Chỉ thị 23 nêu rõ, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kế hoạch hướng tới mức tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 6,5-7%/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm; thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư ngày 07/8/2014

Đó là những mục tiêu không dễ đạt được, vì thế Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015 và cần đặc biệt chú ý đến công tác dự báo bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cụ thể hóa các nội dung này trong văn bản hướng dẫn của Bộ đối với các bộ, ngành và địa phương khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và 5 năm 2011-2015 ở mức cao nhất. Đồng thời, khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 nhằm phục vụ Đại hội Đảng các cấp.

Trong đó, tập trung đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn, sát với thực tiễn tình hình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của HĐND các cấp; kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách lớn trong tái cơ cấu kinh tế, trong thực hiện 3 đột phá lớn và bảo đảm các cân đối vĩ mô...

Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn tuy mới chỉ là bước đầu, song đã đem lại kết quả nhất định, tạo điều kiện cho các bộ, ngành và địa phương chủ động trong quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ.

Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.

“Đây là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong đổi mới công tác quản lý, sử dụng tái cơ cấu đầu tư công. Nội dung này phải được quán triệt ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tính toán, cân đối ngân sách nhà nước trong trung hạn, bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên, chi trả nợ và các khoản chi khác. Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ phải tính toán kỹ, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2016-2020 tập trung thực hiện 2 chương trình là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc kiên quyết cắt giảm các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung nguồn vốn đầu tư công cho các chương trình thực sự cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư ngày 07/8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc chuẩn bị Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 là rất cần thiết và chủ động. Nếu bây giờ không chuẩn bị sẽ không kịp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các bộ, ngành phải nâng cao chất lượng dự báo để chủ động tính toán kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trên cơ sở căn cứ vào quan điểm nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm (2011-2020) và các nghị quyết của trung ương. “Phải đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế, chính trị để tạo động lực mạnh mẽ nhất, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước để phát triển đất nước. Phải phát triển bền vững, trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô” - Thủ tướng nói./.