Tiềm năng lớn

Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, ở vị trí chiến lược rất quan trọng, với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta là xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển) đứng đầu các nước Đông Dương, trên Thái Lan và xấp xỉ Malaysia.

Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 nêu rõ, Việt Nam có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km2), diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế khoảng trên 1.000.000 km2.

Trên cả nước có 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Vùng biển Việt Nam có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ với diện tích phần đất nổi khoảng 1.636 km2, được phân bố chủ yếu ở vùng biển Đông Bắc và Tây Nam với những đảo nổi tiếng để phát triển du lịch, như: Bạch Long Vĩ, Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Sơn, Cồn Cỏ, Cát Bà… và những quần đảo có vị trí đặc biệt quan trọng như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa...

Điều đáng kể là hơn một nửa diện tích biển nước ta thăm dò có dầu khí - nguồn tài nguyên mũi nhọn trong ngành năng lượng quốc gia, toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn quy dầu. Ngoài dầu, Việt Nam còn có khí đốt với trữ lượng khai thác khoảng 3.000 tỷ m3/năm. Trữ lượng đã được thăm dò là gần 550 triệu tấn dầu và trên 610 tỷ m3 khí. Trữ lượng khí đã được thẩm lượng, đang được khai thác và sẵn sàng để phát triển trong thời gian tới vào khoảng 400 tỷ m3.

Trữ lượng hải sản đa dạng, phong phú các loài như cá biển, tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… cũng mang lại nguồn thu lớn. Vùng biển Việt Nam có hơn 2.458 loài cá, gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, trữ lượng cá có thể đánh bắt hàng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Các loài động vật thân mềm ở Biển Đông có hơn 1.800 loài, trong đó có nhiều loài là thực phẩm được ưa thích, như: mực, hải sâm,

Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt với hàng trăm bãi tắm trải đều từ Bắc vào Nam, như: Trà Cổ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng, Lăng Cô, Mỹ Khê, Đại Lãnh, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né, Vũng Tàu, Hà Tiên…

Hiện nay, Việt Nam có đến 6/7 di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới được UNESCO công nhận đều nằm ở các tỉnh ven biển (Quảng Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Ninh Bình)… Đây là những điều kiện thuận lợi để du lịch biển phát triển mạnh hơn. Một số địa danh du lịch biển của Việt Nam đã được biết đến trên phạm vi toàn cầu, như: Vịnh Hạ Long - hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới; Vịnh Nha Trang được coi là một trong những vịnh đẹp nhất hành tinh; bãi biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh.

Song, lợi thế vẫn chưa được hiện thực hóa

Đánh giá một cách tổng thể, sự phát triển của kinh tế biển, đảo ở nước ta vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có. Quy mô kinh tế biển của Việt Nam hiện mới chỉ đạt khoảng hơn 10 tỷ USD, trong khi sản lượng kinh tế biển của thế giới ước 1.300 tỷ USD; trong đó, Nhật Bản là 468 tỷ USD, Hàn Quốc là 33 tỷ USD.

Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47-48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” mới đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước.

Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển.

Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, đóng và sửa chữa tàu biển, thông tin liên lạc... bước đầu phát triển, nhưng hiện tại quy mô mới chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước.

Cơ cấu các ngành kinh tế vùng ven biển cũng có sự thay đổi tuy chưa mạnh và rõ nét. Tỷ trọng GDP nông nghiệp trong tổng GDP từ kinh tế vùng ven biển giảm từ 17,8% năm 2010 xuống 16,6% năm 2012; tỷ trọng GDP ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 35,6% năm 2010 lên 35,8% năm 2012; các con số tương ứng đối với ngành dịch vụ là 46,7% và 47,6% (Trần Hồng Quang, Hồ Công Hường, 2014).

Các khu công nghiệp ven biển chiếm 40% tổng số khu công nghiệp cả nước, với tổng diện tích đất tự nhiên 0,29 triệu ha với diện tích có thể cho thuê là 0,19 triệu ha và đạt tỷ lệ lấp đầy 59% (toàn quốc đạt 68%) mang lại nguồn doanh thu hàng năm đạt 7-8 tỷ USD và 15-16 nghìn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 5-6 tỷ USD.

Quốc phòng, an ninh trên biển, đảo được bảo đảm; các lực lượng bảo vệ biển đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tạo điều kiện hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế trên biển, đảo; ý thức của nhân dân bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển được nâng lên.

Cơ sở vật chất hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo tuy đã được quan tâm đầu tư mới, nhưng còn yếu kém. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp. Các chỉ tiêu hàng hoá thông qua cảng trên đầu người chỉ bằng 1/140 của Singapore, 1/7 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan.

Phải thay đổi tư duy kinh tế biển

Thực tế, đã đến lúc Việt Nam cần có những đột phá mới trong tư duy và chiến lược phát triển kinh tế biển.

Theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để phát triển kinh tế biển, Việt Nam phải chuyển nhanh từ phương thức “mò cua bắt ốc” sang phương thức kết hợp: khai thác mặt tiền (biển – lợi thế địa chiến lược) + tự do hóa (thể chế vượt trước). Đây là công thức thành công của nhiều quốc gia đi trước trong nỗ lực phát triển kinh tế biển để trở thành cường quốc biển.

Đặc biệt, để khẳng định chủ quyền biển thực sự, Việt Nam phải có các hạm tàu lớn và có các doanh nghiệp kinh tế biển mạnh. Muốn vậy, trong điều kiện hiện tại Việt Nam cần phát triển ngành vận tải biển (cảng và hàng hải). Phát triển ngành công nghiệp đóng tàu tuy không phải là điều kiện bắt buộc để phát triển ngành vận tải biển, song trong bối cảnh hiện đại, Việt Nam có thể làm điều đó một cách hiệu quả (nhưng không theo kiểu Vinashin). Đồng thời, cả hệ thống kinh tế “mặt tiền” – đô thị biển và du lịch biển (bờ, biển, đảo) – cũng phải phát triển mạnh.
Nhưng để có sự hiện diện thực chất đó, chúng ta còn phải có nhiều thứ khác - nền khoa học và công nghệ biển tiên tiến, nguồn nhân lực tốt, các cảng biển tầm cỡ và các khu kinh tế biển mạnh, có sức cạnh tranh và hấp dẫn quốc tế mạnh.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, coi đây là một điều kiện cơ bản để xây dựng chiến lược tổng thể.

Ngoài ra, cần đầu tư và kêu gọi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn huy động cho phát triển kinh tế biển, có cơ chế, chính sách quản lý đặc thù phù hợp với từng tổ chức, cá nhân yên tâm phát triển kinh biển cũng như không ngừng đổi mới công nghệ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quá trình sản xuất, kinh doanh./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2007). Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/2/2007 về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020

2. Phan Ngọc Mai Phương, Nguyễn Hoàng Hà, Hồ Công Hường (2014). Hướng đi nào cho các ngành kinh tế biển chủ lực trong cục diện mới, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 5, tháng 03/2014

3. Lê Đăng Tuấn (2015). Để phát triển kinh tế biển Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 4, tháng 02/2015

4. Trần Hồng Quang, Hồ Công Hường (2014). Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của Việt Nam, Nhịp cầu Tri thức, số 07 (79), tháng 7/2014