Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khác và chỉ có nhìn đúng bản chất vấn đề mới có thể tạo ra cuộc “cách mạng” loại bỏ nhà thầu kém, lựa chọn nhà thầu tốt.

Từ việc nhà thầu Trung Quốc thắng nhiều dự án

Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, hiện nay nhà thầu Trung Quốc đang làm tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) 5 trong tổng số 6 dự án hóa chất, tất cả dự án chế biến khoáng sản, 49 trong tổng số 62 dự án về xi măng, 16 trong tổng số 27 dự án nhiệt điện và nhiều dự án về giao thông (Nguyễn Văn Thụ, 2014).

Số liệu của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội công bố trước đây cũng cho thấy, tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam là do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. Trong số này, có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có nhiều dự án “tỷ đô” của ngành điện (Lê Vân, 2014).

Các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận phần lớn đều có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng các nhà thầu Trung Quốc và hệ quả gây ra thật đáng buồn: kéo dài thời gian thi công, làm đội vốn đầu tư, chất lượng thiết bị kém...

Xét trên thực tế, năng lực của các nhà thầu Trung Quốc thường rất yếu kém. Khi đã trúng thầu, các nhà thầu Trung Quốc thường không tuân thủ các quy định trong hợp đồng. Nhưng, do họ bỏ giá rất thấp nên luôn thắng thầu, nhưng trong quá trình triển khai, các nhà thầu này thường thi công chậm tiến độ, phải hiệu chỉnh nhiều lần, cố tình tìm cách yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh, nâng giá của gói thầu, làm tăng tổng mức đầu tư, và rõ ràng là hiệu quả đầu tư giảm.

Bên cạnh đó, chất lượng thiết bị của nhà thầu Trung Quốc không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế. Họ thường xuyên thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi và bổ sung nhà cung cấp. Do đó, giá hợp đồng thường đội lên rất cao.

Đơn cử một số dự án do nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện, như: Dự án Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 do nhà thầu MCC (Trung Quốc) làm tổng thầu EPC. Sau khi trúng thầu, không những họ không tiếp tục triển khai, mà còn đề nghị tăng giá mới tiến hành, làm cho tổng mức đầu tư tăng và cũng khiến dự án chậm hơn ba năm. Hay như Dự án sản xuất Alumin Tân Rai do nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) trúng thầu (tháng 10/2013) cũng làm tăng tổng mức đầu tư của Dự án thêm 35,37% và khiến tiến độ dự án chậm gần hai năm (Thúy Hiền, 2014).

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có gói thầu chính do Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt (Trung Quốc) thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, nhưng kinh nghiệm của nhà thầu lại là “lần đầu tiên” làm tổng thầu EPC trên lĩnh vực đường sắt đô thị!?

Điều đáng nói, trong các dự án mà các nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu, thì tỷ lệ nội địa hóa bằng 0%, các nhà thầu phụ Việt Nam cũng ít có cơ hội tham gia. Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí nhận xét, đến cái bu lông nhà thầu Trung Quốc cũng đem vào, nếu doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu EPC, thì các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn không có việc gì để làm.

Đến lực lượng lao động, nhà thầu Trung Quốc cũng tuyển người nước họ, từ lao động phổ thông nhất, từ nấu ăn, vệ sinh máy móc, bảo vệ đến kỹ sư, công nhân xây dựng và lắp máy... Chưa dừng lại ở đó, kể cả những vật tư, vật liệu dù rất có sẵn tại thị trường Việt Nam họ cũng không dùng, mà phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có gói thầu chính do nhà thầu của Trung Quốc có kinh nghiệm “lần đầu tiên” thực hiện

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân

Thứ nhất, theo Luật Đấu thầu 2005 (Luật cũ), tiêu chí có giá rẻ nhất luôn được ưu tiên trong lựa chọn nhà thầu. “Nguyên tắc này không giống bất cứ nước nào trên thế giới!”. Chúng ta luôn có tư duy chọn nhà thầu bỏ giá rẻ và điều đó vô tình biến đấu thầu thành đấu giá. Việc ưu tiên giá rẻ khiến các nhà thầu Việt Nam và nhà thầu quốc tế có chất lượng cao không có cơ hội trúng thầu. Các nước trên thế giới lại không chọn những nhà thầu bỏ giá quá rẻ, mà họ chọn nhà thầu bỏ giá hợp lý nhất có thể.

Chính vì ưu tiên giá rẻ nên các nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu hầu hết các dự án lớn ở Việt Nam, bởi nói về giá thì cả thế giới đều phải thua Trung Quốc. Các nhà thầu Trung Quốc thường ra giá thầu thấp hơn giá chuẩn từ 20%-30%, nên khó ai cạnh tranh được. Và thực tế “tiền nào của ấy” cũng cho thấy những hậu quả nhãn tiền (Trần Quyết, Văn Chương, 2014).

