Tinh vi trong những hợp đồng kinh tế lớn

Trong quan hệ kinh tế, từ thăm dò đến chính thức đặt vấn đề, người Trung Quốc thường xúc tiến rất nhanh lẹ. Đó là một trong những yếu tố làm cho nhiều người rất thích và mong muốn hợp tác, trở thành đối tác với Trung Quốc và gạt bỏ những đối tác tiềm năng khác để dành ưu ái cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như vậy. Việc nhanh và chậm với Trung Quốc đều có ý đồ mà một phần là tối đa hóa lợi ích, và một phần là đánh gục cả đối thủ lẫn đối tác.

Trung Quốc luôn rất sốt sắng trong việc cho ra những sản phẩm của sự hợp tác. Đó là hồ sơ chào hàng với những nội dung mặc định như mẫu mã, chủng loại, số lượng, giá cả, thời gian giao nhận, cách thức thanh toán và yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, với Trung Quốc thì yêu cầu kỹ thuật lại không được xem là yếu tố quyết định, mà thay vào đó là giá cả - yếu tố tài chính mới là cơ sở quyết định cho khởi đầu một quá trình kết hợp, hợp tác, chuyển giao hay trao đổi trong việc thiết lập các quan hệ kinh tế của họ với các đối tác.

Từ việc đảo ngược quy trình giữa kinh tế - kỹ thuật và kinh tế - tài chính, Trung Quốc đã không bám theo mục đích hai bên cùng có lợi trong hoạt động kinh doanh, mà chỉ phục vụ lợi ích kinh tế của mình.

Qua những hiện tượng diễn ra trong quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với các đối tác, người ta nhận ra rằng sản phẩm nào đó mà người mua, người đặt hàng, người mời thầu - người có nhu cầu - chỉ cần nêu lên ý tưởng hay ý định, thì phía Trung Quốc sẽ tiếp cận để trở thành bên cung ứng bắt đầu từ yếu tố giá cả. Nghĩa là với Trung Quốc, thì mức giá nào họ sẽ đưa ra sản phẩm cho giá đó (tiền nào - của ấy). Nghe thì có vẻ hợp lý, không có gì bất thường.

Nhưng trong sản xuất, kinh doanh, thì có mức thấp nhất cho chi phí sản xuất, hình thành nên giá thành tối thiểu - tức là hao phí không thể thấp hơn được nữa. Song với Trung Quốc thì giá nào người ta cũng làm được, vì vậy sẽ có những sản phẩm mà Trung Quốc chào bán, bỏ thầu thấp hơn cả giá thành tối thiểu.

Trung Quốc làm cho đối tác không thể hiểu được và cũng không thể từ chối sự hợp tác của Trung Quốc được. Đó là lý do Trung Quốc có thể thắng thầu gần như bất cứ công trình nào mà họ tham gia.

Trung Quốc có thể vượt qua tất cả đối thủ cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp sản phẩm thiết yếu cho bất cứ quốc gia nào nếu họ xúc tiến, hợp tác. Tuy nhiên, khi bước vào triển khai thì mọi việc mới trở nên nan giải. Gần như tất cả các công trình của Trung Quốc làm chủ thầu hay là nhà cung cấp chính đều phát sinh tăng giá, tăng chi phí tài chính (chưa nói đến các yêu cầu kỹ thuật theo kiểu “tiền nào - của ấy”). Nguyên nhân không khó nhận ra, những giá cả ban đầu mà Trung Quốc đưa ra hấp dẫn những chủ đầu tư là những tính toán không sát thực. Kết cục sẽ gây thiệt hại, thậm chí thiệt hại rất lớn cho chủ đầu tư, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, làm giảm nhịp độ phát triển kinh tế.

