Vì vậy, để đạt được mục tiêu Chiến lược Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) giai đoạn 2012-2015, các bộ, ngành, địa phương còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

Vẫn còn nhiều bất cập

Từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia NS&VSMTNT và tháng 3/2012 phê duyệt Chương trình Môi trường Quốc gia NS&VSMTNT giai đoạn 2012 - 2015 tại Quyết định số 366, Chính phủ đề ra mục tiêu: đến năm 2015 đảm bảo 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 45% sử dụng nước đạt Quy chuẩn số 02 của Bộ Y tế với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày.

Về vệ sinh môi trường, phấn đấu 65% số hộ gia đình ở nông thôn, 45% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh và 100% các trường học mầm non, phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh được quản lí và sử dụng tốt.

Chương trình quốc gia về NS&VSMTNT (2012-2015) còn 1 năm nữa là kết thúc giai đoạn và chuyển sang triển khai kế hoạch mới. Nhìn chung các mục tiêu bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tính đến tháng 6/2014, toàn quốc đã xây dựng được 15.093 công trình cấp nước sạch với khoảng 84% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trong đó, 44% sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế, 62,5% hộ nông dân các tỉnh, thành phố có nhà vệ sinh đạt chuẩn, 90-96% trạm y tế, trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỷ lệ nước sạch và vệ sinh môi trường đạt thấp tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

Mặc dù đạt được một số kết quả trên, nhưng việc thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế: tỷ lệ trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp; mức độ tiếp cận nước sạch, công trình vệ sinh của người dân vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền; tính bền vững của các công trình ở nhiều nơi còn hạn chế; công tác quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chất lượng chưa cao, chưa chú trọng những tác động của biến đổi khí hậu gây nên ô nhiễm môi trường và suy thoái nguồn nước…

Trong các năm qua, đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, song vẫn chưa tạo được sự đột phá trong việc thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch. Hàng năm, mục tiêu đề ra của Chương trình NS&VSMTNT là rất lớn, song mức đầu tư của Trung ương cũng như của các tỉnh còn thấp hơn so với nhu cầu vốn đầu tư dự kiến. Việc huy động vốn chỉ đạt 76% so với kế hoạch, ngoài nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là đảm bảo còn lại vốn ngân sách, vốn huy động… đều ở mức rất thấp.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế nên việc huy động nguồn vốn nhân dân đóng góp tham gia xây dựng công trình còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác quản lý, vận hành công trình sau đầu tư còn nhiều lúng túng, công trình phát huy hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do công nhân và cán bộ quản lý vận hành hầu hết không được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, đa số các công trình xuống cấp nhanh vì không tự bảo đảm được nguồn kinh phí cho hoạt động duy tu bảo dưỡng.

Hiện nay, nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường rất lớn. Bên cạnh đó, trong chăn nuôi và các chợ cũng là nơi sản sinh ra rác thải mà chưa có biện pháp xử lý. Môi trường nông thôn còn bị đe dọa bởi tình trạng lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và việc sử dụng phân tươi, nhất là trong sản xuất các loại rau ăn.

Vì vậy, làm thế nào để khắc phục được những hạn chế, đảm bảo cung cấp nước sạch tới người dân, cải thiện điều kiện sống và sức khỏe cho người dân, đặc biệt phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng vùng nông thôn?

Cần nhiều nỗ lực hơn

Để đạt được mục tiêu quốc gia về NS&VSMTNT giai đoạn 2012-2015, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa trong thu hút nguồn vốn cho việc đầu tư các công trình NS&VSMTNT. Mặc dù, nhiều công trình cấp nước đã được xây dựng bằng các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn vay ưu đãi của WB và ngân sách của địa phương, nhưng có nguồn lực vẫn chưa được sử dụng tương xứng với tiềm năng, đó là các doanh nghiệp tư nhân. Để các doanh nghiệp tư nhân tham gia cần có hàng lang pháp lý cụ thể hơn. Vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về hợp tác công – tư (PPP) làm cơ sở pháp lý để hướng dẫn, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực NS&VSMTNT. Ưu tiên nguồn vốn (bao gồm cả ODA), đối ứng cho các dự án đầu tư công – tư, phục hồi và nâng cấp các hệ thống cấp nước tập trung.

Các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường, không để đầu tư tự phát. Xây dựng mô hình điểm về công trình cấp nước sạch, xử lý vệ sinh môi trường. Không chỉ chú trọng xây dựng mới, mà phải quản lý, bảo dưỡng tốt các công trình cấp nước được xây dựng, trong đó quy định rõ thời gian, trình tự và các nội dung bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế các công trình, thiết bị.

Tập trung tìm những giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp để đạt hiệu quả, nhất là đối với các vùng đặc biệt khó khăn. Sử dụng nguồn nước hợp lý và nâng cao chất lượng nước, đồng thời phải căn cứ vào điều kiện tự nhiên, phong tục, tập quán của từng địa phương để đưa ra các mô hình phù hợp với từng vùng, miền... Xử lý chất thải chăn nuôi gia súc quy mô hộ gia đình với công nghệ truyền thống; trong đó, ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ Biogas.

Các địa phương cần tăng cường huy động sự tham gia của cộng đồng, gắn chương trình này với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương./.

Nguồn:

http://sonongnghiephatinh.gov.vn/news3073/Nuoc-sach-VSMT-la-muc-tieu-quan-trong-bao-dam-chat-luong-cuoc-song.htm

http://baophutho.vn/kinh-te/tai-nguyen-moi-truong/201407/day-manh-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-nuoc-sach-va-vsmt-nong-thon-dam-bao-chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-2346374/