Chỉ một tờ khai hải quan nhưng doanh nghiệp phải chuẩn bị kèm theo 500 giấy tờ liên quan. Ảnh: DDDN

Tiết kiệm 6,6 ngàn tỷ/năm nếu giảm giờ nộp thuế

Tiết kiệm 6,6 ngàn tỷ/năm nếu giảm giờ nộp thuế

Hệ quả của thủ tục rườm ra, chồng chéo là tăng trưởng của nền kinh tế chưa đạt được mức tiềm năng. Theo tính toán của ông Olin McGill - chuyên gia Tổ chức Hỗ trợ phát triển Mỹ (USAID), chi phí hàng năm mà một cán bộ doanh nghiệp phải bỏ ra để làm thủ tục làm thuế là trên 24 triệu đồng. Với tổng số giờ nộp thuế là 872 giờ, doanh nghiệp đang tiêu tốn khoảng 20 tỷ đồng cho công việc này. Nếu cả nước có khoảng 400.000 doanh nghiệp, số tiền thất thoát lên tới 8.000 tỷ đồng.

Thậm chí, việc chậm trễ trong thủ tục đưa hàng hóa qua biên giới có thể khiến GDP Việt Nam mất đi gần 30% và làm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 15%.

Ông Olin McGill cũng cung cấp thêm thông tin là, năm 2010, khi phải mất tới 1.050 giờ nộp thuế, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải tốn mất 9,8 nghìn tỷ đồng chi phí. Nhưng đến nay, giảm được 872 giờ nộp thuế, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được tới gần 1,8 nghìn tỷ đồng.

Nghị quyết 19 đặt mục tiêu tới năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải ngang bằng mức trung bình của các nước ASEAN +6. Điều đó có nghĩa, số giờ nộp thuế sẽ phải giảm từ 872 giờ hiện nay xuống chỉ còn 171 giờ. Như vậy, với việc giảm 701 giờ, chi phí tiết kiệm đuược sẽ lên tới 6,6 nghìn tỷ đồng. Trung bình mỗi người nộp thuế cũng sẽ tiết kiệm được 16,5 triệu đồng/năm.

Đối với lĩnh vực thương mại qua biên giới, hiện các DN đang phải mất tới 21 ngày làm thủ tục xuất nhập khẩu. Ông Olin cũng cho biết, để tiến tới TOP 10 của khu vực, Việt Nam sẽ phải giảm 14 ngày cho thời gian xuất khẩu và giảm 16 ngày thời gian nhập khẩu.

Khi làm được như vậy, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 27,7%. Ngược lại, nếu không cải thiện, Việt Nam sẽ chịu thất thu thương mại lên tới 14,98% tổng kim ngạch xuất khẩu.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bổ sung thêm: Nếu chúng ta cắt giảm được 1 ngày về thủ tục thông quan qua biên giới, chi phí tiết kiệm được sẽ bằng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong một năm, tương đương 2,7 tỷ USD.

"Rõ ràng, việc giảm 1 ngày thông quan sẽ giảm rất lớn chi phí cho cả doanh nghiệp và nhà nước. Lợi nhuận của doanh sẽ tăng lên, giá trị gia tăng sẽ tăng lên, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ trong việc tăng trưởng nền kinh tế", TS. Cung nói.

Việt Nam chưa cải cách được bao nhiêu

Việt Nam đang đứng thứ 99/189 nước. Thứ hạng không ấn tượng lắm, bởi Việt Nam đang xếp ở thứ hạng trung bình, cách xa mục tiêu đặt ra và cách xa Singapore.

Dẫn chứng 3 chỉ số chính là điện, thuế và giao thương qua biên giới, ông Olin lấy làm tiếc là Việt Nam đang không có mấy tiến bộ trong tiến hành cải cách.

Cụ thể, chỉ số Tiếp cận điện đứng ở gần bét bảng. Giao thương qua biên giới cũng khó khăn. Hải quan cũng khó khăn với rất nhiều thủ tục đặt ra. Chỉ số nộp thuế vẫn là vấn đề nghiêm trọng.

“Ở Việt Nam để hoàn tất những thủ tục liên quan đến thuế, doanh nghiệp phải khai lại nhiều lần những thông tin giống nhau tại các cơ quan khác nhau. Mỗi lần có giao dịch gặp gỡ giữa doanh nghiệp với quan chức, lại là một cơ hội cho hối lộ và tham nhũng.

“Vì vậy, phải giảm bớt cơ hội này bằng liên thông giữa các cơ quan, hợp lý hóa, tự động hóa để giảm bớt thủ tục khai báo này”, ông Olin đề xuất.

Ở một góc độ khác, chuyên gia Phạm Chi Lan, nguyên thành viên của Ban nghiên cứu của Thủ tướng chia sẻ, Nghị quyết 19 là sáng kiến của hội đồng nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh. Nghị quyết đó được nhóm 8 người thiết kế ra chỉ trong vòn 1 tuần lễ, Chính phủ phải mất gần 3 tháng mới đưa được ra Nghị quyết 19, nhưng lại cần tới 4 tháng để khởi động.