Đó là nguyên nhân mà Indonesia vừa yêu cầu dừng việc triển khai công trình đường sắt cao tốc do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận cuối tháng 1 vừa qua. Tuy dự án này đã được Bộ Môi trường thông qua nhưng Bộ Giao thông Indonesia đã từ chối cung cấp giấy phép cho nhà thầu Trung Quốc và buộc nhà thầu Trung Quốc phải dừng thi công chỉ một tuần sau lễ động thổ. Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Indonesia Ignasius Jonan cho biết nhà thầu chưa cung cấp các văn bản theo yêu cầu nên Chính phủ Indonesia chưa thể cấp phép cho dự án này.

Ông Hermanto Dwiatmoko, giám đốc dự án đường sắt của Bộ Giao thông Indonesia, tiết lộ: “Chúng tôi muốn tuyến đường sắt này có thể được sử dụng trong vòng 100 năm, thay vì 60 năm như bản thiết kế của phía Trung Quốc”.

Theo hợp đồng giữa công ty Trung Quốc và chính phủ Indonesia, nhà thầu này sẽ giao lại tuyến đường sắt trên cao hoàn toàn cho Indonesia sau 50 năm. Trước đó, báo chí trong nước cho biết chính phủ Indonesia đã yêu cầu gia hạn thời gian bàn giao này thêm 10 năm vì lo sợ đường sắt trên cao do Trung Quốc sản xuất có thể không “thọ” đến 40 năm.

Một vấn đề khác theo ông Dwiatmoko, đó là khoảng cách giữa các đường ray theo thiết kế không đảm bảo được an toàn. Thiết kế của phía Trung Quốc cho thấy khoảng cách giữa các đường ray là 4,6 m và tốc độ tối đa của tàu là 350 km/h. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tính toán, các đường ray trung tâm phải cách nhau 5 m thì mới đạt được tốc độ như vậy, còn nếu khoảng cách là 4,6 m thì tốc độ tối đa chỉ là 250 km/h.

“Sẽ rất nguy hiểm nếu khoảng cách đường ray không đủ. Đoàn tàu sẽ có thể chạy ra khỏi đường ray nếu đi tốc độ quá cao. Đây là vấn đề an toàn rất quan trọng. Công ty Trung Quốc cần phải xem xét lại để đảm bảo các yêu cầu an toàn trên thì chúng tôi mới tiếp tục đàm phán về dự án”, ông nói.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều nước khác. Mới đây, Chính phủ Myanmar đã đóng băng và hủy 3 dự án với Trung Quốc, gồm kế hoạch thủy điện Myitsone (3,6 tỷ USD), khai thác mỏ đồng Letpadaung (1 tỷ USD) và dự án đường sắt Vân Nam-Rakhine (20 tỷ USD).

Không chỉ các quốc gia châu Á từ chối những dự án đường sắt do Trung Quốc trúng thầu, tháng 11/2014, South China Morning Post đưa tin, Mexico đã hủy bỏ gói thầu xây dựng tuyến đường sắt trị giá 3,75 tỷ USD của nhà thầu Trung Quốc trong bối cảnh dấy lên làn sóng phản đối của dư luận về quá trình đấu thầu, phủ bóng đen lên chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Enrique Pena Nieto.

Ngay tại Việt Nam, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đội vốn lên thêm 315 triệu USD (ban đầu giá thắng thầu là 552,8 triệu USD), trong số đó phần vốn vay của Trung Quốc phải tăng thêm trên 250 triệu USD. Đáng chú ý, trong khoản này, riêng các chi phí thuộc hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc đã đội lên hơn 248 triệu USD. Chỉ gần 2,2 triệu USD là thuộc chi phí dự phòng tăng thêm.

Rất dễ nhận thấy độ mấp mô của đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Theo lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, đây là dự án ODA sử dụng vốn vay Trung Quốc, ngay từ khi ký hợp đồng và triển khai đến nay tồn tại nhiều vấn đề về thủ tục pháp lý, về tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức đơn giá.

