Nhiều người chưa biết ai bảo vệ quyền lợi của mình

Tại Lễ công bố “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/03” vừa mới diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong việc thực thi các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong những năm qua, như: hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được triển khai rộng rãi, công tác giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng đã có bước chuyển biến tích cực; công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ngày càng triển khai có hiệu quả.

Quả thật, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Việt Nam đã có có không ít hệ thống pháp luật, chính sách.

Điển hình như: Quốc hội đã thông qua một loạt các luật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nghị định 99/2011/NĐ-CP, ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quảng cáo... Trong đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ, người tiêu dùng có 8 quyền năng cơ bản: quyền được an toàn, quyền được lựa chọn, quyền được thông tin, quyền được lắng nghe, quyền được tham gia xây dựng chính sách, quyền được bồi thường, quyền được khiếu nại, quyền được tư vấn.

Bên cạnh đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thành viên của tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (CI) và 51 hội bảo vệ người tiêu dùng địa phương, là những tổ chức có chức năng giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để giúp người tiêu dùng có thêm kênh tư vấn, hỗ trợ khi có thắc mắc, khiếu nại về hàng hóa, dịch vụ vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã ra mắt tổng đài tư vấn miễn phí: 1800 6838.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, như: nhận thức của xã hội về vị trí và vai trò của công tác này còn hạn chế; sự quan tâm của các chủ thể, cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đồng bộ; hệ thống văn bản pháp luật về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đồng bộ và đủ mạnh; hoạt động của các cơ quan tổ chức, bảo vệ quyền của người tiêu dùng chưa cao...

Về phía người tiêu dùng, trên thực tế, họ còn chưa biết đến bất kỳ cơ quan, hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa biết đến 8 quyền năng của mình đã được luật pháp bảo vệ, hoặc hiểu nhưng lại có tâm lý e ngại trong việc sử dụng các quyền của mình khi bị xâm phạm, nhất là quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, cả nước mới chỉ có 2,5% số người tiêu dùng biết tới luật hay các văn bản pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Điều này cho thấy, Luật và công tác bảo vệ người tiêu dùng chưa thực sự đi vào cuộc sống, bởi lẽ đối tượng cần được bảo vệ là người tiêu dùng lại chưa biết rõ về quyền lợi của mình.

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát trực tuyến do Viện Nghiên cứu Kinh tế, xã hội và Môi trường mới thực hiện, trong số hơn 1.000 người dân được hỏi thì có tới 40% cho biết đã mua phải hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng; trên 30% mua phải hàng hết hạn, ôi thiu, 46% người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng so với quảng cáo...

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Với việc ký các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN, quyền của người tiêu dùng Việt Nam càng phải được bảo vệ.

Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, tính cạnh tranh toàn cầu ngày càng quyết liệt, để xây dựng môi trường tiêu dùng bền vững, công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng cần có bước đột phá và phải được các cơ quan quản lý nhà nước cũng như toàn xã hội chung tay hành động mạnh mẽ hơn.

Dẫn lời bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam trên Báo điện tử VOV thì "người tiêu dùng cần có kiến thức, đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế mở và hội nhập thì người tiêu dùng rất cần có kiến thức về tiêu dùng. Đó là điều quan trọng vì có kiến thức thì mới có thể vững vàng trong việc lựa chọn, trong ma trận hàng hóa với nhiều hình thức marketing chuyên nghiệp. Chúng tôi đặt mục tiêu người tiêu dùng phải là người có kiến thức, trong tiêu dùng, trong nhận biết và kể cả kiến thức trong bảo vệ người tiêu dùng của mình”.

Trong khi đó, theo bà Phạm Quế Anh, chuyên gia độc lập về bảo vệ người tiêu dùng, cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để người tiêu dùng hiểu được các quyền lợi của mình và cần thông báo cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng về hàng hóa dịch vụ nguy hiểm họ gặp phải và theo dõi thông tin giải quyết khiếu nại của họ.

Vì vậy, trước khi lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm trên thị trường, người tiêu dùng phải lựa chọn thông minh, tìm hiểu rõ những thông tin đó. Trong quá trình sử dụng nếu như có khiếu nại hay thắc mắc thì phải tìm đến cơ quan chức năng, có thẩm quyền, không nên im lặng.

Nếu mỗi cá nhân, người tiêu dùng có trách nhiệm với bản thân mình, có trách nhiệm hơn với xã hội thì công tác bảo vệ người tiêu dùng sẽ hiệu quả hơn. Không nên trông chờ vào cơ quan nhà nước hay các hội bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của chúng ta, mà phải tự biết bảo vệ quyền lợi của chúng ta trước.

Ngoài ra, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đòi hỏi có sự cố gắng hơn nữa từ cơ quan nhà nước, từ các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như tiến hành các trách nhiệm pháp lý của mình theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, tiếng nói của mình trong việc bảo vệ người tiêu dùng.

Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Vì thế, Nhà nước cần khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng và thực hiện pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Mặt khác, phát hiện và khuyến cáo cộng đồng về hàng hóa, dịch vụ có chất lượng hoặc độ an toàn thấp, có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://vov.vn/kinh-te/cong-bo-ngay-quyen-cua-nguoi-tieu-dung-viet-nam-153-488486.vov

http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/6470/cong-tac-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung--can-phat-trien-theo-huong-ben-vung.aspx

http://vov.vn/kinh-te/thi-truong/quyen-loi-bi-xam-pham-nguoi-tieu-dung-khong-nen-im-lang-488072.vov