vững và công tác bảo vệ môi trường sinh thái.

“Năng lượng, trong đó có điện, than có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng mà không bảo đảm đủ năng lượng thì sẽ khó có thể thực hiện được; đây là hạ tầng kinh tế-xã hội có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến chỉ đạo, ý kiến phát biểu tại cuộc họp cũng như ý kiến đã đóng góp của các Bộ, ngành để bổ sung, hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch Quy hoạch điện VII và dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch than 60) để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt sau đó triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2016 để đảm bảo năng lượng phục vụ cho các mục tiêu phát triển cho giai đoạn 2016-2020 và xa hơn nữa là đến năm 2030.

Khẳng định vai trò quan trọng cũng như sự đóng góp của hạ tầng năng lượng đối với sự nghiệp đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng trưởng kinh tế cao, phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ngành điện không những bảo đảm đủ điện và có dự phòng; ngành than không những đáp ứng được nhu cầu sử dụng, phục vụ sản xuất trong nước và có xuất khẩu; năng suất cũng như chất lượng, hiệu quả của ngành ngày càng tốt hơn; khẳng định được vai trò của các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt trong bảo đảm đủ năng lượng cho đất nước mà 2 ngành này còn chuyển đổi từng bước thành công sang cơ chế thị trường; đồng thời nhà nước cũng bảo đảm các chính sách phù hợp hỗ trợ về điện đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Về quy hoạch, chiến lược phát triển phát triển ngành điện, ngành than thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ mục tiêu điện, than phải đảm bảo được các yêu cầu cho tăng trưởng, phát triển đất nước với tầm nhìn cho hàng chục năm tới. Tính toán, cân đối đủ điện, than và phải có dự phòng; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn; sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm được tiêu hao điện năng; đảm bảo an toàn tuyệt đối với hệ thống hạ tầng về điện, than, hạn chế thấp nhất sự cố liên quan đến điện, than.

Bên cạnh đó, phải kiểm soát, bảo vệ tốt vấn đề về môi trường, nhất là kiểm soát chặt chẽ các nhà máy điện than; rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than; tiến tới thay than bằng khí. Thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải; thúc đẩy phát triển mạnh điện tái tạo trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư làm điện mặt trời, điện gió...

Về điện hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương đã được Trung ương, Quốc hội thông qua về điện hạt nhân với yêu cầu chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, ngành điện và ngành than cần tiếp tục kiên trì cơ chế thị trường, tiến tới cạnh tranh, không độc quyền, không bao cấp về giá và giá phải trên giá thành sản xuất, bảo đảm lợi nhuận để tái đầu tư. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm năng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

Các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng phải tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt, chủ lực trong lĩnh vực này, quyết liệt trong đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới quản trị, hoạt động hiệu quả theo cơ chế thị trường đầy đủ./.