Đặc biệt, tiền lương hầu như không có nhiều tác động đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương từ ngân sách. Hiện trạng này đòi hỏi Việt Nam phải có cuộc cải cách thật sự cơ bản về chính sách tiền lương, nhất là đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách, tạo ra sự đột phá, thúc đẩy năng suất lao động của toàn hệ thống.

Quá trình cải cách tiền lương và những vấn đề đặt ra

Nếu tính những cuộc cải cách tiền lương lớn, cơ bản, thì Việt Nam đã thực hiện 3 lần vào các năm 1960, 1985 và 1993. Năm 1960, chuẩn bị cho năm đầu tiên miền Bắc Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm 1961-1965 xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã thực hiện cải tiến chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội. Năm 1960 đến 1985, do khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, điều kiện kinh tế, thời gian vật chất không cho phép, chúng ta đã phải thực hiện kéo dài chế độ tiền lương tới 25 năm. Đến năm 1985 mới cải cách được chính sách tiền lương lần thứ 2, trong đó có cải cách về bảo hiểm xã hội và chính sách người có công. Nhưng, do phạm phải những sai lầm lớn trong thực hiện cải cách giá cả - tiền tệ - tiền lương, nên chỉ 8 năm sau (năm 1993) chúng ta đã phải thực hiện cải cách chính sách tiền lương và các chính sách có liên quan lần tiếp theo.

Đến năm 2004 một loạt các điều chỉnh, sửa đổi, tưởng như đó là bước tiếp tục thực hiện cải cách cơ bản chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách người có công để thay thế chế độ tiền lương quy định tạm thời năm 1993, nhưng thực chất chỉ là điều chỉnh mức lương tối thiểu do áp lực của giá cả, mở rộng quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa, bỏ bớt một số bậc lương. Điều đáng lưu ý là đã bổ sung, mở rộng khá nhiều các chế độ phụ cấp, trợ cấp riêng lẻ cho các đối tượng theo đề nghị của một số bộ, ngành, cơ quan với phương thức “mạnh ai nấy làm” và “xin - cho”! Gọi là phụ cấp, trợ cấp đặc thù, nhưng không ít cơ quan, đơn vị đã trả cho người hưởng lương từ 1,8 đến trên 2 lần chế độ lương hiện hành.

Nhìn lại sau hơn 22 năm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, với nhiều nghị quyết, văn bản của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước và không ít công sức, tiền của, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách người có công đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động hưởng lương, của các đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nói riềng, cũng như toàn dân nói chung.

Nhưng, nếu xét trong tổng thể, thì chỉ có kết quả của lần cải cách chính sách tiền lương và các chính sách liên quan năm 1993 là đã tạo ra những thay đổi rất cơ bản. Đó là: Mở đầu cho chuyển đổi chính sách tiền lương và các chính sách có liên quan sang cơ chế thị trường; cơ bản tính đúng, tính đủ tiền lương, xóa bỏ bao cấp, đặc biệt đối với lao động trong khu vực sản xuất, kinh doanh; Giảm khá lớn tính bình quân, cào bằng trong chính sách và phân phối tiền lương; Một bước quan trọng tách bạch tiền lương giữa khu vực sản xuất, kinh doanh với khu vực hưởng lương từ ngân sách, giao nhiều quyền chủ động về tiền lương cho doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập có thu, giảm bớt mức độ can thiệp cụ thể, trực tiếp của Nhà nước đối với khu vực này; Hình thành hai trụ cột chính của an sinh xã hội là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tách các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế độc lập với ngân sách nhà nước. Mức ưu đãi người có công được thay đổi cơ bản, cải thiện lớn mức sống người có công và gia đình họ…

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, thì trong hơn 22 năm qua, tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách người có công vẫn còn nhiều bất ổn, hằng năm phải điều chỉnh, mà vẫn còn đầy những hạn chế, bất cập được tích tụ. Cụ thể như sau:

