Bất đồng lợi ích giữa người dân và chủ đầu tư

Hiện nay, các đô thị trên cả nước vẫn còn tồn tại nhiều nhà chung cư và công trình công cộng được xây dựng từ lâu, đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp. Do đó, nhiều công trình đã bị hư hỏng, có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng… gây mất an toàn nghiêm trọng cho người sử dụng.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội có khoảng 1.500 block nhà chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994) và khoảng 1.500 biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh cũng có khoảng 1.000 block chung cư cũ; trên 2.000 biệt thự xây dựng trước năm 1975 và khoảng hơn 10.000 nhà thuộc sở hữu nhà nước khác. Tổng số đối tượng nhà thuộc diện cần kiểm tra rà soát khoảng 15.000 hộ.

Tuy nhiên, việc cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ luôn trong tình trạng trì trệ với nhiều khó khăn? Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân trực tiếp nhất là bất đồng lợi ích giữa người dân, chủ đầu tư.

Trong khi hầu hết chung cư cũ cần một lượng vốn không nhỏ để đầu tư xây mới, ngân sách nhà nước lại hạn hẹp, thì xã hội hóa là giải pháp khả thi.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư gặp quá nhiều "rào cản" khi triển khai dự án. Nhiều người dân không muốn di dời khỏi chung cư cũ vì lo ngại không có cơ hội quay về nơi mình đang sống, cuộc sống bị đảo lộn, mất đi điều kiện, cơ hội kinh doanh, đặc biệt là những hộ ở tầng 1, có vị trí mặt tiền trên những con phố "vàng".

Nhiều người dân vẫn không muốn dời khỏi các khu chung cư cũ vì nhiều lý do

Nhiều hộ cho rằng, hệ số đền bù thấp, không đủ tiền để mua phần diện tích tăng thêm và yêu cầu chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện nơi ở mới phải tốt hơn căn hộ cũ, tạm cư gần nơi ở cũ…

Về phía chủ đầu tư, doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư xây dựng lại chung cư cũ bởi việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ luôn phải đặt tính xã hội cao hơn lợi nhuận. Để bảo đảm quyền lợi của các bên, khi cải tạo một chung cư 5 tầng thì ít nhất chủ đầu tư phải được phép xây chung cư mới cao từ 15 đến 17 tầng. Tính toán của doanh nghiệp là vậy, nhưng khi triển khai phải bảo đảm đáp ứng về quy hoạch xây dựng, mật độ dân cư khu vực…

Theo ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà, đơn vị đang thực hiện dự án cải tạo lại chung cư C8 - Giảng Võ: “Dự án đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc khó thống nhất với các hộ dân (chủ yếu là các hộ ở tầng 1) thì việc giới hạn chiều cao các tòa chung cư trong nội đô cũng là một vấn đề. Thêm nữa, nhiều khu vực chưa có quy hoạch, trong đó có khu vực Giảng Võ, nên doanh nghiệp chưa thể đưa ra phương án đầu tư khả thi, mức đền bù phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của cả người dân và doanh nghiệp.”

Tháo gỡ bằng cách nào?

Ngày 22/02/2016, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì cuộc họp triển khai Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/02/2016 về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị. Theo đó dự kiến, kết thúc tháng 12/2016 sẽ đánh giá bước 1 sơ bộ trên tổng số khoảng 12.000-15.000 đối tượng nhà. Đến năm 2017 sẽ tiến hành kiểm kê các đối tượng nhà cần phải di dời khẩn cấp; đồng thời có những biện pháp di dời khẩn cấp, phá dỡ. Đối với những nhà sau khi kiểm định đánh giá vẫn có thể tiếp tục sử dụng, nếu có ở lại, cần gia cố và có sự kiểm tra định kỳ hàng năm đối với các công trình này.

Tuy nhiên, trong thời gian này, vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để tháo gỡ khó khăn trong việc di dời các hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ để vừa đảm bảo hài hòa lợi giữa người dân, chủ đầu tư, vừa đảm bảo giữ được cảnh quan cho các đô thị.

Trao đổi với Báo Tin tức, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây Dựng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chính quyền địa phương cần rà soát điều chỉnh quy hoạch để tăng quy mô tầng cao, hệ số sử dụng đất cho các vị trí chung cư cũ nhằm đảm bảo tính khả thi và công bố, cung cấp các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc công khai trước khi chọn chủ đầu tư. Chính quyền địa phương cấp quận, huyện phải là người chủ động tạo ra quỹ nhà tái định cư, tạm cư gần vị trí các chung cư cũ để thuận tiện cho việc cải tạo chung cư cũ. Chính quyền phải xây dựng kế hoạch thực hiện cải tạo, xây dựng mới thay thế các chung cư cũ trên địa bàn theo lộ trình đối với các chung cư đã xuống cấp theo quy định. Đối với các chung cư phải di dời khẩn cấp thì chỉ thực hiện phương thức tái định cư tại chỗ, không thực hiện phương thức bồi thường bằng tiền. Các hộ dân trong chung cư cũ sẽ được di dời đến nơi tạm cư và bố trí tái định cư tại căn hộ mới sau khi công trình được xây dựng xong mà không phải trả thêm tiền. Nếu không có nhu cầu tái định cư tại chỗ, các hộ dân vẫn được bán căn hộ tái định cư cho mọi đối tượng, không nhất thiết chỉ được bán cho chủ đầu tư (Lê Hiền, 2015)

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, phải tìm được giải pháp hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư, cần thực hiện chính sách xã hội hóa theo phương thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ chốt trong việc cân bằng bài toán lợi ích giữa các bên Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Với sự bảo đảm của Nhà nước, người dân có thể góp vốn cùng doanh nghiệp, cải tạo hoặc xây dựng lại chung cư cũ. Những người góp vốn sẽ nhận được những ưu đãi như việc chọn tầng, chọn căn nhà ở sau này, tùy theo tỷ lệ góp vốn. Nhà nước có thể tổ chức thực hiện mua trái phiếu xây dựng chung cư cũ từ chính cư dân sống ở đây./.

Tham khảo từ:

1. Nhóm PV Ban Phóng sự - Điều tra (2016). Cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội: Khi nào hết ỳ trệ?, truy cập từ http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/825849/cai-tao-chung-cu-cu-tren-dia-ban-ha-noi-khi-nao-het-y-tre

2. Lê Hiền (2015). Cần chính sách hợp lý cải tạo chung cư cũ, truy cập từ http://baotintuc.vn/xa-hoi/can-chinh-sach-hop-ly-cai-tao-chung-cu-cu-20151019224952016.htm