Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tại kỳ họp thứ 11/Ảnh: Đình Nam/quochoi.vn

Năm 2015, chỉ có 2 chỉ tiêu kế hoạch không đạt

Cụ thể, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo, năm 2015, trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt.

Ngoài chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không đạt như đã báo cáo, còn thêm chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 7,9% (kế hoạch là khoảng 10%). So với số đã báo cáo Quốc hội, có 5 chỉ tiêu đạt tốt hơn và 2 chỉ tiêu thấp hơn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008. Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,6%, thấp nhất kể từ năm 2001. Mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được điều chỉnh chủ động, linh hoạt. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP là 32,6%; vốn FDI thực hiện đạt 14,5 tỷ USD.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 5%. Tạo việc làm cho trên 1,62 triệu người. Cả nước có 15 huyện và 1.526 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 17,1% tổng số xã.

Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, số vụ giảm 11,52%, số người chết giảm 3,61%, số người bị thương giảm 15,81%.

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực.

Kế hoạch 5 năm có… 10 chỉ tiêu không đạt

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận nhiều chỉ tiêu trong Kế hoạch 5 năm 2011-2015 không đạt.

Cụ thể, trong 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt; 10 chỉ tiêu không đạt.

Các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch là: Có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch gồm: Tỷ lệ nhập siêu trong kim ngạch xuất khẩu đến năm cuối kỳ kế hoạch 5 năm là 2% (kế hoạch dưới 10%); Tiêu tốn năng lượng tính trên GDP bình quân 5 năm so với năm cuối kỳ kế hoạch giai đoạn trước giảm 6,55% (kế hoạch giảm 2,5-3%); Tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách trong GDP bình quân 5 năm khoảng 21% (kế hoạch không quá 22-23%); Nợ công so với GDP vào năm cuối kỳ khoảng 62,2% (kế hoạch dưới 65%); Nợ nước ngoài của quốc gia so với trong GDP vào năm cuối kỳ khoảng 43,1% (kế hoạch dưới 50%); Chỉ số giá tiêu dùng vào năm cuối kỳ khoảng 0,6% (kế hoạch khoảng 5-7%); Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị vào năm cuối kỳ 3,29% (kế hoạch dưới 4%); Thu nhập thực tế của dân cư vào năm cuối kỳ so với năm cuối kỳ giai đoạn trước khoảng 2,85-2,9 lần (kế hoạch 2-2,5 lần); Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hàng năm khoảng 2% (kế hoạch khoảng 2%); Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hàng năm đối với các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn khoảng 6% (kế hoạch khoảng 4%); Diện tích nhà ở bình quân vào năm cuối kỳ khoảng 22 m2 (kế hoạch 22 m2); Diện tích sàn nhà ở bình quân đô thị vào năm cuối kỳ khoảng 26 m2 (kế hoạch 26 m2); Tốc độ tăng dân số vào năm cuối kỳ là 1,07% (kế hoạch khoảng 1%); Số bác sỹ trên 1 vạn dân vào năm cuối kỳ đạt 8 bác sỹ (kế hoạch 8 bác sỹ); Số giường bệnh (không tính giường trạm y tế xã) trên 1 vạn dân vào năm cuối kỳ đạt 24 giường (kế hoạch 23 giường); Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào năm cuối kỳ được xử lý đạt 90% (kế hoạch 85%).

Có 10 chỉ tiêu không đạt là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 5,91% (kế hoạch 6,5-7,0%); Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội so với GDP bình quân 5 năm 31,7% (kế hoạch 33,5-35%); Bội chi NSNN vào năm cuối kỳ kế hoạch 5 năm 6,1% (kế hoạch < 4,5%); Nợ của Chính phủ so với GDP đến năm cuối kỳ khoảng 50,3% (kế hoạch không quá 50%); Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp 18,37% (kế hoạch 30%); Tỷ lệ đổi mới công nghệ bình quân 5 năm 10,68% (kế hoạch 13%); Tăng năng suất lao động xã hội đến năm cuối kỳ so với cuối kỳ giai đoạn trước 23,6% (kế hoạch 29-32%); Số lao động được tạo việc làm 5 năm là 7,8 triệu (kế hoạch là 8 triệu); Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế vào năm cuối kỳ là 51,6% (kế hoạch 55%); Tỷ lệ che phủ rừng vào năm cuối kỳ là 40,73% (kế hoạch 42-43%).

Phó Thủ tướng cũng cho biết, ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Quy hoạch phát triển được rà soát, điều chỉnh phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Các loại thị trường được hình thành và từng bước phát huy hiệu quả. Thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu gắn với hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, minh bạch, bình đẳng hơn; năng lực cạnh tranh được nâng lên.

Phát triển nguồn nhân lực đạt những kết quả tích cực. Mạng lưới giáo dục, đào tạo được mở rộng, quy mô và chất lượng được nâng lên. Đẩy mạnh dạy nghề, nhất là cho lao động nông thôn; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,6%. Đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ tăng nhanh; đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt khoảng 2% tổng chi ngân sách. Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, thông tin truyền thông, y tế, giao thông, xây dựng có nhiều tiến bộ.

Chính sách, pháp luật và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng tiếp tục được hoàn thiện. Đã huy động các nguồn lực, đa dạng hoá phương thức đầu tư.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Tập trung thực hiện tái cơ cấu về đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trình ban hành và thực hiện Luật Đầu tư công, đổi mới cơ chế phân bổ vốn theo kế hoạch trung hạn. Tập trung vốn đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết và vốn đối ứng cho các dự án ODA, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và chủ đầu tư. Tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước. Trong 5 năm, vốn FDI thực hiện đạt 60,5 tỷ USD; vốn ODA giải ngân đạt 22,3 tỷ USD; đầu tư tư nhân chiếm 38,6% tổng đầu tư toàn xã hội.

Tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống. Từng bước áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế. Phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Tỷ lệ nợ xấu giảm dần, đã giảm 20 tổ chức tín dụng. Thị trường tài chính có bước phát triển; mức vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 33%, thị trường trái phiếu đạt 23% GDP.

Đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đã sắp xếp 558 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 478, đạt 93% kế hoạch./.