(i) Toàn bộ hệ thống chế độ tiền lương, từ quy định mức lương tối thiểu đến các thang, bảng, mức lương, phụ cấp lương, đến tuyển dụng, xếp lương, trả lương, nâng ngạch, bậc lương… còn thiếu đồng bộ, bất nhất, vẫn mang dáng dấp bao cấp. Tiền lương hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương từ ngân sách, không gắn nhiều với cải cách hành chính. Từ năm 1993 đến năm 2015, chúng ta đã có tới 13 lần điều chỉnh, mức lương tối thiểu chung của khu vực chi từ ngân sách nhà nước tăng từ 120 ngàn đồng lên 1,242 triệu đồng/tháng, gần 10,4 lần. Hằng năm ngân sách nhà nước bố trí hàng chục ngàn tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương, mà chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước không được nâng cao, thậm chí giảm sút. Càng chủ trương tinh giản biên chế, thì biên chế lại càng tăng; nhiều cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương cán bộ lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên; Lực lượng vũ trang bậc quân hàm thì cao, sĩ quan nhiều như hạ sĩ quan, chiến sĩ; Bộ máy quản lý “hợp trên, phình dưới” vẫn trì trệ, phiền hà, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác quá thấp đối với khoảng 1/3 đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang ngày đêm làm việc tận tâm, có trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả, nhưng lại quá cao với nhiều cán bộ, công chức, viên chức làm việc không hiệu quả (khoảng 2/3).

(ii) Tiền lương thực hiện (thực nhận) ngày càng bình quân, chắp vá, phá vỡ quan hệ tiền lương chung. Điều đáng lưu ý là, thu nhập ngoài tiền lương ở nhiều ngành, nghề, vị trí công tác, chức vụ, ngày một biến tướng, tăng cao, đa dạng, phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước. Thu nhập từ các dự án, từ nhà, đất được cấp hoặc mua theo chế độ, giá ngoại giao ngày càng tăng, nhiều hình thức bao cấp trá hình phát triển. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trở nên giàu có, không quan tâm nhiều đến tiền lương, chênh lệch thu nhập, phân hóa giàu - nghèo ngày càng lớn ngay trong nội bộ khu vực nhà nước. Trừ lực lượng vũ trang, bộ phận lớn còn lại tiền lương chưa phải là nguồn thu nhập bảo đảm cuộc sống của người làm công hưởng lương, chưa phải là động lực khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức toàn tâm làm việc, góp phần làm trong sạch bộ máy, chống tham nhũng, tiêu cực, phiền hà.

(iii) Càng xã hội hóa quỹ tiền lương chi từ ngân sách càng tăng cao, gánh nặng đóng góp của người dân và người thụ hưởng cho chi tiêu công, dịch vụ công cộng ngày một lớn, thiếu công khai, minh bạch và không mấy hiệu quả.

(iv) Chính sách bảo hiểm xã hội càng sửa đổi càng thêm rối, phức tạp mà không khắc phục được các hạn chế, bất cập cơ bản trước đó. Chính sách người có công hầu như vẫn do ngân sách nhà nước bảo đảm, chưa thực hiện đúng tinh thần nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng là ổn định mức sống bản thân và gia đình người có công bằng mức sống dân cư tại địa bàn trên cơ sở bảo đảm cơ bản của Nhà nước, sự hỗ trợ của xã hội và bản thân người có công; mức trợ cấp ưu đãi xác định có tính cào bằng, thiếu sự chia sẻ, tạo ra sự chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các đối tượng. Bảo trợ, trợ giúp xã hội tăng cao, nặng về bao cấp, tạo tâm lý ỷ lại của một bộ phận không nhỏ đối tượng thụ hưởng…

Cải cách tiền lương thời gian qua hầu như chưa có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương từ ngân sách

Đâu là nguyên nhân của các bất cập, hạn chế?

Thứ nhất, tiền lương là vấn đề không dễ, chuyển tiếp qua nhiều giai đoạn, bổ sung, sửa đổi chắp vá càng thêm phức tạp, khó hiểu, đòi hỏi từ cơ quan nghiên cứu, soạn thảo đến cấp quyết định cần có kiến thức, hiểu biết sâu sắc, có hệ thống, toàn diện, nhưng trong thực tế quá trình tổ chức nghiên cứu, làm phân tán, gián đoạn, bất nhất; trao đổi, bàn luận chưa đầy đủ, thiếu tường tận, không đi đến cùng làm rõ các vấn đề phức tạp. Do đó, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng Đề án cải cách cơ bản chính sách tiền lương và các chính sách liên quan. Cấp trình và quyết định chính sách thường xuyên yêu cầu chuyên gia nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng, làm rõ các vấn đề trong Đề án, nhưng lại chưa tập trung đầu tư công sức, dành thời gian để nghiên cứu, lắng nghe, hiểu biết rõ những vấn đề quan trọng để có thể trình bày thuyết phục, đưa tới các quyết sách đúng đắn, phù hợp. Trong thực tế không ít trường hợp quyết định vẫn mang tính chủ quan, kinh nghiệm đơn thuần, nặng về chính trị, chưa đủ tầm dài hạn, toàn diện, đồng bộ.

