Nhiều lợi ích

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong một số bài viết đăng tải trên báo chí đã chỉ rõ, hệ thống sản xuất nông nghiệp của Việt Nam với 8 yếu tố cấu thành nêu trên phát huy hết tác dụng trong 30 năm qua. Với hợp tác xã kiểu mới, nông nghiệp Việt Nam có khả năng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất, có tính đột phá.

Bởi, hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, mạnh mẽ để tạo đột phá phát triển của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, vì: nó vừa duy trì sự quan tâm, nỗ lực, sáng tạo cao nhất của từng hộ nông dân (trồng trọt, chăn nuôi, nghề cá...) vì họ vẫn là người chủ đầy đủ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời các hộ nông dân được sự hỗ trợ rất hiệu quả của hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp nhận tối đa các hỗ trợ của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ các liên kết với doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hội nhập quốc tế về thương mại.

Hợp tác xã kiểu mới không những đem lại lợi ích lớn hơn nhiều cho người nông dân, mà còn đem lại lợi ích cho nhà nước - giảm chi phí và nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước, lợi ích cho doanh nghiệp và ngân hàng - giảm chi phí, giảm rủi ro và lợi ích cho các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam - tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực thương mại quốc tế.

Hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp Việt Nam vì nó tạo ra sự tương tác đồng hướng của 4 loại lợi ích: lợi ích của hơn 10 triệu hộ nông dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của các nước giao thương với Việt Nam.

Hiện nay, theo thống kê của Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 18.016 hợp tác xã, trong đó có 10.452 hợp tác xã nông nghiệp, 2.187 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 1.424 hợp tác xã thương mại dịch vụ, 846 hợp tác xã xây dựng, 965 hợp tác xã vận tải, 332 hợp tác xã môi trường, 690 hợp tác xã khác (điện, y tế, du lịch …) và 1.137 quỹ tín dụng nhân dân.

Hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên doanh, liên kết được nhiều nơi triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là các hợp tác xã gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững hoạt động có hiệu quả (trên 40% hợp tác xã).

Đã xuất hiện nhiều hợp tác xã điển hình tiên tiến, sản xuất, kinh doanh giỏi với hình thức phong phú, đa dạng ở các ngành nghề, lĩnh vực, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Các hợp tác xã thành lập mới (1.153 hợp tác xã) và một số đăng ký lại, chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012 (chiếm khoảng 32%) đã từng bước khắc phục những yếu kém trong tổ chức, quản lý và hoạt động, như: xác định lại tư cách thành viên, mở rộng kết nạp thành viên mới, huy động thêm vốn góp của thành viên, chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, lợi ích thành viên, đẩy mạnh liên doanh, liên kết…

Song, vẫn còn nhiều rào cản

Tuy nhiên, trong thực tế gần 2 năm vừa qua, vẫn còn nhiều bất cập trong triển khai Luật Hợp tác xã, cũng như việc chuyển đổi, hình thành hợp tác xã kiểu mới.

Theo Luật quy định, các hợp tác xã kiểu cũ phải chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, tức đến hết 2016 phải chuyển đổi xong.

Tuy nhiên, trong gần 11.000 hợp tác xã nông nghiệp, đến nay mới chuyển đổi được hơn 1.000 hợp tác xã. Như vậy, tiến độ quá chậm và chỉ còn 1 năm nữa, phải chuyển đổi khoảng 10.000 hợp tác xã là một vấn đề rất đáng lo bởi nếu không chuyển đổi thì đến hết năm 2016 coi như không còn là hợp tác xã nữa.

Điều đáng lo là, tác động của luật, nghị định, các văn bản của Chính phủ hiện nay ít có hiệu quả.

Đã vậy, do hiệu quả của các hợp tác xã không cao nên xã viên không hăng hái vào hợp tác xã. Bình quân bây giờ, mỗi xã viên của hợp tác xã chỉ có thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng, có nơi chỉ đạt mấy trăm nghìn đồng/tháng, thậm chí nhiều hợp tác xã còn chẳng có lương. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều người không thiết tha vào hợp tác xã.

Để nhân rộng mô hình HTX kiểu mới: Còn nhiều việc phải làm

Để giải quyết những vướng mắc hiện có, dưới góc độ doanh nghiệp đã gắn kết lâu năm với nông dân, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang cho rằng, điều quan trọng nhất là phải làm sao để nông dân thấy mình có quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia hợp tác xã, thì mới giải quyết được vấn đề vốn và nhân sự.

Để thu hút nhân lực làm việc tại hợp tác xã, theo ông Thòn, chủ nhiệm hợp tác xã nên là một nông dân có kinh nghiệm, uy tín. Ngoài ra cần một kỹ sư nông nghiệp làm giám đốc điều hành.

Bên cạnh đó, ông Thòn cũng chỉ rõ, hợp tác xã kiểu mới chỉ có thể tồn tại nếu có sự gắn kết doanh nghiệp - người sản xuất. Cái cần Nhà nước hỗ trợ chính là hạ tầng cơ sở, kênh mương, điện đường.

Tại cuộc họp về kết quả triển khai Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị, trong thời gian tới cần tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, xây dựng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới.

Đồng thời, xây dựng mô hình thí điểm cho các địa phương trên cơ sở phối hợp với các cơ quan liên quan, lưu ý đến hợp tác xã cộng đồng dịch vụ công ích; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tiếp tục thực hiện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Hợp tác xã; rà soát các quy định hiện hành để kiến nghị sửa đổi, bổ sung; sớm trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 193/2013/NĐ-CP về hợp tác xã, Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 2261; tổng hợp khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chậm trễ và có văn bản chỉ đạo đôn đốc đảm bảo tiến độ đề ra đến các địa phương, nhất là việc đăng ký lại hợp tác xã.

Thực hiện các đề án, triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2016-2020 (Chương trình) đã được phê duyệt tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan bố trí, cân đối vốn trung hạn cho các mục tiêu quan trọng, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, tăng cường quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về liên minh hợp tác xã các cấp; triển khai hợp tác quốc tế về phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; nghiên cứu xây dựng dự án viện trợ không hoàn lại do các nước, các tổ chức quốc tế trợ giúp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã./.