Nhanh chóng giải quyết trường hợp mất hồ sơ gốc

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hiện nay, cả nước đã có trên 8,8 triệu người được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên còn một số trường hợp không còn đủ hồ sơ gốc.Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 28 để giải quyết các trường hợp không còn đủ và mất hồ sơ gốc.

Đến nay, Bộ Quốc phòng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương về thủ tục, trình tự xem xét giải quyết. Theo báo cáo của 26/63 tỉnh, thành trong cả nước đã xem xét duyệt 112 hồ sơ và đề nghị xác nhận liệt sỹ, thương binh là 396 hồ sơ.

Giải đáp về một trường hợp có đủ giấy chứng nhận công tác và Kỷ niệm chương Mặt trận DD9, Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng 3, nhưng hiện nay chưa được hưởng chế độ, Bộ trưởng Hải Chuyền cho biết, với những giấy tờ nêu trên, đủ căn cứ để khẳng định trường hợp này đã tham gia chiến trường.Theo đó, Bộ trưởng cho biết, trường hợp này đủ điều kiện được trợ cấp một lần, hàng tháng theo quyết định hiện hành của Chính phủ mà hiện nay các đối tượng đang hưởng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nói rõ, nếu “người bị thương thì nên đi giám định sẽ được xác định là thương binh”. Và “cần đến cơ quan chính quyền địa phương để họ hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ xác nhận và kiểm tra lại hồ sơ đã đề xuất, đề nghị đến các cơ quan có trách nhiệm như Bộ Chỉ huy quân sự địa phương để kiểm tra lại lần nữa hồ sơ đó để xem xét và xác nhận”, người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói.

Xử lý nghiêm những hồ sơ giả

Đồng tình với kiến nghị của người dân về trường hợp một số cựu quân nhân chỉ đóng quân ở Hà Tây hay ở Bắc Lào chưa bao giờ tới Vĩ tuyến 17 nhưng vẫn được hưởng chế độ cho người bị nhiễm chất độc da cam, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trường hợp nêu trên thực tế là có trong xã hội.Để giải quyết tình trạng này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế các đơn vị ở địa phương để chỉ đạo và tổ chức thực hiện thanh tra, xem xét phát hiện những sai phạm trong vấn đề đó, trên cơ sở đó để có những biện pháp cụ thể.

Qua xem xét đánh giá từ năm 2008 đến 2013 cũng đã rà soát và cắt một số trường hợp. Có những trường hợp vi phạm đến mức đã chuyển sang các cơ quan pháp luật, ví dụ như các vụ việc ở: Quân khu 1, Nam Định, Ninh Bình…

Để có thể giải quyết triệt để tình trạng nói trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác thanh, kiểm tra và thanh tra các tỉnh việc thực hiện chính sách này. Đồng thời, giáo dục trong dân nhận thức, trách nhiệm trong việc phát hiện vấn đề gian lận chính sách và kịp thời phản ánh.

Đặc biệt, hiện nay, Bộ cũng đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện cuộc tổng rà soát về đối tượng người có công, thông qua đợt tổng rà soát này có các lực lượng mặt trận thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh cùng tham gia chúng ta sẽ phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận và cắt các trường hợp không đúng quy định pháp luật của Nhà nước.

Để tiếp tục tri ân tới những người có công, Bộ trưởng Hải Chuyền cho biết, trong năm 2014, Bộ đã bắt đầu triển khai Đề án 150 nhằm xác nhận danh tính liệt sỹ. Nhưng trước đó, ngành lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với các viện khoa học của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng như Viện khoa học Việt Nam triển khai việc giám định cho hàng nghìn trường hợp là liệt sỹ để tìm tên các anh.

Thông qua Đề án 150, “chúng tôi sẽ xác định được tên của nhiều liệt sỹ nhằm đáp ứng mong mỏi của gia đình các liệt sỹ”. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói./.