Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố báo cáo đánh giá về triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á trong hai năm 2016 và 2017.

Theo đó, Moody’s đánh giá trong 2 năm tới Việt Nam (với mức xếp hạng B1 và triển vọng ổn định) vẫn sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nổi trội ở khu vực. Kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi hoạt động sản xuất khỏe mạnh và dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào.

Moody’s nhận định trong bối cảnh lực cầu trên toàn cầu yếu đi, triển vọng của các nền kinh tế là rất khác nhau. “Nền kinh tế của những nước hướng về xuất khẩu như Singapore, Malaysia và Thái Lan sẽ tiếp tục có triển vọng tăng trưởng kém hơn so với những nền kinh tế hướng về tiêu dùng nội địa nhiều hơn như Indonesia và Philippines”, Rahul Ghosh - Phó Chủ tịch và là chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Moody's – nhận định.

Ngoài ra, Moody's cho biết tổng giá trị thương mại, tính cả xuất khẩu và nhập khẩu, chiếm khoảng 346% GDP của Singapore, 131% của Malaysia và 130% GDP của Thái Lan, cao hơn nhiều so với mức 41% GDP của Indonesia và 58% của Philippines. Do đó, các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan sẽ nhạy cảm hơn với việc nhu cầu toàn cầu suy yếu kéo dài (thông qua kênh xuất khẩu và nhu cầu đầu tư giảm).

Theo dự báo của Moody’s, tăng trưởng GDP của các nước G20 sẽ chỉ đạt 2,6% trong năm 2016, bằng với tốc độ của năm 2015, trước khi tăng lên mức 2,9% năm 2017. Trong khi đó, những rủi ro với tăng trưởng kinh tế toàn cầu lại đang tăng lên.

Tại Đông Nam Á, Moody’s hiện xếp hạng Singapore ở bậc cao nhất là Aaa, Malaysia ở bậc A3, Thái Lan ở bậc Baa1, Indonesia ở bậc Baa3 và Philippin ở bậc Baa2. Bậc xếp hạng của các nước đều có triển vọng ổn định./.