Thứ hai, Luật cũ thiếu hướng dẫn về hệ số quy đổi liên quan đến xuất xứ vật tư, phụ kiện hàng hóa khi xét giá, đánh giá gây nhiều khó khăn trong công tác xét thầu, vì thế chỉ chọn được nhà thầu với giá thấp. Nhiều chuyên gia và các nhà thầu đến từ khối các nước công nghiệp phát triển (G7) đều phản ánh, Luật Đấu thầu năm 2005 của chúng ta bỏ qua điều khoản nêu xuất xứ thiết bị để có hệ số đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật và giá trị.

Bên cạnh đó, việc tính điểm thưởng, phạt các nhà thầu không công bằng, nhiều nhà thầu vi phạm ở các dự án khác hoặc không trung thực lại không bị trừ điểm. Thậm chí, một số nhà thầu bị đánh giá kém ở công trình trước, đáng ra phải bị loại bỏ tham gia thầu ở các dự án về sau của chủ đầu tư công trình. Nhưng thực tế, sau một thời gian ngắn, các nhà thầu này lại vẫn được tiếp tục tham gia dự thầu và trúng thầu!?

Thứ ba, do sự ràng buộc khi dự án sử dụng vốn tài trợ của nước ngoài. Các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài thông thường phải tổ chức đấu thầu quốc tế. Khi vay vốn ưu đãi, các nước có quan hệ song phương, hầu hết họ có điều kiện là dành công việc cho nhà thầu của nước họ làm, đây gần như là thông lệ trên thế giới.

Đơn cử như các dự án nhiệt điện, vì nước ta thiếu vốn, một số dự án nhiệt điện vay vốn từ ngân hàng của Trung Quốc, nên buộc phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc, như các dự án nhiệt điện: Quảng Ninh 1, Vĩnh Tân 1, Duyên Hải 1; hoặc đấu thầu hạn chế trong số các nhà thầu Trung Quốc (như dự án Nhiệt điện Cao Ngạn)…

Thứ tư, chủ đầu tư ra "đầu bài" mời thầu chưa sát thực tế. Khi lập dự án, Việt Nam luôn tính suất đầu tư quá thấp. Chẳng hạn như một dự án có thiết bị và công nghệ hiện đại, thì suất đầu tư cần là 1 tỷ USD mới có thể mời các nhà thầu Nhật Bản và nhà thầu châu Âu tham gia, nhưng nếu chỉ lập ra dự án với mức đầu tư 700 triệu USD, thì chỉ phù hợp với nhà thầu của Trung Quốc.

Có thể thấy rõ điều này khi so sánh chi phí thực hiện gói thầu Nhiệt điện Nghi Sơn 1 với Nhiệt điện Hải Phòng 1 (hai nhà máy cùng quy mô công trình là hai tổ máy 300MW). Nhiệt điện đốt than Nghi Sơn 1 được tài trợ bởi nguồn vốn ODA của Nhật Bản có giá ký hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu Marubeni (Nhật Bản) quy đổi là 959 triệu USD (hợp đồng có hiệu lực từ ngày 22/7/2010). Ở dự án Nhiệt điện Hải Phòng 1, giá ký hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu liên danh Đông Phương (Trung Quốc) và Marubeni là 480 triệu USD (hợp đồng được ký kết vào ngày 26/11/2005). Cho dù vật giá thay đổi nhiều sau 5 năm thi công, từ năm 2005-2010, nhưng giá trúng thầu của dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đã tăng lên gấp đôi giá Nhiệt điện Hải Phòng 1. Điều đó chắc chắn cũng đã phản ánh phần nào chất lượng mỗi công trình (Trần Quyết, Văn Chương, 2014). Nghịch lý “giá thầu thấp - thành cao, giá thầu cao - thành thấp” là câu chuyện có thật, không phải hoang đường!

Bên cạnh việc dự toán thấp khiến nhà thầu có chất lượng không tham gia được, còn có việc xác định các yêu cầu tối thiểu về kinh nghiệm và năng lực không hợp lý, làm mất cơ hội của nhà thầu nội. Một công việc chỉ yêu cầu có kinh nghiệm 1 năm, nhưng chủ đầu tư lại yêu cầu nhà thầu có kinh nghiệm tới 5-10 năm hoặc ra điều kiện là nhà thầu phải có năng lực tài chính hơn nhiều lần giá trị gói thầu...

Thứ năm, năng lực của chủ đầu tư yếu kém. Việc xác định năng lực thực tế của các nhà thầu rất cần thiết, nhưng các quy định, văn bản pháp luật liên quan vấn đề này thiếu chi tiết, cụ thể. Mặt khác, sự phối hợp của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn giám sát… trong đánh giá nhà thầu thiếu chặt chẽ, thực hiện quản lý giám sát dự án lỏng lẻo.

