90% doanh nghiệp chưa có thống kê

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2015 cả nước đã xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động làm chết 666 người, 7.785 người bị thương, thiệt hại 153,97 tỷ đồng. Bấy nhiêu thôi đã khiến người dân không khỏi giật mình sửng sốt. Vậy mà, thực chất nó mới chỉ phản ánh 10% thực tế.

Trả lời báo chí về báo cáo tổng hợp tai nạn lao động trên cả nước năm 2015 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố vừa qua, Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết, những số liệu liên quan đến số vụ tai nạn lao động, số người chết được nêu ra trong báo cáo về tình hình an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ hàng năm mới chỉ phản ánh được một phần “bức tranh” về tai nạn lao động. Theo thống kê, trong năm 2015 mới chỉ có 18.375/265.000 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ chưa tới 10%) báo cáo về tình hình tai nạn lao động.

“Hiện nay mới chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) báo cáo về tình hình tai nạn lao động, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì hầu như bỏ qua vấn đề này” - ông Thắng nhấn mạnh.

Lý giải về điều này, ông Hà Tất Thắng cho biết, trong quy định của bộ luật lao động trước đây đều tập trung quản lý về các doanh nghiệp mang tính chất là có quan hệ lao động. Chính vì thế mà trong quá trình thống kê báo cáo có hướng dẫn rồi, có quy định rồi nhưng thường chỉ những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FPI, rồi các doanh nghiệp liên doanh thì người ta báo cáo. Còn đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ và những đơn vị ít xảy ra tai nạn lao động thì người ta thường là không báo cáo.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều chủ sử dụng lao động chưa hiểu đúng hoặc không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn lao động. Bởi vì vẫn còn nhiều tai nạn xảy ra nhỏ lẻ nhưng vì nhiều lí do mà chưa được thống kê

Theo phân tích của Chánh Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Tiến Tùng, một trong những nguyên nhân khiến số liệu thống kê chưa sát với thực tế là do việc thỏa thuận bưng bít thông tin từ phía doanh nghiệp. Khi để xảy ra tai nạn, nhiều đơn vị sử dụng lao động (đặc biệt là trong khai thác khoáng sản tư nhân, xây dựng nhà ở dân dụng) thường thỏa thuận đền bù với gia đình người bị nạn hoặc điều chỉnh sai lệch hồ sơ, tính chất vụ việc nhằm che đậy những sai sót trong công tác đảm bảo an toàn lao động.

7.620 vụ tai nạn lao động năm 2016 mới chỉ là con số thống kê của gần 10% doanh nghiệp có báo cáo

Siết chặt quản lý, bám sát thực tế hơn

Để tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về an toàn lao động, trong thời gian tới, hệ thống thanh tra an toàn vệ sinh lao động sẽ được bổ sung khoảng 300 cán bộ có chuyên môn phù hợp. Bên cạnh đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang nghiên cứu xây dựng mô hình đảm bảo an toàn lao động tại các doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có quy mô từ 300 lao động trở lên phải có biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động phù hợp với số lượng lao động và mức độ nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Bên cạnh đó, tiếp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tới doanh nghiệp và người lao động. Năm 2016, Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 18 với chủ đề “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn vệ sinh lao động” sẽ diễn ra từ ngày 20/03 đến ngày 26/03 tại tỉnh Hưng Yên.

Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng báo cáo thiếu tính thực tế, ông Hà Tất Thắng cho biết, Cục An toàn Lao động đang xem xét việc tách riêng nhóm đơn vị sự nghiệp, tập trung vào nhóm doanh nghiệp có tính sản xuất, nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Đồng thời, theo Luật An toàn Vệ sinh lao động sửa đổi yêu cầu báo cáo thêm tình hình khu vực ngoài quan hệ lao động. Điều này chắc chắn sẽ khiến số liệu tai nạn lao động tiệm cận tới con số thực tế./.