Thứ hai, một trong số các nguyên nhân là chúng ta lúng túng, chưa thể tìm ra cơ chế phù hợp, hiệu quả để tạo nguồn tài chính thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan, chủ yếu vẫn trông chờ vào tăng thu ngân sách trong khi khả năng từ nền kinh tế còn hạn hẹp. Cơ chế tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương đã đề ra cách đây hơn 20 năm, cơ bản không có nhiều thay đổi và không tạo chuyển biến lớn. Cơ chế đặt ra chung chung, thiếu căn cứ và dữ liệu cần thiết, không có phương thức thực thi cụ thể, không giải quyết được vấn đề từ gốc, nặng về khẩu hiệu mục tiêu, mà thiếu đi những hành động cụ thể, thiết thực trong triển khai, thực hiện. Tạo nguồn trong các đơn vị sự nghiệp bằng cơ chế xã hội hóa “theo hướng tính đủ tiền lương và từng bước tính đủ chi phí vào giá dịch vụ” là cực kỳ quan trọng vẫn chỉ là khẩu hiệu, không có đề án cụ thể, khoa học. Vì thế, về tổng thể, càng xã hội hóa, càng khoán, quỹ tiền lương và biên chế càng tăng, tỷ trọng tăng chi ngân sách nhà nước không giảm.

Thứ ba, thời gian trải nghiệm của lần cải cách tiền lương năm 1993 đến nay đã 22 năm là không ít, nhưng quyết tâm chính trị chưa thật sự cao để xây dựng, thực hiện nghiêm ngặt, đồng bộ cả chiều rộng lẫn chiều sâu Đề án cải cách, ngại thay đổi, ngại đụng chạm, mặc dù thấy rõ nội dung cải cách là cần thiết. Quá trình thực hiện thiếu sự chỉ đạo tập trung, chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung Đề án đã được thông qua, buông lỏng quản lý, để xảy ra những cách làm xé lẻ, mạnh ngành nào ngành đó làm, sửa đổi, bổ sung nhiều chế độ thiếu cân đối, thiếu đồng bộ, phá vỡ quan hệ tiền lương chung. Điều đó dẫn tới chính sách tiền lương và các chính sách có liên quan ngày càng chắp vá, bất hợp lý.

Cần có quyết tâm chính trị để thực hiện

Hơn 22 năm liên tục thực hiện cải cách chính sách tiền lương và các chính sách liên quan là cuộc cải cách kéo dài có tính lịch sử, không thể giải quyết được trong một sớm, một chiều và đòi hỏi phải có cuộc cải cách thật sự cơ bản để phá vỡ sự bế tắc này.

Theo tôi, cần tách hoàn toàn tiền lương của khu vực chi từ ngân sách với tiền lương khu vực tự trang trải. Trong khu vực chi từ ngân sách tiếp tục tách riêng tiền lương của cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang với tiền lương của viên chức để nghiên cứu hình thành cho từng nhóm đối tượng một hệ thống chế độ tiền lương đồng bộ, khoa học, gắn với quá trình thực tế phát triển, tiền lương phải là nguồn thu nhập chính gắn với sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng, trở thành động lực, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tận tâm với công vụ, công việc.

Đi đôi với chế độ tiền lương là quy định các biện pháp, cơ chế mạnh mẽ, có căn cứ lý luận và thực tiễn để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương. Đặc biệt, chú trọng thực hiện xã hội hóa dịch vụ giáo dục, y tế công lập trên cơ sở hạch toán kinh tế (không hạch toán kinh doanh) trên cơ sở tính đúng, tính đủ mọi chi phí. Trong đó, Nhà nước bảo đảm phần cơ bản, phần còn lại là sự đóng góp của người thụ hưởng và cộng đồng xã hội. Quy định các điều kiện cần và đủ để thực hiện tiền lương cải cách trong từng cơ quan, đơn vị; Xóa bỏ hoàn toàn chế độ bao cấp...

Tiền lương là vấn đề phức tạp, nhưng không phải không có phương thức giải quyết, điểm mấu chốt là Đảng và Nhà nước cần xác định quyết tâm chính trị, tổ chức và có phương thức nghiên cứu một cách khoa học, gắn với thực tiễn để xây dựng một đề án cải cách mới thật sự cơ bản, đồng bộ chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách người có công. Đề án mới cần khắc phục phần lớn các bất cập, hạn chế tồn đọng từ nhiều năm nay, làm cho chính sách tiền lương và các chính sách liên quan trở thành động lực, tác động đa chiều trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội khi cả nước đón chào Đại hội Đảng lần thứ XII, vui đón Xuân mới – Xuân Bính Thân, hứng khởi bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020./.