Việc thương thảo và ký kết hợp đồng chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm của nhà thầu. Đồng thời, Việt Nam cũng chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các chủ đầu tư không quản lý tốt các dự án.

Những dự án lớn cần thời gian chuẩn bị dài, tính toán đầy đủ mọi yếu tố công nghệ, môi trường, xã hội, nhưng vì chạy theo chỉ tiêu kế hoạch, nên chủ đầu tư đôi khi dành thời gian chuẩn bị cho dự án ngắn, hệ lụy là ra đầu bài mời thầu thường sơ sài. Do vậy, với các dự án vốn ngân sách, luật cần quy định rõ chủ đầu tư phải đáp ứng và tuân thủ đầy đủ các quy định về chuyên môn, trình độ kỹ thuật.

Thứ sáu, các chủ đầu tư dự án lớn dùng vốn nhà nước do muốn “an nhàn”, nên thường thích đấu thầu theo hình thức EPC, ngại trong việc tách các phần công việc để có các gói thầu phù hợp với điều kiện của nhà thầu trong nước. Điều này là nguyên nhân khiến nhà thầu nội mất cơ hội do thầu EPC đòi hỏi vốn lớn, may ra mới dành được vai thầu phụ cho nhà thầu ngoại.

Thứ bảy, năng lực tài chính nhà thầu nội có hạn. Hiện một số chính sách thuế, tín dụng của Việt Nam chưa ưu đãi đối với chủ đầu tư và nhà thầu trong nước, trong khi một số nhà thầu nước ngoài được hưởng ưu đãi, điển hình như Trung Quốc. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc có hẳn một chương trình hậu thuẫn rất mạnh mẽ cho các nhà thầu đi ra nước ngoài nhận thầu. Họ quy định rõ ràng, nếu vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị Trung Quốc đưa vào dự án bằng 15% tổng giá trị dự án đó trở lên, thì các nhà thầu được vay vốn với lãi suất rất thấp và được giảm nhiều thứ thuế, thậm chí có loại còn được miễn thuế (Trần Quyết, Văn Chương, 2014).

Thứ tám, tệ nạn tham nhũng hoành hành gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đấu thầu. Mặc dù, không có con số thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn điều này xảy ra không ít. Ngay cả nhà thầu của Nhật Bản luôn được đánh giá là có chất lượng cao cũng phải hối lộ để có dự án, điển hình như vụ Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ cho một số lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam hơn 700.000 USD mới đây, vụ liên quan đến xa lộ Đông - Tây ở TP. Hồ Chí Minh trước đây… là minh chứng rõ ràng. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao nhà thầu Trung Quốc trúng nhiều dự án mặc dù năng lực cũng như chất lượng công trình thực hiện luôn ở mức thấp, bởi như lời chuyên gia Lê Đăng Doanh “Trung Quốc là bậc thầy của đút lót, hối lộ và lại quả”!

Thứ chín, tính công khai, minh bạch chưa cao. Trong Luật cũ, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu được giữ bí mật. Chẳng hạn, yêu cầu cần giải thích lý do không trúng thầu cho nhà thầu biết, thì Luật Đấu thầu năm 2005 quy định là không có trách nhiệm giải thích lý do (Khoản 2, Điều 41). Trong khi, việc giải thích rõ ràng là một việc làm cần thiết nhằm khẳng định tính minh bạch, khách quan.

Luật mới hy vọng sẽ khắc phục…

Đấu thầu ở Việt Nam có nhiều hạn chế do quy định từ Luật cũ và cả yếu tố chủ quan và khách quan. Nhưng, điều đáng mừng là Luật Đấu thầu mới năm 2013 và Nghị định 63/2013/NĐ-CP, ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu mới ban hành đã có bước “cải tiến” lớn, được nhiều chuyên gia và nhà thầu đánh giá cao, khắc phục được khá nhiều điểm yếu trước đây.

Tại Hội thảo “Cơ chế đấu thầu mới – cơ sở để thắng thầu các hợp đồng trong hoạt động xây dựng” diễn ra ngày 24/7 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu Lê Văn Tăng nhận xét, tất cả những điểm mới của Luật Đầu thấu 2013, trong thực tế cuộc sống mỗi cá nhân đều thực hiện từ lâu khi dùng tiền của mình để đầu tư, mà không cần phải học qua lớp nghiệp vụ đấu thầu nào. Chẳng hạn khi chúng ta xây nhà cho mình thì đều rất chịu khó đi tìm người thiết kế, nhà thầu xây dựng, nguyên vật liệu nào tốt nhất, giá hợp lý nhất, kiểm tra cũng rất sát sao. Tuy nhiên, các dự án dùng vốn nhà nước nên chủ đầu tư cứ làm thế nào tiện nhất cho mình, mà không nghĩ đến hậu quả sau này.

Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63 đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thủ tục, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở tổng hợp các thông lệ quốc tế tốt và rút kinh nghiệm từ thực tiễn lựa chọn nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng, dịch vụ công cộng tại Việt Nam trong thời gian qua.

Hai văn bản này đã khắc phục được tình trạng lấy tiêu chuẩn giá rẻ làm ưu tiên hàng đầu khi áp dụng phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để tăng tính công khai, minh bạch; chú trọng hơn đến chấm điểm uy tín nhà thầu. Từ những quy định này, chúng ta hy vọng sẽ từng bước loại những nhà thầu yếu.

Tuy nhiên, luật tốt chưa hẳn đã giúp giải quyết hết các tồn tại, mà quan trọng hơn là yếu tố thực thi như thế nào? Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, để có thể loại bỏ nhà thầu yếu, cùng với việc có khung pháp lý tốt, Việt Nam cần lưu ý giải quyết những vấn đề sau:

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đấu thầu. Hiện nay, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đấu thầu tại các cơ quan nhà nước, thường kiêm nhiệm mà không phải có chuyên môn riêng về đấu thầu. Điều này là một khó khăn trong quá trình chấm thầu cũng như các công tác quản lý hợp đồng, quản lý dự án sau đó. Chính vì vậy, cần thiết phải có các khóa học, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về đấu thầu cho đội ngũ cán bộ tại các cơ quan, doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh việc triển khai kho dữ liệu về nhà thầu trong nước và nước ngoài, trong đó có đầy đủ thông tin về năng lực đã thực hiện, kinh nghiệm xây dựng các công trình lớn có vốn đầu tư nhà nước... để tăng tính giám sát.

- Chủ đầu tư thay vì mời thầu EPC, cần tách gói thầu lớn nếu thấy có thể thực hiện được. Bởi, điều này sẽ tạo cơ hội nhiều hơn cho nhà thầu nội khi năng lực tài chính có hạn mà năng lực kỹ thuật đôi khi có thừa. Nếu cứ mời thầu các dự án EPC, thì các nhà thầu Việt Nam không có cơ hội thực hiện, không thể học hỏi và lớn mạnh được. Nếu nhà thầu Việt Nam thực hiện, giá có thể rất rẻ, bởi vì nhiều thiết bị của Việt Nam tự sản xuất, giá chỉ bằng một nửa thiết bị cùng loại sản xuất ở nước ngoài. Và, khi được thực hiện nhiều, nhà thầu Việt Nam mới có cơ hội cọ sát để lớn mạnh, nhận được các dự án thầu EPC lớn trong tương lai.

- Bản thân các nhà thầu nội muốn giành lại lợi thế trên sân nhà, thì phải cố gắng, nỗ lực và nghiêm khắc với chính mình, phải tự xây dựng chiến lược và mục tiêu cho mình. Ngay từ những công trình nhỏ phải có phương án tổ chức, quản lý dự án tốt, tạo được tư duy làm việc khoa học để dần hình thành cái chất cần có của nhà thầu.

Nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, như: chủ đầu tư, bộ máy quản lý dự án... Nếu làm đúng các quy định sẽ giải quyết triệt để những tồn tại trong công tác đấu thầu./.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2013). Luật Đấu thầu 2013, số 43/2013/QH13 ban hành 26/11/2013

2. Chính phủ (2014). Nghị định 63/2013/NĐ-CP, ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu

3. Nguyễn Văn Thụ (2014). Đa dạng hóa nguồn cung máy móc thiết bị và cơ hội của ngành cơ khí, Kỷ yếu Hội thảo Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, ngày 3/7/2014, Hà Nội

4. Lê Vân (2014). Từ sự cố của EVN và bài học cảnh tỉnh việc lệ thuộc nhà thầu Trung Quốc,truy cập từ http://kinhtevadubao.com.vn/dien-dan-kinh-te/tu-su-co-cua-evn-va-bai-hoc-canh-tinh-viec-le-thuoc-nha-thau-trung-quoc-2386.html

5. Trần Quyết, Văn Chương (2014). Nghi ngại dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, truy cập từ http://www.doisongphapluat.com/su-kien/246/nghi-ngai-du-an-nhiet-dien-do-nha-thau-tq-thuc-hien.html

6. Thúy Hiền (2014). Nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu, truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/nang-cao-hieu-qua-va-tinh-minh-bach-trong-hoat-dong-dau-thau/272394.vnp

Lê Thế Đức

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 15/2014)