Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh điều này khi chủ trì cuộc họp về giao quyền tự chủ đối với các trường đại học công lập, ngày 26/8/2014. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, trường Đại học tham dự cuộc họp.

Thực tiễn đã khẳng định tính đúng đắn của tự chủ đại học

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về tự chủ đại học sẽ thực sự là một bước đột phá cho giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực vì tự chủ chính là đã làm đúng và tuân theo nguyên lý thị trường, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh để nâng cao chất lượng.

“Không nên suy diễn việc vận hành nguyên lý thị trường là thương mại hóa giáo dục. Nhiều khi chúng ta vì thiên kiến nên cứ rụt rè dù đúng”, ông thẳng thắn.

Sau 7 năm thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề án thí điểm hoạt động và tài chính tại một số trường đại học.

Cụ thể là 4 trường: Đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, cơ chế hoạt động của các trường đại học công lập phải được thay đổi theo hướng Nhà nước trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cho các đơn vị công lập về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính.

Trong các nội dung trên, cơ chế tự chủ tài chính là vấn đề quan trọng và đang vướng nhiều bất cập nhất.

Quyết toán thu - chi ngân sách hằng năm cho thấy số thu đều tăng vượt kế hoạch được giao (năm 2008 vượt 89%, năm 2009 vượt 96%, năm 2010 vượt 46%, năm 2011 vượt 24% và năm 2012 vượt 12%). Điều đó cho thấy, các trường đã quản lý tốt nguồn thu sự nghiệp, mở rộng các hoạt động sự nghiệp giáo dục nhằm tăng nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất và cải thiện đời sống giảng viên.

Tuy nhiên, mức thu học phí hiện nay còn thấp và còn mang tính bình quân giữa các ngành đào tạo. Thêm vào đó, các trường chỉ được thu mức học phí trong khung học phí do Chính phủ ban hành tại Nghị định 49 nên nguồn thu sự nghiệp của nhà trường không đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo

Tại cuộc họp, Lãnh đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng, một Trường Đại học đã thực hiện tự chủ hoàn toàn từ năm 2008 bày tỏ, cơ chế tự chủ đã giúp trường có được trên 1.000 cán bộ giảng dạy có chất lượng, tạo ra một tổng tài sản hơn 1.000 tỷ đồng trong 6 năm và sinh viên ra trường được thị trường lao động chào đón.

Cùng với Đại học Tôn Đức Thắng, các trường Đại học Bách Khoa, Ngoại Thương, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đều ủng hộ việc giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các trường.

Đại diện các trường này mong muốn, ngay trong quá trình thí điểm, cần nghiên cứu để có các đề án về tự chủ đại học và đề án tài chính đại học để đại học Việt Nam thực sự tự chủ chứ không còn phải thí điểm.

Mạnh dạn hơn trong giao quyền tự chủ

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Nghị quyết của Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị đã cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường đại học được phép tham gia góp vốn, thực hiện cổ phần hóa và hoạt động như mô hình doanh nghiệp. “Do đó không có vướng mắc gì về mặt chủ trương, quan điểm”, ông nhấn mạnh.

Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thêm, ngoài Nghị định 43 đang sửa đổi, Chính phủ sẽ ban hành các nghị định, quyết định để giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, không chỉ đối với giáo dục đại học, mà cả trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu khoa học…

“Vì thế, giai đoạn thí điểm cũng sẽ nhanh chóng được đánh giá tổng kết để thực hiện tự chủ cho toàn bộ các đơn vị, vấn đề là các cơ sở, đơn vị sẽ đón nhận và chuẩn bị như thế nào?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đặc biệt, thực tiễn đã khẳng định đây là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn.

“Tự chủ không chỉ để thực hiện được mục tiêu đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, mà quan trọng hơn là tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giúp hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam phát triển nhanh và bền vững” , Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thừa nhận việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học còn chậm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, thúc đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, từ tự chủ về nhiệm vụ đào tạo, bộ máy tổ chức và cán bộ, tự chủ về lương, thu nhập; tự chủ về chi thường xuyên, chi đầu tư.

Theo đó, tùy theo mức độ tự chủ và cam kết thực hiện tự chủ, các trường sẽ thực hiện tự chủ về chương trình đào tạo, và tùy theo mức độ tự chủ về tài chính sẽ thực hiện tự chủ về bộ máy, nhân sự, tiền lương, thu nhập. Về đầu tư xây dựng cơ bản, sẽ phân cấp mạnh hơn cho các trường.

Riêng về học phí – vấn đề đang có nhiều tranh cãi trong thực hiện tự chủ đại học thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, việc thực hiện thu học phí sẽ thực hiện theo chi phí trung bình tính đủ cho việc đào tạo một sinh viên đại học công lập.

Đồng thời, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp học phí cho đối tượng là sinh viên nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số và chính sách tín dụng cho vay ưu đãi đối với sinh viên thuộc đối tượng cận nghèo, khó khăn.

Thủ tướng cũng lưu ý bên cạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần hết sức quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các trường đại học nhằm đảm bảo các trường đại học hoạt động theo đúng luật pháp.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành, các trường Đại học tại cuộc họp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm giao quyền tự chủ cho các trường Đại học để đưa ra thảo luận vào thông qua trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014./.