Cụ thể, trong thiết kế, thi công, thiết bị… một số hạng mục chưa có quy trình của Việt Nam, chủ đầu tư là phía Việt Nam phải sử dụng quy trình, công nghệ chủ yếu của Trung Quốc, nên khó khăn trong thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, làm chủ công nghệ. Đặc biệt, dự án ngay từ khi thực hiện không có chỉ dẫn kỹ thuật (Tổng thầu báo cáo ở Trung Quốc không phải làm chỉ dẫn kỹ thuật), nên trong quá trình thực hiện các nhà thầu phụ Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, dự án lại sử dụng định mức của cả Trung Quốc và Việt Nam là chưa thống nhất, hệ thống định mức tỷ lệ phần trăm của Trung Quốc cao hơn nước ta. Một số hạng mục có thể lập dự toán của Việt Nam hoặc Trung Quốc cho ra kết quả khác nhau gây khó khăn khi thẩm tra, thẩm định và phê duyệt, đặc biệt trong công tác hậu kiểm, quyết toán dự án sau này.

Cho đến cả những thương vụ nhỏ

Bằng visa du lịch, một số thương lái Trung Quốc đi đến khắp các vùng quê của Việt Nam từ Bắc đến Nam thu mua những nông sản một cách lạ đời. Điều đáng bàn là việc này diễn ra trong nhiều năm, cứ lặp đi, lặp lại mà chưa có các giải pháp xử lý triệt để cả từ phía các bộ ngành, địa phương cũng như chính người dân.

Cách làm của họ thường là giấu mặt, bỏ tiền thuê người Việt làm đầu mối thu mua, dùng hiệu ứng “tâm lý đám đông” truyền miệng ngầm định về cái lợi của việc mua nông sản, đánh đúng vào lòng tham “vì lợi ích trước mắt” của nhiều người. Sau khi chính quyền địa phương vào cuộc điều tra, đưa ra cảnh báo hoặc có sự phản ứng từ phía người dân, báo chí, thì thương lái dừng mua và bỏ trốn. Đầu mối thu mua của Việt Nam đến lúc đó không tìm thấy thương lái Trung Quốc đâu nên chỉ biết khóc dở, mếu dở, vì đã “găm hàng” với khối lượng lớn. Trong một số trường hợp, đầu mối này cũng biến mất theo thương lái.

Tưởng như họ phải bỏ ra khối lượng tiền nhiều, nhưng thực chất với phương châm “lấy mỡ nó rán nó”, chi phí bỏ ra họ chẳng mất là bao. Trong nhiều trường hợp, chính họ là chủ thể phân phối cho các đầu mối thu mua để thu lại tiền vốn ban đầu. Như vậy, chỉ có đầu mối thu mua sẽ bị thiệt hại vì găm hàng để bán cho thương lái.

Những hành động mang tính chất vỏ bọc là giao thương này thực chất là hành động phá hoại có chủ đích. Chúng ta không nhận thức được mức độ nghiêm trọng lâu dài và có biện pháp thích ứng, sẽ làm mất uy tín giao thương giữa hai nước. Quan trọng là, tạo ra những hệ lụy lâu dài đối với nông sản và nông dân Việt Nam, như: mùa màng bị phá hoại, môi trường sinh thái bị mất cân bằng, làm giảm sinh trưởng của cây, làm ảnh hưởng đến chăn nuôi, sức kéo bị triệt phá nghiêm trọng, ảnh hưởng đời sống cho từng gia đình nông dân, phá hoại thương hiệu, giảm giá trị nông sản của Việt Nam.

Đó là chưa tính đến những cây trồng, vật nuôi quý hiếm trong sách đỏ có nguy cơ tiệt chủng vì thương lái Trung Quốc. Sách đỏ cứ ghi động thực vật quý hiếm cần được bảo tồn, còn nông dân Việt trước sự gây mù mờ thông tin trên thị trường của thương lái Trung Quốc vẫn cứ đua nhau thu mua động, thực vật quý hiếm như chặt cây gỗ sưa, cây mật gấu…

Hiểu để trị tận gốc

Như đã nói, thương gia Trung Quốc mua nhiều thứ rất khó hiểu: lá điều khô, rễ hồ tiêu, con banh lông, con đỉa... Lợi dụng hiệu ứng đám đông, đa cấp... nên Trung Quốc không quá tốn sức để khiến người dân Việt Nam sập bẫy. Vậy, trước khi thấy mình có lợi, chúng ta hãy xem thương lái Trung Quốc được lợi gì, làm gì để tránh hiệu ứng đám đông, đa cấp, tránh mắc lừa.