“Sợ là sau khi cuộc họp này giải tán, những điều đã bàn vẫn để đó chưa thể đưa vào thực hiện. Trong khi, năm 2015 là thời gian 1 loạt cam kết quốc tế mới được hình thành đã tiến rất gần. Nếu Việt Nam không thay đổi, mà vẫn như hiện tại, thì không thể cạnh tranh ASEAN 6”, bà Lan khuyến cáo.

Mục tiêu 171 giờ/năm: Thách thức lớn, nhưng vẫn phải làm!

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết mục tiêu hàng đầu hiện nay là cải cách thủ tục hành chính, đến hết năm 2015 phải giảm số giờ nộp thuế từ 872 giờ về còn 171 giờ. "Đây là thách thức rất lớn", ông bày tỏ.

Văn phòng Chính phủ vừa công bố kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan sau cuộc làm việc với 2 ngành này ngày 9/7. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu từ nay đến cuối năm 2014, ngành thuế cần giảm thời gian thực hiện thủ tục khai, nộp của doanh nghiệp còn không quá 300 giờ một năm.

Đến năm 2015, con số này phải đạt ngang mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ). Số lần nộp cũng được yêu cầu giảm tối thiểu bằng với mức trung bình khu vực. Ngoài ra, số doanh nghiệp tham gia kê khai thuế điện tử đến cuối năm cũng phải đạt 95%.

Song, lãnh đạo Bộ Tài chính thể hiện quyết tâm khi "khó cũng phải có giải pháp", trong đó phải mang tầm chiến lược và đơn vị thực hiện phải thực sự cầu thị.

Về việc doanh nghiệp đang mất nhiều để chuẩn bị tờ khai thuế và hải quan, vị này cũng thừa nhận có tình trạng hàng hóa muốn qua biên giới phải qua nhiều khâu, như; cảng vụ, biên phòng, đơn vị quản lý cảng, khả năng lưu thông đường bộ, bốc xếp,cơ quan quản lý thị trường… Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị phân định rạch ròi những vấn đề nào đáng phải kiểm tra, đồng thời đầu tư máy móc để kiểm tra hàng hóa ngay khi thông quan, tránh việc về đến địa phương mới làm thủ tục chứng minh.

Ông cũng thừa nhận, hải quan điện tử đang không mang nhiều lợi ích vì quy định phải in thêm giấy tờ bổ sung. Để khắc phục điều này, Thứ trưởng đề xuất, cần trang bị cho cơ quan quản lý thị trường máy đọc các mã vạch để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa.

Ngoài ra, quy định hiện tại đang yêu cầu doanh nghiệp khai và nộp thuế thu nhập 4 lần một năm và phải quyết toán vào ngày 31/3 năm sau. Để giảm thiểu thời gian, Thứ trưởng cho rằng, mỗi kỳ doanh nghiệp có thể tiến hành nộp thuế, sau đó đến kỳ hạn quyết toán, nếu thấp hơn số đã nộp thì có nộp thêm hoặc được hoàn nhập trong trường hợp ngược lại.

“Với việc khai thuế giá trị gia tăng (VAT), hiện doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng thì được khai theo quý, nhưng nếu dãn ra từ 20-50 tỷ đồng thì 96% được khai theo quý, giúp tiết kiệm được 88 giờ”, Thứ trưởng tính toán.

Theo kế hoạch trước mắt, từ nay tới cuối năm 2014 sẽ phải giảm 354 giờ nộp thuế, xuống còn 518 giờ và giảm tiếp về 171 giờ vào cuối năm 2015. "Chúng tôi mong các tổ chức quốc tế và đơn vị liên quan cùng nhau làm việc để xác định rõ mục tiêu cụ thể từ thì đến năm sau mới đạt được mục tiêu 171 giờ", Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong trung hạn, vị lãnh đạo này khẳng định phải đảm báo tính bền vững, bởi sau khi hội nhập năm 2015, thời gian nộp thuế ở mức bình quân khu vực 171 giờ như hiện tại xác định có thể không còn hợp lý. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng thế giới xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro, giúp hoàn thiện chính sách thuế và quy trình hành chính theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, thời gian nộp thuế cũng bao gồm thời gian làm thủ tục nộp bảo hiểm xã hội nên Bộ Tài chính yêu cầu lãnh đạo hai cơ quan cùng đánh giá thực trạng, phân chia mục tiêu cụ thể, trong đó có thể tính đến việc thống nhất mã số thuế với mã số đóng bảo hiểm xã hội.

Trước những đề xuất cũng như quyết tâm của lãnh đạo Bộ Tài chính, TS. Nguyễn Đình Cung kỳ vọng: "Với áp lực từ bên trong và động lực bên ngoài, quá trình cải cách sẽ mạnh mẽ hơn, giúp nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng 7%"./.