Có thương hiệu chè bị lao đao vì thủ đoạn làm chè bẩn, mua gạo độn cát sỏi …, rồi cuối cùng là để bôi xấu thương hiệu Việt Nam. Qua các giao kèo lỏng lẻo, không ít người Việt Nam vẫn đang lầm tưởng Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhưng nếu cứ tiếp tục làm ăn lâu dài theo lối này để lúc được, lúc mất, lúc mắc lừa, thì cái giá phải trả còn đắt hơn là không còn tâm trí để hoàn thiện công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng vươn ra các thị trường văn minh khác, tuy khó tính, nhưng làm ăn đàng hoàng.

Một cái mất to lớn nữa mà suy cho cùng cũng là mắc bẩy lối làm ăn của người Trung Quốc, đó là mất lòng tin của chính người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa Việt Nam, nếu cứ tiếp tục làm ăn theo kiểu chộp dật, lừa lọc, thiếu trách nhiệm lương tâm với người tiêu dùng, như sử dụng hóa chất độc hại giá cực rẻ (chủ yếu qua con đường tiểu ngạch từ Trung Quốc vào nước ta) để bảo quản rau, củ quả, để chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất không theo chuẩn quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm… Thực tế người tiêu dùng Việt Nam đang quay lưng với nhiều mặt hàng ăn uống, nhiều chuỗi cung ứng bán lẻ đang rơi vào tay nước ngoài để phân phối hàng nhập khẩu… là những hồi chuông báo động cho chính người Việt Nam, trước hết là người sản xuất chân chính, người quản lý thị trường của các cơ quan chức năng.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, cần có một nghiên cứu, khảo sát, báo cáo đầy đủ về các thủ đoạn, hành vi của thương lái Trung Quốc trên cơ sở đó, Bộ Công thương có hướng dẫn cụ thể, đối với thương lái không có lai lịch, đăng ký khi mua cần phải báo cáo và phải ngăn chặn về mặt pháp luật hoặc thông báo đến nông dân, địa phương để có biện pháp phòng ngừa, cảnh giác.

Theo các chuyên gia, để hạn chế thiệt hại do hành vi mua bán bất thường của thương nhân Trung Quốc, các địa phương, bộ, ngành liên quan cũng cần tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, các kỹ năng cho người dân địa phương để họ tự biết cách đề phòng. Đặc biệt, khi phát hiện hành vi bất thường cần phải báo cơ quan chức năng, địa phương để tư vấn, xử lý kịp thời.

Đó là chuyện nhỏ, còn chuyện đại sự quốc gia, đối với các gói thầu lớn, thì tránh đấu giá. Thời gian qua, chúng ta đã vô tình biến đấu thầu thành đấu giá, vì ham rẻ mà đã mắc bẫy nhiều nhà thầu Trung Quốc. Vì vậy, Luật Đấu thầu sửa đổi đang khắc phục điều này. Giá là khâu xét đến cuối cùng sau khi qua các khâu về công nghệ, tiến độ./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/bay-kep-cua-trung-quoc-va-bai-hoc-duong-sat-viet-nam-3300155/

http://anninhthudo.vn/xa-hoi/muon-van-thu-doan-ban-cua-thuong-lai-trung-quoc-nhieu-loan-thi-truong-viet-nam/616728.antd

http://www.vietnamplus.vn/duong-sat-tren-cao-doi-von-hon-800-trieu-usd-cho-vay-tu-trung-quoc/318094.vnp

http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/the-gioi/nha-thau-trung-quoc-di-dau-cung-bi-de-chung.html